Tác động khi tăng thuế
Một nghiên cứu ở Mỹ năm 2007 cho thấy, cứ 10 cent tăng thêm trong mức thuế tiêu thụ đặc biệt trên mỗi ounce rượu nguyên chất, thì lượng tiêu thụ rượu, bia bình quân giảm 12%, tai nạn có nguyên nhân từ rượu, bia giảm 7%, tử vong do xơ gan giảm 32%.
Ở Australia, ước tính việc áp dụng thuế về thể tích làm tăng nguồn thu 492 triệu đô la Úc, giảm 2,8% lượng rượu nguyên chất tiêu thụ hàng năm, giảm được 21.000 đơn vị gánh nặng bệnh tật, với chi phí khoảng 110 triệu đô la Úc mỗi năm (nghiên cứu năm 2010).
Điều cần lưu ý là các mức thuế suất khác nhau đối với các loại đồ uống có cồn sẽ có những ảnh hưởng khác nhau. Ví dụ, tỷ lệ tử vong liên quan đến rượu vodka ở Nga cao, do giá của một chai rượu vodka chỉ tương đương khoảng 3 - 4 chai bia, và giá rượu vang thì đắt hơn giá vodka rất nhiều. Ngược lại, Nhật Bản là trường hợp đặc biệt với mức thuế áp cho bia là cao nhất trong số các loại đồ uống có cồn. Ở Nhật Bản, tỷ suất thuế trên giá bán lẻ trung bình là 47% đối với bia, 18% cho rượu sake, 35% cho rượu shochu, 23% đối với các dòng whisky và brandy. Đây có thể là một nguyên nhân quan trọng làm tăng số người lựa chọn uống rượu mạnh, trong khi việc lạm dụng rượu mạnh lại được cho là có tương quan với tỷ lệ tự tử vong cao ở nam giới tại quốc gia này.
Tác động khi giảm thuế
Ở Thụy Sĩ, chính sách giảm 30 - 50% thuế cho sản phẩm rượu mạnh nhập khẩu vào năm 1999 đã dẫn đến việc tổng lượng tiêu thụ rượu mạnh tăng thêm 28,6%. Đánh giá tác động của chính sách giảm thuế này, nghiên cứu năm 2008 cho thấy, trong ngắn hạn, những người từng uống nhiều rượu đã gia tăng lượng tiêu thụ rượu mạnh, và mức tăng nhiều hơn so với những người uống ít rượu từ trước đó. Trong khi đó, về dài hạn, sự can thiệp chính sách này lại chủ yếu tác động đến những người mà trước đó chỉ uống ít và vừa; hệ quả của chính sách là nhóm này đã gia tăng mức tiêu thụ và làm tăng tổng lượng tiêu thụ rượu mạnh.
Trường hợp này cũng tương tự đối với Thụy Điển. Theo một nghiên cứu năm 2006, việc giảm 40% thuế đối với rượu mạnh và 15% đối với rượu vang ở Thụy Điển dẫn đến kết quả làm tăng tổng lượng tiêu thụ rượu, con số ước tính bình quân đầu người tăng khoảng 0,35lít rượu/người. Hệ quả là, quốc gia này đã ghi nhận sự tăng thêm khoảng 289 trường hợp tử vong, 1.627 trường hợp tấn công bạo lực, và 1,6 triệu trường hợp đau ốm phải nghỉ việc do uống rượu.
Trong khi đó, Nigeria, một trong 30 nước có mức độ tiêu thụ rượu, bia trên đầu người cao nhất trên thế giới, lại là một ví dụ tiêu cực của chính sách “không chính sách” trong phòng chống tác hại rượu, bia. Một trong những lý do là ảnh hưởng của tệ nạn tham nhũng, nhất là có sự tham gia của các nhà sản xuất rượu, bia đã góp phần ngăn cản việc ban hành những chính sách thuế và giá nhằm kiểm soát tiêu thụ bia rượu. Như vậy, việc kéo dài tình trạng không có chính sách rõ ràng; hoặc ban hành các chính sách làm giảm thuế, giảm giá bán; hay ngăn cản việc tăng thuế và tăng giá đều có thể gây ra những tác động tiêu cực do tăng nguy cơ lạm dụng rượu, bia.
Trường hợp của Phần Lan là một ví dụ điển hình khác, minh chứng cho những tác động tiêu cực, hay tích cực từ các chính sách ngược chiều liên quan đến thuế và giá rượu, bia. Vào tháng 3.2004, Phần Lan đã cắt giảm 1/3 thuế đối với đồ uống có cồn trong một nỗ lực để làm giảm mức độ mua bán qua biên giới, được thực hiện bởi người Phần Lan ở các nước EU khác, đặc biệt là nước láng giềng Estonia, nơi mà giá của đồ uống có cồn là rẻ hơn nhiều. Cùng với việc gỡ bỏ hạn ngạch rượu cho khách du lịch, lượng tiêu thụ rượu ở Phần Lan đã tăng 10% trong năm 2004, gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực như lái xe trong tình trạng say rượu, bị bắt giữ liên quan đến rượu, tăng tử vong và bệnh xơ gan. Nhóm chịu tác động nghiêm trọng bởi chính sách giảm thuế này bao gồm nhiều người trong độ tuổi thanh niên; độc thân; thất nghiệp; và nghỉ hưu sớm. Lượng tiêu thụ đồ uống có cồn gia tăng 10%, tỷ lệ tử vong do xơ gan đã tăng 30% chỉ trong một năm (2008).
Nhằm khắc phục những tác hại là hệ quả của chính sách giảm thuế đối với đồ uống có cồn, các nhà hoạch định chính sách ở Phần Lan sau đó đã đảo ngược các biện pháp. Năm 2008, thuế đối với sản phẩm rượu mạnh đã tăng thêm 15%, và tăng thêm 10% đối với các đồ uống có cồn khác. Năm 2009, tổng lượng tiêu thụ đồ uống có cồn giảm được 2%, số ca nhập viện do rượu, bia giảm được 5%, và giảm số trường hợp tử vong do rượu, bia. Chính sách tăng thuế tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2009, có thêm hai lần tăng mức thuế tiêu thụ đặc biệt trên tất cả các loại đồ uống có cồn, lần đầu tiên vào ngày 1.1.2009, và sau đó là vào ngày 1.10.2009 (National Institute for Health & Welfare 2010).
Từ những nghiên cứu trên đây, có thể khẳng định về nhiều hệ quả tiêu cực của chính sách giảm thuế và giảm giá đối với rượu, bia, so sánh với những tác động tích cực hơn đến từ chính sách tăng thuế và giá đối với rượu, bia.