Cơ cấu tổ chức
Theo quy định của Luật Nội bộ Quốc hội Đan Mạch, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Quốc hội có trách nhiệm tổ chức hoạt động của Văn phòng Quốc hội.
Các quy định về tổ chức và hoạt động của Văn phòng Quốc hội được Chủ tịch Quốc hội ban hành sau khi tham khảo ý kiến của các Phó Chủ tịch Quốc hội. Các quy định này phân cấp thẩm quyền quyết định cho Chủ tịch Quốc hội và Tổng Thư ký Quốc hội trong những trường hợp cụ thể. Tổng Thư ký có quyền quyết định các vấn đề liên quan tới quản lý hành chính và nhân sự, vấn đề đi lại của nghị sĩ, vấn đề xây dựng và ký kết các hợp đồng. Các vấn đề có nội dung liên quan tới chính trị cần phải được trình lên Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Quốc hội quyết định hoặc cho ý kiến.
Tổng Thư ký Quốc hội có vai trò hỗ trợ Chủ tịch Quốc hội tại phiên họp toàn thể và hỗ trợ Đoàn Chủ tịch Quốc hội tại các phiên họp của Đoàn về quy trình, thủ tục tiến hành các hoạt động của Quốc hội. Tổng Thư ký cũng chịu trách nhiệm bảo đảm hoạt động của Văn phòng Quốc hội tuân thủ các quy định do Đoàn Chủ tịch ban hành.
Đoàn Chủ tịch Quốc hội gồm Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Quốc hội, mỗi tháng họp một lần. Chủ tịch Quốc hội đồng thời là Chủ tịch Đoàn Chủ tịch. Khi quy trình, thủ tục gặp vướng mắc, Ban Thư ký Quốc hội có nhiệm vụ kiến nghị với Ủy ban quy trình, thủ tục thuộc Đoàn Chủ tịch Quốc hội để sửa đổi, bổ sung.
Tổng Thư ký Quốc hội là người đứng đầu Văn phòng Quốc hội. Giúp việc trực tiếp cho Tổng Thư ký Quốc hội là 2 Phó Tổng Thư ký Quốc hội và 2 bộ phận. Trong đó, có 1 Phó Tổng Thư ký Quốc hội phụ trách Ban Thư ký Quốc hội và 1 Phó Tổng Thư ký Quốc hội phụ trách khối hành chính và dịch vụ. Hai bộ phận gồm Ban Thư ký quản lý chung và Văn phòng nhân sự. Giúp việc cho Phó Tổng Thư ký Quốc hội phụ trách Ban Thư ký Quốc hội gồm các đơn vị: Văn phòng dịch vụ lập pháp, Ban Thư ký các ủy ban, Ban Thư ký Quốc tế, Thư viện và Văn phòng biên bản. Giúp việc cho Phó Tổng thư ký Quốc hội phụ trách khối hành chính và dịch vụ gồm các đơn vị: An ninh và dịch vụ, Vệ sinh, Đội bảo vệ bộ binh, Truyền thông, Văn phòng tài chính, Văn phòng phát triển công nghệ thông tin, Văn phòng hệ thống thông tin, Ban quản lý và xây dựng tòa nhà Quốc hội.
Tổng Thư ký Quốc hội và nhân viên Văn phòng Quốc hội là những công chức, hoạt động trung lập, không tham gia một đảng phái chính trị nào. Quy tắc này nhằm bảo đảm sự công bằng giữa các đảng phái chính trị hoạt động trong Quốc hội. Không một đảng phái nào được ưu ái phục vụ hay được quan tâm đặc biệt hơn đảng phái nào. Nhờ đó, hoạt động tư vấn hoặc cung cấp dịch vụ cho các nghị sĩ của Ban Thư ký Quốc hội bảo đảm được tính độc lập tối đa.
Giá trị định hướng hoạt động
Văn phòng Quốc hội có những quy trình, thủ tục riêng và những giá trị cốt lõi mang tính định hướng cho hoạt động của các nhân viên. Đó là:
Tinh thần tự quản lý chính mình: Từng nhân viên được đào tạo chủ động đưa ra quyết định về cách thức tiến hành công việc của mình mà không buộc phải trình lên cấp trên. Chỉ những vấn đề gặp phải sự xung đột hoặc bản thân nhân viên đó không thể tự giải quyết được thì mới trình lên cấp có thẩm quyền trực tiếp quản lý. Nguyên tắc này được áp dụng xuyên suốt toàn hệ thống bộ máy Văn phòng Quốc hội Đan Mạch.
Tầm nhìn rộng: Nhân viên Văn phòng Quốc hội không chỉ làm mỗi phần việc của mình mà phải có tầm nhìn rộng ra toàn bộ bối cảnh hoạt động của Quốc hội. Nguyên tắc này nhằm bảo đảm khả năng bao quát vấn đề, quán xuyến công việc và chủ động tìm kiếm, phối hợp công việc giữa các nhân viên với nhau.
Nghị sĩ là trung tâm của mọi hoạt động phục vụ: Các nhân viên phải luôn trả lời câu hỏi: Cần phải làm công việc nào với mục đích gì để đáp ứng tối đa nhu cầu trợ giúp, tư vấn của các nghị sĩ.
Box: Quốc hội Đan Mạch
Đan Mạch là quốc gia theo chế độ dân chủ đại nghị. Quốc hội Đan Mạch là hội đồng lập pháp tối cao, được gọi là Folketing. Ngoài chức năng lập pháp, Quốc hội Đan Mạch còn thực hiện chức năng phê duyệt ngân sách nhà nước, giám sát hoạt động của Chính phủ và tham gia hợp tác quốc tế.
Quốc hội Đan Mạch gồm 179 nghị sĩ thuộc 13 đảng chính trị theo tỷ lệ đại diện. Hiện nay, Quốc hội có Đoàn Chủ tịch Quốc hội (gồm Chủ tịch Quốc hội và 4 Phó Chủ tịch); Ban kiểm soát theo Mục 71 của Đạo luật Hiến pháp (9 thành viên) và 33 Ủy ban thường trực (mỗi Ủy ban trung bình có 29 nghị sĩ). Các nghị sĩ là chính khách và với tính chất hoạt động thường xuyên của Quốc hội Đan Mạch, các nghị sĩ đều làm việc theo chế độ chuyên trách. Kỳ họp thường niên của Quốc hội bắt đầu từ ngày thứ ba tuần đầu tiên của tháng 10 và kéo dài đến tháng 6 năm sau. Mỗi năm có khoảng 100 phiên họp toàn thể diễn ra để xem xét, thảo luận, biểu quyết những vấn đề được đệ trình ra Quốc hội. Quốc hội là cơ quan duy nhất được trao quyền lực lập pháp, tuy nhiên, các đạo luật chỉ có thể có hiệu lực sau khi đã được Nhà vua chấp thuận.
Nhiệm kỳ của Quốc hội là 4 năm. Nhiệm kỳ này có thể kết thúc sớm hơn khi Thủ tướng thực hiện quyền giải tán Quốc hội và kêu gọi tuyển cử trước thời điểm kết thúc của nhiệm kỳ.
Từ năm 1933 đến nay, Quốc hội Đan Mạch đã trải qua 17 nhiệm kỳ Chủ tịch Quốc hội, trong đó, Đảng Dân chủ Xã hội có số Chủ tịch Quốc hội nhiều nhất, 10 nhiệm kỳ.