Công cụ xây dựng hình ảnh của Nghị viện
Nghị viện là những cấu trúc mà chủ quyền nhân dân được thể hiện. Cơ quan này đứng ở trung tâm của các cuộc tranh luận chính trị, thể hiện rõ tính phản biện chính trị của một nền dân chủ. Tuy nhiên, có một nghịch lý là chính trong các cuộc thảo luận và phản biện chính trị, nghị viện thường khó có thể bảo đảm được hình ảnh của họ trong mắt công chúng. Các cuộc tranh luận đôi khi đưa đến những tác động tiêu cực không mong muốn. Chính vì vậy, bản thân Nghị viện cũng ý thức được rõ ràng rằng, truyền thông đóng một vai trò đặc biệt trong việc nâng cao hiểu biết và nhận thức của công dân về các hoạt động của cơ quan lập pháp, đồng thời là kênh thông tin hữu hiệu để các nhà lập pháp nắm bắt được những vấn đề của cuộc sống, từ đó đưa vào chương trình làm luật những vấn đề phù hợp.
Lập pháp là một trong những chức năng cơ bản nhất của Nghị viện, bao gồm các bước như soạn thảo, thẩm tra, thông qua và công bố luật. Giai đoạn nào cũng cần có dấu ấn của truyền thông. Soạn thảo là bước đầu tiên trong quy trình xây dựng luật; là giai đoạn xác định tính chất, nội dung, đối tượng và phạm vi điều chỉnh của dự luật. Việc tham gia của truyền thông ngay từ giai đoạn đầu có ý nghĩa quan trọng trong quản lý xã hội nói chung và với hoạt động lập pháp nói riêng. Truyền thông có thể tác động vào ý thức xã hội để xác lập và củng cố hệ thống tư tưởng chính trị thống nhất, qua đó, liên kết các thành viên rời rạc thành một khối đoàn kết.
Trong quá trình xây dựng luật, truyền thông cũng là cây cầu để cơ quan soạn thảo tiếp thu những ý kiến đóng góp từ công chúng, từ chính những đối tượng chịu sự điều chỉnh của dự luật. Việc đưa ý kiến của các nhà soạn thảo dự thảo đến người dân và huy động cá nhân, nhóm người cùng tham gia tìm hiểu quy trình và thảo luận, không chỉ giúp người dân hiểu biết quy trình, thủ tục xây dựng văn bản pháp luật, mà còn là cách để nhân dân thể hiện ý kiến cá nhân vào quy trình này.
Sau khi dự luật được thông qua, truyền thông cũng là phương tiện quan trọng để đưa luật vào cuộc sống, để người dân nắm bắt được tinh thần và nội dung của đạo luật. Ở giai đoạn này, vai trò định hướng dư luận của truyền thông vô cùng quan trọng, đạo luật có được hiểu đúng hay không, có được đón nhận rộng rãi hay không cũng phần lớn nhờ vào vai trò của truyền thông.
Kênh giám sát quan trọng của cử tri
Nếu cơ quan lập pháp chịu trách nhiệm giám sát Chính phủ thì cử tri có nhiệm vụ giám sát những người đại diện cho họ và báo chí chính là một trong những công cụ giám sát quan trọng của cử tri. Báo chí có thể tiếp cận rất nhiều nguồn thông tin của Nghị viện. Vì thế, báo chí là một trong những kênh phản ánh trung thực và khách quan nhất hoạt động của Nghị viện. Qua những bài phản ánh, bình luận của báo chí, người dân có thể hình dung được những hoạt động diễn ra tại nghị trường và hoạt động của nghị sĩ. Thông qua những thông tin đăng tải trên báo chí, cử tri có thể xem xét các vấn đề của chính mình được quan tâm, được xử lý thế nào. Qua đó, cử tri có thể đánh giá năng lực và nỗ lực của nghị sĩ. Vì thế, nếu biết tận dụng, báo chí có thể trở thành một công cụ quan trọng giúp Nghị viện xây dựng hình ảnh của mình.
Mở rộng cửa đón chào, mời gọi, thân thiện với báo chí, coi báo chí là người bạn - đó là phương châm hoạt động của Nghị viện và nghị sĩ nhiều nước. Mỗi kỳ họp của Nghị viện có hàng trăm nhà báo tác nghiệp đưa tin, viết bài; truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn... Bên cạnh đó, ở nhiều nước, mỗi nghị sĩ đều có phụ tá báo chí riêng với nhiệm vụ cung cấp những thông tin về hoạt động của nghị sĩ cho báo chí. Cá nhân nghị sĩ cũng có thể mở các cuộc họp báo, chủ động tìm đến các tòa soạn, các nhà báo, hoặc mời các nhà báo đến làm việc, trao đổi thông tin; tranh thủ mọi cơ hội mà báo chí tạo ra để nêu vấn đề, gây áp lực thúc đẩy giải quyết vấn đề.
Ý thức được vai trò của truyền thông cũng như tầm quan trọng của một Nghị viện mở cửa với công chúng, năm 2012, Nghị viện Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua Luật Tổ chức hành chính Nghị viện mới, với những quy định nhằm tạo điều kiện tối đa cho hoạt động truyền thông cũng như khả năng tiếp cận của công chúng với thiết chế dân chủ này.
Hiểu được sức mạnh của báo chí, các nghị sĩ Đức đã dành 60% thời gian của mình cho công tác “dân vận”: Gặp gỡ cá nhân, tiếp dân, nói chuyện tại các buổi mít tinh, phỏng vấn trên truyền hình, đài phát thanh, trả lời thư, email... Mục đích của các nhà chính trị đề ra là làm sao để lại ấn tượng với cử tri bởi vì chính người dân sẽ là người có quyền quyết định tương lai của họ bằng lá phiếu.
Thêm nữa, để xây dựng "thương hiệu" ngày càng vững chắc, các chính trị gia có xu hướng tận dụng tất cả cơ hội xuất hiện trước công chúng và giới truyền thông. Mỗi nghị sĩ Đức trung bình có 8 người bạn là phóng viên công tác tại các tờ báo. Mỗi tháng ít nhất các nghị sĩ phải trả lời phỏng vấn một lần. Phần nhiều là đề xuất, phản biện các vấn đề nóng liên quan đến việc thực hiện chính sách.