Bảo vệ thành tựu xóa đói giảm nghèo
Xóa đói giảm nghèo là một trong những sáng kiến quốc gia quan trọng của Chủ tịch Tập Cận Bình kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012. Là một quốc gia nông nghiệp có lịch sử lâu đời, các vùng nông thôn của Trung Quốc được coi là "xương sống" của sự phát triển chung của đất nước. Vào năm 1949, hầu hết mọi người sống dưới mức nghèo khổ. Kể từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới và mở cửa, Trung Quốc đã thúc đẩy nhiều chính sách và khuôn khổ nhằm khuyến khích quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đưa hơn 700 triệu cư dân nông thôn thoát khỏi đói nghèo.
Trong 8 năm qua, Trung Quốc đã đưa 98,99 triệu người dân nông thôn sống dưới mức nghèo khổ thoát khỏi đói nghèo; loại bỏ 832 quận và 128.000 ngôi làng khỏi danh sách nghèo. Vào tháng 2.2021, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố “hoàn toàn thắng lợi” trong việc xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực ở Trung Quốc, gọi chiến dịch xóa đói giảm nghèo là “phép màu cho nhân loại”. Cột mốc này đã đạt được khi đưa khoảng 10 triệu người thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực mỗi năm kể từ năm 2013. Kết quả là Trung Quốc đã chính thức đạt được mục tiêu xóa nghèo được đề ra trong Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, trước thời hạn 10 năm.
Tại Hội nghị Công tác Nông thôn vào tháng 12 năm ngoái, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng, tiền đề của quá trình hồi sinh nông thôn là củng cố các thành tựu xóa đói giảm nghèo. Vì vậy, Trung Quốc đã công bố kế hoạch tăng việc làm cho những người thoát nghèo. Vào tháng 1.2022, Trung Quốc tuyên bố, họ sẽ cố gắng trong năm nay để bảo đảm việc làm cho ít nhất 30 triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói. Ông Liu Huanxin, Phó Chánh Văn phòng Nhóm Lãnh đạo công tác nông thôn Trung ương và là người đứng đầu Cơ quan Quản lý Tái tạo Nông thôn Quốc gia, lưu ý rằng vào năm 2021, khoảng 31,45 triệu cư dân nông thôn thoát nghèo đã tìm được việc làm. Tương tự, vào năm 2020, khoảng 30,19 triệu cư dân nông thôn thoát nghèo đã tìm được việc làm.
Theo ông Liu Huanxin, các biện pháp mới sẽ tăng cường hợp tác cung cấp dịch vụ lao động trong nước giữa các quận, thành phố và tỉnh. Ngoài ra, các công việc phúc lợi công cộng ở khu vực nông thôn sẽ được cung cấp cùng với hỗ trợ cho tinh thần kinh doanh và việc làm linh hoạt.
Nhờ những nỗ lực của Trung Quốc nhằm củng cố các thành tựu xóa đói giảm nghèo quốc gia và thúc đẩy phục hồi nông thôn, thu nhập ròng trung bình của những người thoát khỏi nghèo đói đã tăng lên. Ước tính từ dữ liệu chính thức cho thấy thu nhập ròng trung bình này có thể đạt 12.500 nhân dân tệ (khoảng 1.968 USD) vào năm 2021, tăng hơn 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thông qua việc hồi sinh nông thôn, khoảng cách về mức sống giữa thành thị và nông thôn có thể được giảm bớt, điều này là cần thiết để tăng cường sự phát triển đồng bộ trong khu vực. Như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc Đường Nhân Kiện đã lưu ý, chìa khóa để giải quyết vấn đề phát triển thiếu cân đối và bất cập của Trung Quốc nằm ở nông nghiệp, khu vực nông thôn và cư dân nông thôn. Ví dụ, nếu không được giải quyết, khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng, như được nhìn thấy bởi khả năng tiếp cận “ba ngọn núi lớn” (giáo dục, y tế và nhà ở), có thể là mối đe dọa đối với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc và ổn định xã hội.
Đáp ứng các nhu cầu cơ bản
Một khía cạnh quan trọng khác của việc thúc đẩy "Tái sinh nông thôn" là bảo đảm các nhu cầu cơ bản của cư dân nông thôn được đáp ứng cùng với những cải thiện về đời sống của họ. Ví dụ, Tài liệu số 1 phát hành năm ngoái đã đưa ra các chính sách dài hạn nhằm cải thiện đời sống và phúc lợi của người dân nông thôn. Chúng bao gồm việc bảo đảm thu nhập của nông dân và cải thiện cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công cộng thiết yếu ở các vùng nông thôn.
Theo các chính sách được đề cập trong “Tài liệu số 1”, ông Đường Nhân Kiện tuyên bố rằng sẽ tập trung nhiều hơn vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng ở các vùng nông thôn và các điều kiện vệ sinh để thúc đẩy sự hồi sinh nông thôn. Là một phần của vấn đề này, bài báo gần đây của ông Đường Nhân Kiện trên Tạp chí Qiushi nói rằng Chương trình phục hồi nông thôn xanh kéo dài 5 năm sẽ được khởi động như một phần của chiến lược phục hồi nông thôn của chính quyền trung ương Trung Quốc.
Chương trình Phục hồi nông thôn xanh lần đầu tiên được khởi động ở tỉnh Chiết Giang vào năm 2003 bởi Chủ tịch Tập Cận Bình, lúc đó là Bí thư Thành ủy Chiết Giang. Là một ý tưởng kỹ thuật sinh thái tập trung vào khái niệm “vùng nước trong xanh và những ngọn núi tươi tốt là tài sản vô giá” ở các vùng nông thôn, chương trình nhằm chuyển đổi bằng cách kết hợp quản lý nước, quản lý chất thải và tái chế. Đến năm 2017, 27.000 ngôi làng đã hoàn thành chương trình hồi sinh ban đầu, chiếm khoảng 97% số làng ở tỉnh Chiết Giang. Vào tháng 9.2018, chương trình đã được công nhận với danh hiệu cao nhất về môi trường của Liên Hợp Quốc. Ông Đường Nhân Kiện đã đưa Chương trình Phục hồi Nông thôn xanh vào bài báo gần đây cho ấn bản mới nhất của Qiushi, gợi ý rằng chính quyền trung ương Trung Quốc có thể xem xét việc triển khai chương trình trên quy mô quốc gia.
Việc Trung Quốc thúc đẩy phục hồi nông thôn kết hợp với việc thực hiện nhiều chính sách và mục tiêu quốc gia, tìm cách biến đổi Trung Quốc và cuộc sống của cư dân nông thôn. Nhằm giải quyết sự chênh lệch kinh tế - xã hội vùng miền, khoảng cách ngày càng lớn giữa cư dân thành thị và nông thôn, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của nông thôn Trung Quốc, chiến lược phục hồi nông thôn mang lại cho cả môi trường và cư dân nông thôn nhiều cơ hội.
Tuy nhiên, quá trình hồi sinh nông thôn cũng có những thách thức. Làm thế nào để chính quyền trung ương Trung Quốc có thể triển khai và thực thi các chiến lược phục hồi nông thôn ở tất cả các cấp? Cần thúc đẩy những cơ chế pháp lý nào để giúp bảo đảm sự thành công của chiến lược phục hồi nông thôn? Động lực thúc đẩy phục hồi nông thôn bền vững như thế nào? Cần bao nhiêu năng lượng và nước để phục hồi nông thôn? Liệu nhu cầu nội địa cạnh tranh giữa thành thị, công nghiệp và nông nghiệp có ảnh hưởng đến sự thành công của chiến lược không? Làm thế nào để mức tiêu thụ năng lượng dự kiến của quá trình hồi sinh nông thôn phù hợp với tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình rằng Trung Quốc sẽ đạt mức phát thải carbon cao nhất vào năm 2030 và đạt được mức độ trung tính carbon trước năm 2060? Sản lượng nông nghiệp tăng ở Trung Quốc có thể bảo vệ an ninh lương thực của nước này ở mức độ nào?
Song, những mối quan tâm tiềm ẩn như vậy có thể được giảm thiểu hoặc tránh được bằng các phát triển công nghệ. Chúng bao gồm sử dụng trí thông minh nhân tạo trong canh tác để sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn, trồng cây biến đổi gen (GM) để có năng suất cao hơn, tạo ra các loại thịt nuôi trồng để đáp ứng nhu cầu trong nước và sử dụng các nguồn cung cấp nước thay thế để tránh thêm những lo ngại về mất an ninh nguồn nước.