Thanh tra viên (Ombudsman/Parliamentary Ombudsman):
Thanh tra viên chính là chức vụ trọng tâm của cơ quan Thanh tra Quốc hội. Họ là người chịu trách nhiệm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thanh tra. Do đó, thủ tục bổ nhiệm thanh tra viên được quy định chặt chẽ cũng như tiêu chí để lựa chọn thanh tra viên đòi hỏi khá cao cả về trình độ chuyên môn lẫn phẩm chất đạo đức và uy tín của người này trước công chúng. Cụ thể: Việc hình thành chức danh Thanh tra Quốc hội (Thanh tra viên) được tiến hành thông qua thủ tục chặt chẽ, cùng với đó là những tiêu chuẩn khắt khe cả về năng lực chuyên môn lẫn phẩm chất đạo đức nhằm chọn ra được người thực sự xứng đáng và được Quốc hội tin tưởng giao phó trọng trách quan trọng là giám sát nền hành chính công.
Thời kỳ đầu, pháp luật Thụy Điển quy định: Thanh tra Quốc hội Thụy Điển do Ủy ban đặc biệt gồm 48 thành viên của Quốc hội bầu, có nhiệm kỳ 4 năm. Còn theo Đạo luật Nghị viện hiện hành, thủ tục bầu Thanh tra Quốc hội được tiến hành tương tự như bầu đại biểu Quốc hội theo nguyên tắc bỏ phiếu kín. Công việc chuẩn bị sẽ giao cho Ủy ban Hiến pháp của Quốc hội thực hiện. Quốc hội có thể bãi nhiệm Thanh tra viên theo đề xuất của Ủy ban Hiến pháp nếu thấy không còn tin tưởng và việc bầu Thanh tra viên mới phải được tiến hành ngay để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ của Thanh tra Quốc hội. Nhiệm kỳ của Thanh tra Quốc hội được bầu thay thế cũng là 4 năm.
Tiêu chuẩn của Thanh tra Quốc hội được đặt ra dựa trên hai phương diện là năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức: Theo đó, pháp luật Thụy Điển quy định, Thanh tra viên phải là người am hiểu pháp luật và nổi bật về tính chính trực. Trên thực tế, để đáp ứng được tiêu chuẩn trên, người được bầu làm Thanh tra Quốc hội thường được chọn từ các thẩm phán. Thời gian đầu, Thụy Điển chỉ bầu 1 Thanh tra viên, sau này, tăng lên 4 Thanh tra viên, trong đó có 1 Thanh tra viên làm Trưởng Văn phòng Thanh tra Quốc hội (Chief Parliamentary Ombudsman). Trưởng Văn phòng Thanh tra có quyền phân bổ công việc theo khu vực cho các Thanh tra viên còn lại, tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Thanh tra viên khác phụ thuộc vào Trưởng Thanh tra, khi thực hiện nhiệm vụ, họ hoàn toàn độc lập với nhau.
Phó Thanh tra (Deputy Ombudsman)
Thông thường, Phó Thanh tra được hiểu là người giúp việc cho Thanh tra viên và có thể đảm nhận vai trò của Thanh tra viên khi Thanh tra viên bị bãi nhiệm hoặc vì lý do sức khỏe không đảm nhận được công việc. Tuy nhiên, Phó Thanh tra Quốc hội của Thụy Điển được quy định khá đặc thù: Nếu như hầu hết các quốc gia quy định Phó thanh tra là thành viên cứng trong cơ cấu Văn phòng Thanh tra Quốc hội và được xác định rõ số lượng thì ở Thụy Điển, chức danh này có thể có hoặc không (do Quốc hội quyết định, số lượng cũng không định sẵn, có thể 1 hoặc nhiều hơn); nhiệm kỳ cũng không quy định cố định (thường sẽ có nhiệm kỳ 2 năm nhưng cũng có thể nhiệm kỳ dài hơn theo quyết định của Quốc hội).
Tiêu chuẩn Phó thanh tra cũng có điểm đáng chú ý là một Phó thanh tra trước đó đã giữ chức vụ như là một Thanh tra Quốc hội. Thông thường, Phó thanh tra được bầu để thực hiện nhiệm vụ của Thanh tra viên khi người này vì lý do sức khỏe hay vì một lý do đặc biệt nào khác không thể thực hiện được nhiệm vụ hoặc là có phát sinh nhu cầu mới cần tới dịch vụ Thanh tra Quốc hội. Như vậy, quan niệm về vai trò của “Phó Thanh tra” của Thụy Điển có phần như là sự bổ trợ cho Thanh tra Quốc hội trong trường hợp cần thiết hơn là đóng vai trò là người giúp việc thường xuyên cho Thanh tra như cách hiểu thông thường.
Tổ chức Thanh tra Quốc hội Phần Lan khá tương đồng với Thanh tra Quốc hội của Thụy Điển. Thanh tra và các Phó thanh tra đều phải do Quốc hội bầu với nhiệm kỳ 4 năm và có thể được tái bổ nhiệm khi kết thúc nhiệm kỳ. Trong trường hợp có căn cứ rõ ràng cho rằng các Thanh tra đã thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, vượt quá thẩm quyền giám sát, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi, Quốc hội có quyền điều tra, khởi tố và bãi miễn Thanh tra Quốc hội trước thời hạn trong nhiệm kỳ đương nhiệm. Tuy nhiên, số lượng Thanh tra Quốc hội của Phần Lan không giống Thụy Điển chỉ gồm 1 Thanh tra và quy định cứng số lượng phó Thanh tra là 2 người.
Đội ngũ giúp việc
Mặc dù pháp luật không quy định cụ thể nhưng về cơ bản, Thanh tra Quốc hội luôn được sự trợ giúp của đội ngũ giúp việc đông đảo. Ở Thụy Điển, mỗi Thanh tra Quốc hội có khoảng 50 nhân viên giúp việc, trong đó có từ 30 đến 35 người là các luật gia hoặc cán bộ tư pháp và 15 người làm công tác hành chính. Thanh tra Quốc hội Phần Lan cũng có đội ngũ giúp việc khá đông đảo. Thanh tra và hai Phó Thanh tra đều có quyền chỉ định đội ngũ thư ký cho mình là những người có kiến thức pháp luật, bao gồm: 4 cố vấn pháp luật, 18 nhân viên pháp lý, 2 điều tra viên, nhân viên thông tin và nhân viên văn phòng. Có thể thấy, hiệu quả của Thanh tra Quốc hội được bảo đảm phần nào nhờ đội ngũ giúp việc số lượng lớn, có trình độ chuyên môn cao, hỗ trợ cho Thanh tra thực hiện rất nhiều công việc đòi hỏi sự chuyên nghiệp trong quá trình thực hiện chức năng của mình.
Về tổ chức, Thanh tra Quốc hội có văn phòng riêng, Thanh tra Quốc hội sẽ chủ động quy định nguyên tắc hoạt động cho Văn phòng Thanh tra. Bên cạnh đó, ngân sách phục vụ cho Thanh tra Quốc hội cũng được lấy trực tiếp từ ngân sách nhà nước mà không phải thông qua cơ quan nào nhằm bảo đảm tính độc lập cho Thanh tra.