Pháp
Chính phủ Pháp bày tỏ mong muốn áp đặt thực thi nghiêm ngặt hơn các quy tắc cạnh tranh, để ngăn chặn các công ty công nghệ khổng lồ chỉ chăm chút dịch vụ của riêng mình, loại bỏ các đối thủ hoặc duy trì vị trí thống trị của họ. Tuy nhiên, Pháp muốn dựa vào khả năng điều chỉnh các quy tắc, thông qua dự luật Thị trường kỹ thuật số, để đáp ứng với những thay đổi liên tục của thị trường này.
Xứ sở chú gà trống Gaulois vốn nổi tiếng với việc công khai ủng hộ áp dụng nhiều quy định hơn đối với các công ty công nghệ lớn như Google, Amazon, Meta, Apple… và đã đưa ra chính sách thu thuế điện tử đối với các công ty công nghệ từ tháng 12.2020. Theo đó, các công ty bị đánh thuế 3% nếu có doanh thu hàng năm hơn 28 triệu USD tại Pháp và 832 triệu USD trên thế giới; có vận hành thị trường trực tuyến (như Amazon, Uber, Airbnb) hoặc vận hành quảng cáo (như Google, Facebook).
Mức thuế trên từng là nguồn cơn căng thẳng giữa Pháp với chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, người từng tuyên bố giận dữ rằng nó là “cuộc tấn công trực diện” vào sự thành công của các công ty lớn của đất nước cờ hoa.
Đức
Chính phủ Liên bang Đức hoan nghênh đề xuất về dự luật Thị trường Kỹ thuật số. Họ cho rằng khung pháp lý hiện tại của châu Âu chưa đủ mạnh và các biện pháp thực thi cũng phải được tăng cường đối với các nền tảng kỹ thuật số. Tuy nhiên, mối quan tâm chính của Đức vẫn là việc bảo vệ các công ty vừa và nhỏ, vì nước này có ý định bảo đảm các công ty đó không bị lọt vào phạm vi của các quy tắc mới.
Hà Lan
Vào tháng 10.2020, Hà Lan cùng với Pháp và Bỉ, bày tỏ thiện chí đối với việc thực thi nghiêm ngặt hơn các quy tắc cạnh tranh, để tránh lạm dụng vị thế thống trị và các hành vi chống cạnh tranh. Ngày 17.2.2021, Chính phủ Hà Lan công bố quan điểm chính thức về Dự luật Thị trường kỹ thuật số và hoan nghênh sáng kiến có liên quan, đồng thời lưu ý rằng các mục tiêu phải phù hợp với vị thế quốc gia.
Lập trường của Hà Lan bao gồm ba trụ cột: Trước hết, một cơ quan châu Âu nên được trao cho thẩm quyền áp đặt các nghĩa vụ “tương lai” đối với các nền tảng xã hội vốn được gọi là “người gác cổng”; Hai là, các hướng dẫn về cạnh tranh châu Âu cần được sửa đổi, do không phải lúc nào chúng cũng được áp dụng đầy đủ cho nền kinh tế kỹ thuật số; và thứ ba là các ngưỡng báo cáo việc sáp nhập hoặc mua lại cho Ủy ban châu Âu nên được cập nhật, để Ủy ban có thể xem xét các vụ sáp nhập và mua lại trong nền kinh tế kỹ thuật số, vốn đang có thể thoát khỏi giám sát.
Ireland
Chính phủ Ireland công bố quan điểm của mình vào ngày 8.9.2020. Theo đó, các nhà chức trách Ireland không sẵn sàng đánh giá định nghĩa “người gác cổng”, họ giải thích rằng, việc chiếm giữ một vị trí thống lĩnh không phải là bất hợp pháp. Hơn nữa, Ireland cũng nhấn mạnh, khía cạnh cụ thể này không ngụ ý làm giảm lợi ích của người tiêu dùng và không ngăn cản đổi mới hoặc lối vào mới trong thị trường kỹ thuật số.
Thực tế, nhiều công ty có khả năng là mục tiêu của dự luật Thị trường kỹ thuật số có trụ sở chính tại Ireland. Và cách tiếp cận mà Chính phủ Ireland thực hiện với các công ty công nghệ lớn thường là nguồn gốc của nhiều cuộc tranh luận trong Liên minh châu Âu. Năm 2016, Ủy ban châu Âu từng phê phán Ireland cấp cho Apple những “lợi ích thuế bất hợp pháp”. Tòa án sơ thẩm châu Âu đã đưa ra phán quyết có lợi cho Apple, nhưng Ủy ban bày tỏ ý định kháng cáo phán quyết lên Tòa án Công lý châu Âu.
Mỹ
Là quốc gia quê hương của những hãng công nghệ lớn nhất thế giới khả năng là mục tiêu chính của dự luật Thị trường kỹ thuật số như nhóm GAFAM (gồm Google, Amazon, Facebook, Apple, Microsoft), quan điểm của Washington về pháp luật của châu Âu liên quan đến lĩnh vực này rất được quan tâm. Bởi quan điểm chính thức của chính quyền Tổng thống Biden sẽ cho thấy Chính phủ Mỹ có bảo vệ sự nghiệp của các công ty công nghệ khổng lồ của mình trên thị trường kỹ thuật số châu Âu hay không.
Dự luật Thị trường kỹ thuật số của châu Âu được đưa ra trong bối cảnh EU và Mỹ dưới thời chính quyền của Tổng thống Biden muốn xây dựng lại mối quan hệ tốt đẹp hơn sau nhiều căng thẳng nổi lên trong nhiệm kỳ cựu Tổng thống Donald Trump. Ủy ban châu Âu từng nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác giữa EU và Mỹ để đối phó với vị thế thống trị của các nền tảng trực tuyến và công nghệ lớn mà họ cho là không tốt. Tháng 1.2021, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula von Der Leyen, tuyên bố rằng Tổng thống Joe Biden và EU có cùng quan điểm về quy định của các công ty công nghệ. Trong một bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich vào tháng 2.2021, bà mời Mỹ tham gia EU trong các sáng kiến nhằm tạo ra các quy tắc trong nền kinh tế kỹ thuật số “có giá trị trên toàn thế giới".
Thực tế, ngay từ lúc ông Biden chưa chính thức nhậm chức Tổng thống, các cuộc tranh luận tương tự về vị trí thống trị của một số nền tảng công nghệ kỹ thuật số đang gia tăng ở Mỹ. Một vụ kiện chống độc quyền chống lại Facebook đã được Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ và 46 bang mở ra vào tháng 12.2020 với cáo buộc Facebook đã lạm dụng vị trí thống trị và thực hiện hành vi chống cạnh tranh trong nhiều năm.
Dẫu vậy, các quan chức Washington vẫn lo ngại rằng dự luật Thị trường kỹ thuật số của EU có thể nhắm mục tiêu chính vào các công ty của Mỹ. Theo bài báo của Politico hồi tháng 1.2022, Mỹ đang thúc ép EU sửa đổi các quy tắc để ít tập trung hơn vào các công ty Mỹ và bảo đảm rằng luật pháp của khối này cũng sẽ bao gồm các công ty công nghệ từ bên ngoài Mỹ. “Chúng tôi phản đối những nỗ lực được thiết kế đặc biệt để chỉ nhắm mục tiêu đến các công ty Mỹ, trong khi các công ty có vị trí tương tự ngoài Mỹ lại không bị nhắm tới, tờ báo Politico trích dẫn tuyên bố của chính quyền Mỹ viết. Chính quyền Tổng thống Biden còn tỏ ra lo ngại về an ninh liên quan đến các nỗ lực của Brussels. “Chúng tôi nghĩ rằng điều quan trọng là các nỗ lực quản lý ở hai bên bờ Đại Tây Dương không tạo ra những hậu quả bất lợi không mong muốn, chẳng hạn như rủi ro an ninh mạng không chủ ý hoặc tác hại đối với đổi mới công nghệ”, Politico tiếp tục trích dẫn.
Sở dĩ Mỹ lo ngại là các quy định đề xuất của dự luật Thị trường Kỹ thuật số châu Âu nâng ngưỡng phạm vi điều chỉnh của luật đối với các công ty có doanh thu hàng năm lên 7,5 tỷ euro và vốn hóa thị trường là 75 tỷ euro. Như vậy, khả năng hầu như chỉ có các công ty Mỹ lọt vào danh sách, do đó Mỹ muốn EU phải thực thi luật trong tương lai theo cách không phân biệt đối xử và bảo đảm tiếp tục đưa ra mức độ phù hợp cho tất cả các công ty tương tự. Trong khi đó, EU cố gắng xoa dịu Mỹ và khẳng định rằng nỗ lực của khối không mang tính phân biệt đối xử và chỉ dựa trên bộ tiêu chí định lượng là dấu hiệu của sức mạnh thị trường.