Phát triển nông thôn
Nông nghiệp, nông thôn và nông dân là ưu tiên hàng đầu của chính quyền trung ương Trung Quốc. Vào tháng 12 năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc Đường Nhân Kiện đã viết trên Tạp chí Qiushi, đưa ra các mục tiêu chính của chiến lược "Tái sinh nông thôn". Trong bài báo có tựa đề “Ổn định thúc đẩy sự phục hồi nông thôn”, ông lưu ý rằng Trung Quốc luôn có một ngành nông nghiệp lớn với các trang trại quy mô nhỏ. Ông lập luận, để thúc đẩy sự thịnh vượng của cả khu vực nông thôn và người dân nông thôn, các phương thức canh tác hiện đại phải được áp dụng bởi những người nông dân quy mô nhỏ.
Hơn nữa, ông Đường Nhân Kiện thừa nhận rằng hệ thống quyền sở hữu ở nông thôn và phân bổ các yếu tố sản xuất dựa trên thị trường phải được cải thiện. Làm như vậy sẽ giúp nông dân có nhiều quyền tài sản hơn và tăng sản lượng ở nông thôn. Tại Hội nghị Công tác Nông thôn Trung ương vào cuối tháng 12 năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng nhận xét rằng cần phải nỗ lực để thúc đẩy hiệu quả và chất lượng của ngành nông nghiệp. Để hỗ trợ những nhiệm vụ này, các khu vực nông thôn sẽ phát triển để phù hợp cho việc sinh sống và làm việc, bao gồm cả bằng cách nâng cao thu nhập và sức chi tiêu ở nông thôn.
Việc tiếp tục chú trọng phát triển nông thôn và sản xuất nông nghiệp cũng tuân theo nhiều chính sách và luật liên quan đến phục hồi nông thôn. Ví dụ, tháng 4.2021, Luật Khuyến khích Tái tạo Nông thôn đã được thông qua để đẩy nhanh sự phát triển của các khu vực nông thôn, đồng thời duy trì các biện pháp bảo vệ môi trường. Luật có hiệu lực từ ngày 1.6 cùng năm.
Đạo luật cũng tìm cách khuyến khích an ninh lương thực bằng cách cấm sử dụng đất nông nghiệp cho các mục đích phi nông nghiệp và bằng cách biến Lễ hội thu hoạch của nông dân Trung Quốc thành một ngày lễ theo luật định để phục hồi văn hóa nông thôn. Luật này cũng kêu gọi tăng cường nỗ lực tạo ra các thương hiệu nông sản, cải thiện các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của đất nước và thực hiện các chương trình đào tạo nghề để thúc đẩy.
Bảo vệ đất trồng
Môi trường ở Trung Quốc bị suy thoái nghiêm trọng trong những thập kỷ gần đây do hệ thống lương thực và sản lượng lương thực tăng lên. Sản lượng lương thực tăng là vấn đề tất yếu để cung cấp cho toàn bộ dân số Trung Quốc, vốn là quốc gia đông dân nhất thế giới. Tuy nhiên, hệ thống lương thực, đặc biệt là những hệ thống ở giai đoạn sản xuất lương thực đã gây ra những rủi ro nghiêm trọng trên khắp thế giới do tác động của chúng đối với biến đổi khí hậu, sử dụng nước ngọt, ô nhiễm nitơ và phốt pho, thay đổi sử dụng đất và mất đa dạng sinh học. Đây cũng là vấn đề của Trung Quốc.
Là một phần trong nỗ lực giảm thiểu những tác động tiêu cực trong quá trình phục hồi nông thôn, Luật Khuyến khích Tái tạo Nông thôn đưa ra nhiều quy định nhằm cải thiện các điều kiện môi trường. Chẳng hạn, Luật yêu cầu chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp để cải thiện môi trường bị hủy hoại, giảm sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu, và xử lý đầy đủ nước thải, rác thải. Điều này phù hợp với các kế hoạch ngăn ngừa ô nhiễm đất và nước ngầm, bảo vệ môi trường nông thôn và mục tiêu quốc gia là “Trung Quốc tươi đẹp” và “văn minh sinh thái”. Ngoài ra, Luật cũng khuyến khích thúc đẩy chuyển đổi đất bạc màu thành đất canh tác mà vẫn bảo vệ môi trường sinh thái, tương tự như “chính sách lằn ranh đỏ” nhằm bảo vệ đất canh tác của Trung Quốc.
Vào tháng 2.2021, chính quyền trung ương Trung Quốc đã công bố Tài liệu số 1 về hiện đại hóa nông nghiệp và cải cách nông thôn, trong đó đề ra các nhiệm vụ đổi mới nhấn mạnh vào khu vực nông thôn và lĩnh vực nông nghiệp của đất nước, đồng thời đưa ra các vấn đề cấp bách hơn như giải quyết các nút thắt cốt lõi trong công nghệ nông nghiệp, củng cố hệ thống chăn nuôi cây nhà lá vườn cũng như chặng đường phía trước sau cuộc vận động xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn. Đặc biêt, văn kiện này cam kết giữ "ranh giới đỏ" 120 triệu ha đất canh tác (tương đương diện tích của Nam Phi).
Để khuyến khích hơn nữa sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ phục hồi nông thôn, Bắc Kinh cũng đã thiết lập Kế hoạch Xây dựng đất nông nghiệp tiêu chuẩn cao quốc gia (2021 - 2030) để tăng diện tích đất canh tác và năng suất cây trồng. Quy hoạch đặt mục tiêu cả nước sẽ đạt 71,75 triệu ha “đất nông nghiệp tiêu chuẩn cao” vào năm 2025 và đạt 80 triệu ha vào năm 2030. Điều này cũng sẽ giúp bảo đảm rằng “bát ăn của người Trung Quốc chứa đầy ngũ cốc Trung Quốc và ngũ cốc Trung Quốc được trồng chủ yếu từ hạt giống của Trung Quốc” như Chủ tịch Tập Cận Bình và Bộ trưởng Đường Nhân Kiện đã mô tả vào năm ngoái.
Sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực
Kế hoạch thúc đẩy phục hồi nông thôn diễn ra vào thời điểm sản xuất lương thực nội địa Trung Quốc không thể duy trì lối sống và thói quen tiêu dùng hiện tại. Nó cũng diễn ra trong bối cảnh gián đoạn thương mại lương thực toàn cầu, thiên tai, thâm hụt sản xuất và tác động của Covid-19 đối với chuỗi cung ứng, buộc Bắc Kinh phải suy nghĩ lại cách tiếp cận đối với an ninh lương thực.
Ngay cả khi nhu cầu lương thực tăng lên, Trung Quốc đang chứng kiến chất lượng và số lượng đất canh tác giảm do đô thị hóa, thâm canh và dòng chảy nông nghiệp. Nghiên cứu từ Ngân hàng Thế giới cho thấy, các khu vực nông thôn ở Trung Quốc chỉ có 0,21 mẫu đất canh tác trên đầu người, cho thấy rằng Trung Quốc cần năng suất nông nghiệp cao hơn từ diện tích đất ít có sẵn hơn.
Đồng thời, tài nguyên nước của Trung Quốc đang bị trở nên khan hiếm đáng kể do các vấn đề về chất lượng, số lượng và phân phối trên toàn quốc. Những vấn đề này càng thêm phức tạp bởi quá trình đô thị hóa nhanh chóng, thay đổi nhân khẩu học và lực lượng lao động nông thôn giảm sút.
Để vượt qua những thách thức do lương thực, nguồn nước, lao động, mất an ninh năng lượng và những lo ngại liên quan, chính quyền trung ương Trung Quốc có thể sử dụng chiến lược "Tái sinh nông thôn" cùng với các mục tiêu khác (ví dụ mục tiêu sản lượng quốc gia) để khuyến khích sản xuất nông nghiệp giúp nuôi sống quốc gia. Ví dụ, như một phần của nỗ lực tăng sản lượng nông nghiệp trong nước, chính quyền trung ương Trung Quốc đã đưa ra nhiều chính sách và kế hoạch khác nhau, bao gồm luật an ninh ngũ cốc mới, mục tiêu sản xuất ngũ cốc hàng năm và mục tiêu diện tích trồng trọt.
Các mục tiêu này cũng phù hợp với mục tiêu lớn hơn của Trung Quốc là bảo vệ an ninh lương thực, bản thân nó là ưu tiên ngày càng cao của Bắc Kinh trong chiến lược phát triển “tuần hoàn kép” mới. Khi chiến lược này tìm kiếm khả năng tự lực lớn hơn để giảm bớt những bất ổn bên ngoài, các khu vực nông thôn của Trung Quốc được coi là có tiềm năng lớn để thúc đẩy nhu cầu trong nước và rất cần thiết để tăng khả năng tự cung tự cấp trong sản xuất nông nghiệp.