Hội nghị Nữ nghị sĩ AIPA thường do một nữ nghị sĩ nước chủ nhà làm chủ tọa với thành phần tham dự là các nữ nghị sĩ đến từ các nước.
Nhằm bảo đảm sự tham gia của nữ nghị sĩ trên diễn đàn AIPA, Điều 9 (mục 1) Quy chế AIPA quy định: Mỗi đoàn nghị viện thành viên AIPA khi đi dự Đại hội đồng AIPA gồm không quá 15 đại biểu do Chủ tịch hoặc người đại diện của Chủ tịch dẫn đầu, trong đó phải có ít nhất 3 thành viên là nữ nghị sĩ.
Kể từ khi thành lập, WAIPA hoạt động với 7 mục tiêu chính. Đó là tăng cường sự tham gia và đại diện của phụ nữ trong AIPA - tăng số lượng đại biểu phụ nữ tham gia các sự kiện của AIPA; tăng cường đại diện của phụ nữ trong nghị viện ở các nước ASEAN; bảo đảm rằng các vấn đề phụ nữ quan tâm cụ thể sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của Đại hội đồng AIPA; đề xuất các chủ đề cho các Ủy ban Nghiên cứu AIPA và tổ chức các hội nghị cho các mục đích đó; tổ chức Hội nghị các nữ nghị sĩ AIPA hàng năm vào thời điểm diễn ra Đại hội đồng AIPA; tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối giữa các nữ nghị sĩ ASEAN; thiết lập mạng lưới với các hiệp hội phụ nữ khác và các cuộc họp của phụ nữ trong các tổ chức quốc tế như Hiệp hội Nghị viện Khối thịnh vượng chung và Liên minh Nghị viện thế giới.
WAIPA đã chuẩn bị và thảo luận các nghiên cứu chuyên đề về vai trò cụ thể của các nữ nghị sĩ về các chủ đề như Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, môi trường, tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào chính trị hay lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật…Thực tế, trong quá trình hoạt động của mình, WAIPA đã ra được nhiều nghị quyết thiết thực, góp phần giúp đỡ giải quyết nhiều vấn đề mà phụ nữ phải đối mặt trong nhiều lĩnh vực cuộc sống. Nội dung của các nghị quyết này đều nêu bật các công cụ pháp lý quốc tế và khu vực, liên quan đến nhiều vấn đề đáng quan tâm như xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; xóa đói giảm nghèo cho phụ nữ và giúp họ phát triển kinh tế; trao quyền cho phụ nữ và thúc đẩy sự tham gia chủ động của họ trong xã hội; tăng cường hợp tác giữa phụ nữ trong chính trị và các hoạt động xã hội; đề cao vai trò của phụ nữ trong việc xây dựng một cộng đồng ASEAN; củng cố phúc lợi xã hội và phát triển cho phụ nữ và trẻ em; đánh giá vai trò của phụ nữ trong phục hồi kinh tế sau khủng hoảng tài chính; vai trò của phụ nữ trong quá trình làm luật; tăng đại diện của phụ nữ trong chính trị; tăng cơ hội kinh tế cho phụ nữ với tư cách là người kiếm thu nhập cho gia đình; cải thiện vai trò của phụ nữ trong việc đối phó với các vấn đề môi trường; đề cao vai trò của nữ nghị sĩ trong việc thúc đẩy các chính sách có lợi cho phụ nữ trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, y tế, giáo dục; tăng cường xây dựng năng lực bằng cách đào tạo các kỹ năng cụ thể và liên quan cho phụ nữ ở nông thôn; nâng cao sức khỏe bà mẹ và trẻ em trong ASEAN; thúc đẩy bình đẳng giới…
Gần đây nhất, trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPA 41 ở Việt Nam năm 2020, Hội nghị Nữ nghị sĩ AIPA (WAIPA) đã thông qua nghị quyết “Tăng cường vai trò của nữ nghị sĩ trong việc bảo đảm việc làm và thu nhập cho lao động nữ”. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, các nghị viện thành viên AIPA có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết, thể hiện qua việc ban hành các đạo luật và quy định nhằm giúp khắc phục hậu quả Covid-19. Trong đó, các nữ nghị sĩ AIPA cũng có vai trò đặc biệt tích cực, thể hiện qua việc cung cấp ý tưởng để bảo đảm về bình đẳng giới trong thu nhập và việc làm cho phụ nữ tại các quốc gia thành viên khu vực, từ đó nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội của các nước thành viên ASEAN.