Năng lượng tái tạo là năng lượng hữu ích được thu thập từ các nguồn tài nguyên có thể tái tạo và bổ sung một cách tự nhiên theo chu kỳ thời gian của con người, bao gồm các nguồn không phát thải khí carbon gây hiệu ứng nhà kính như ánh sáng mặt trời, gió, mưa, thủy triều, sóng và địa nhiệt. Thuật ngữ này cũng bao gồm sinh khối, dạng vật liệu sinh học từ sự sống, hay gần đây là sinh vật sống, đa số là các cây trồng hay vật liệu có nguồn gốc từ thực vật. Sinh khối có thể chuyển thành năng lượng theo ba cách: Chuyển đổi nhiệt, chuyển đổi hóa học, và chuyển đổi sinh hóa. Loại nguồn năng lượng này trái ngược với nhiên liệu hóa thạch, đang được khai thác và sử dụng với tốc độ nhanh hơn rất nhiều so với khả năng tái tạo của chúng.
Công trình xanh (còn được gọi là xây dựng xanh hoặc xây dựng bền vững) đề cập việc áp dụng các quy trình có trách nhiệm với môi trường và tiết kiệm tài nguyên trong suốt vòng đời của tòa nhà: Từ lập kế hoạch đến thiết kế, xây dựng, vận hành, bảo trì, cải tạo, và phá dỡ. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ của nhà thầu, kiến trúc sư, kỹ sư và khách hàng ở tất cả các giai đoạn của dự án. Thực hành “công trình xanh” mở rộng và bổ sung cho các mối quan tâm thiết kế tòa nhà cổ điển về tính kinh tế, tiện ích, độ bền và sự thoải mái. Khi làm như vậy, ba khía cạnh của sự bền vững, tức là hành tinh, con người và lợi nhuận trên toàn bộ chuỗi cung ứng đều được xem xét.
Giao thông bền vững đề cập đến một khía cạnh khá rộng, đó là tính bền vững của ý thức xã hội, tác động môi trường và khí hậu. Các yếu tố để đánh giá tính bền vững bao gồm các phương tiện cụ thể được sử dụng cho vận tải đường bộ, đường thủy hoặc đường hàng không; nguồn năng lượng; cơ sở hạ tầng được sử dụng để đáp ứng giao thông vận tải (đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy, kênh đào và nhà ga). Tính bền vững của giao thông vận tải phần lớn được đo lường bằng hiệu lực và hiệu quả của hệ thống giao thông cũng như những tác động của nó đối với môi trường và khí hậu.
Quản lý tài nguyên nước là hoạt động lập kế hoạch, phát triển, phân phối và quản lý sử dụng tối ưu tài nguyên nước. Đây là một khía cạnh của quản lý chu trình nước. Lĩnh vực quản lý tài nguyên nước sẽ phải tiếp tục thích ứng với các vấn đề hiện tại và tương lai về việc phân bổ nước. Với những bất ổn ngày càng tăng của biến đổi khí hậu toàn cầu, quá trình ra quyết định sẽ càng khó khăn hơn. Rất có thể quá trình biến đổi khí hậu đang diễn ra sẽ đưa đến những tình huống chưa gặp phải. Do đó, các chính phủ cần có các phương án quản lý thay thế để tránh thất bại trong việc phân bổ tài nguyên nước.
Lý tưởng nhất trong quản lý tài nguyên nước phải xem xét được tất cả các nhu cầu cạnh tranh về nước và tìm cách phân bổ nước trên cơ sở công bằng để đáp ứng mọi nhu cầu và mục đích sử dụng. Tuy nhiên, giống như quá trình quản lý tài nguyên khác, điều này hiếm khi có thể thực hiện được trong thực tế.
Quản lý chất thải (hoặc xử lý chất thải) bao gồm các hoạt động cần thiết để quản lý chất thải từ khâu đầu cho đến khâu xử lý cuối cùng, bao gồm việc thu gom, vận chuyển, xử lý và tiêu hủy chất thải trên cơ sở kiểm tra, giám sát và điều chỉnh, nhằm giảm tác động tiêu cực của chất thải đối với sức khỏe con người, môi trường hoặc tính thẩm mỹ. Hoạt động quản lý chất thải không đồng nhất giữa các quốc gia (phát triển và đang phát triển); giữa các vùng (khu vực thành thị và nông thôn ), giữa các khu dân cư và khu công nghiệp.
Quản lý chất thải hiệu quả là nhân tố quan trọng để xây dựng các thành phố bền vững và đáng sống, nhưng trên thực tế đây vẫn là một thách thức đối với nhiều quốc gia và thành phố đang phát triển. Để quản lý chất thải hiệu quả khá tốn kém, thường chiếm 20% - 50% ngân sách. Vận hành dịch vụ đô thị thiết yếu này đòi hỏi các hệ thống tích hợp hiệu quả, bền vững và được xã hội hỗ trợ.
Quản lý đất là quá trình quản lý việc sử dụng và phát triển (ở cả đô thị và nông thôn) tài nguyên đất. Tài nguyên đất được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, có thể bao gồm nông nghiệp hữu cơ, tái trồng rừng, quản lý tài nguyên nước và các dự án du lịch sinh thái. Quản lý đất đai có thể có tác động tích cực hoặc tiêu cực đến các hệ sinh thái trên cạn. Đất bị sử dụng quá mức hoặc sai mục đích có thể làm suy thoái, giảm năng suất và phá vỡ các trạng thái cân bằng tự nhiên.