Cơ quan Hiến định độc lập
Tính độc lập của Thanh tra Quốc hội được nhấn mạnh trong mối quan hệ với các cơ quan trong các nhánh hành pháp và tư pháp. Như đã phân tích ở hoàn cảnh ra đời Thanh tra Quốc hội cổ điển, tính độc lập của Thanh tra Quốc hội là một yêu cầu khách quan nhằm bảo đảm hiệu quả hoạt động cho Thanh tra Quốc hội. Thực tế, ở Thụy Điển, Quốc hội muốn củng cố và mở rộng quyền lực để cân bằng với quyền lực của Hoàng gia vốn vẫn còn mạnh, do đó, Quốc hội phải kiểm soát được các nhánh quyền lực còn lại, đặc biệt là nhánh hành pháp khi nhà Vua vẫn có vai trò rất lớn ở nhánh quyền lực này. Bên cạnh đó, Thanh tra Quốc hội mặc dù được Quốc hội bầu và có mối quan hệ gắn bó với Quốc hội nhưng để việc giám sát được hiệu quả, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Thanh tra Quốc hội cũng có tính độc lập tương đối với Quốc hội.
Chức năng giám sát tòa án và các cơ quan hành chính
Thanh tra Quốc hội có chức năng giám sát việc tuân theo pháp luật của tòa án và của các cơ quan hành chính. Đây là điểm tương đối đặc thù của Thanh tra Quốc hội Thụy Điển và Phần Lan so với các nước trên thế giới. Theo quy định tại Đạo luật Nghị viện năm 1810 của Thụy Điển, thẩm quyền của Thanh tra Quốc hội là “giám sát việc tuân theo pháp luật và các quy tắc được áp dụng cho Tòa án và cơ quan hành chính cũng như nhân viên của họ”; chức năng giám sát được thực hiện “trong phạm vi chức năng đại diện của Quốc hội”, theo hướng dẫn của Quốc hội. Trong đó, Thanh tra quân sự (The Military Ombudsman) sẽ giám sát việc tuân theo các quy định pháp luật hành chính trong quân đội, còn Thanh tra dân sự (The Civil Ombudsman) giám sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án và các cơ quan hành chính cũng như nhân viên của họ.
Hiện nay, pháp luật Thụy Điển vẫn kế thừa nội dung quy định phạm vi đối tượng chịu sự giám sát của Thanh tra Quốc hội và được quy định rõ hơn trong Đạo luật hướng dẫn hoạt động của Thanh tra Quốc hội tại Điều 2 nhiệm vụ của Thanh tra, theo đó, Thanh tra Quốc hội có quyền giám sát: (1) Các quan chức trung ương và các thành phố, (2) Cán bộ và nhân viên khác của các cơ quan này, (3) Các cá nhân mà công việc hay nhiệm vụ của họ có liên quan đến việc thực thi quyền hành công Cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị doanh nghiệp công (public enterprises), trong quá trình hoạt động thông qua cơ quan của doanh nghiệp công, Chính phủ có ảnh hưởng quyết định. Trường hợp các sĩ quan trong lực lượng vũ trang cấp trung úy hoặc cao hơn, và các cấp bậc tương ứng.
Cùng với đó là liệt kê những chủ thể không thuộc thẩm quyền giám sát của Thanh tra Quốc hội, gồm: (1) Các thành viên của Quốc hội, (2) Ban hành chính của Quốc hội, Ban bầu cử của Quốc hội, Ban khiếu nại của Quốc hội và Ban thư ký của Quốc hội, (3) Hội đồng quản trị của Ngân hàng Trung ương Thụy Điển (Riksbank), các thành viên Ban chấp hành của Riksbank, ngoại trừ khi họ tham gia trong việc thực hiện quyền hạn của Riksbank để đưa ra các quyết định phù hợp với Đạo luật về Quy chế Tiền tệ và Tín dụng, (4) Các thành viên của Chính phủ (các bộ trưởng), (5) Thanh tra công lý và các thành viên của Hội đồng giám mục của quận và thành phố.
Tuy nhiên, theo pháp luật hiện hành, mặc dù Thanh tra Quốc hội không có thẩm quyền giám sát các bộ trưởng nhưng “Thanh tra Quốc hội có nghĩa vụ bắt đầu và khởi kiện các thủ tục tố tụng mà Ủy ban Hiến pháp đã quyết định chống lại Bộ trưởng, phù hợp với mục 12.3 Luật công cụ của Chính phủ, cũng như các thủ tục pháp lý để chống lại các quan chức trong Quốc hội hay các cơ quan của Quốc hội theo quyết định của Các ủy ban của Quốc hội theo quy định pháp luật” (Điều 10 Luật hướng dẫn hoạt động của Thanh tra Quốc hội).
Ngoài ra, Luật hướng dẫn hoạt động Thanh tra Quốc hội cũng đã có những điều khoản quy định về thẩm quyền của thanh tra đối với hoạt động của tòa án. Theo đó, Thanh tra Quốc hội phải “bảo đảm rằng các tòa án và cơ quan công quyền trong quá trình hoạt động của họ phải tuân theo các quy định của Luật công cụ của Chính phủ về tính khách quan và công bằng”. Đồng thời, Luật cũng nhấn mạnh nhiệm vụ bảo vệ quyền cơ bản và tự do của công dân không bị xâm phạm bởi hành chính công. Ở Phần Lan, Thanh tra Quốc hội Phần Lan là cơ quan hiến định độc lập, được thành lập bởi Quốc hội nhằm thực hiện chức năng giám sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền lực nhà nước, giám sát việc thực hiện các quyền, tự do cơ bản của con người. Thanh tra Quốc hội Phần Lan có nhiệm vụ giám sát tính hợp pháp trong hoạt động của các cơ quan công quyền và các công chức trong bộ máy nhà nước bao gồm: Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ, các bộ trưởng, Tòa án các cấp… Việc giám sát nhằm bảo đảm rằng các cơ quan và cán bộ công chức tuân thủ pháp luật một cách triệt để và thực hiện đúng đắn nhiệm vụ của mình. Khác với Thụy Điển, đối tượng chịu sự giám sát của Thanh tra Quốc hội Phần Lan có thể bao gồm cả Tổng thống và các Bộ trưởng, thậm chí, quyền giám sát của Thanh tra Quốc hội còn mở rộng đến những lĩnh vực hay những cá nhân khác khi họ đang thực hiện các nhiệm vụ có tính chất công (ví dụ như các nhân viên hoạt động trong nhà thờ, các quỹ trợ cấp thất nghiệp, lương hưu hay các dịch vụ phúc lợi xã hội, bảo hiểm...).