Những con số biết nói
Theo thống kê của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), sự xuất hiện của các nữ Chủ tịch Nghị viện đã được lịch sử ghi nhận lần đầu tiên tại Áo năm 1927. Đây là Nghị viện duy nhất bầu một thành viên nữ làm lãnh đạo trước khi Thế chiến II kết thúc năm 1945.
Từ năm 1945 - 1997, 42 trên tổng số 186 cơ quan lập pháp đã chọn nữ nghị sĩ làm Chủ tịch Nghị viện hoặc riêng Hạ viện. Cũng trong thời gian đó đã có 78 lần Nghị viện thế giới chứng kiến sự lên ngôi của nữ giới trên chiếc ghế “nóng” này. Điều đó có nghĩa là, một nước có thể chọn hơn 1 nữ lãnh đạo. Những “bông hồng thép” đến từ 18 quốc gia châu Âu, 19 nước thuộc châu Mỹ, 3 nước châu Phi, 1 người từ châu Á và 1 từ quốc gia ở Thái Bình Dương. Chức danh nữ Chủ tịch Thượng viện được ghi nhận có số lần xuất hiện ít hơn nữ lãnh đạo Hạ viện.
Tính đến ngày 1.9.2016, số nữ Chủ tịch là 52 người trên tổng số 193 Nghị viện (77 nước có hệ thống lập pháp lưỡng viện, 116 là đơn viện).
Trong vòng 6 năm trở lại đây, Nghị viện các nước đã chứng kiến sự xuất hiện thường xuyên và liên tục của nhiều đại diện nữ trong vị trí Chủ tịch gồm: Mozambique và Cộng hòa Tanzania (2010); CHDCND Lào, Uganda, Bồ Đào Nha và Nga (2011); Barbados (2012); Singapore, Bangladesh, Equatorial Guinea và Madagascar (2013); Fiji và Mauritius (2014); Nepal, Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất và Namibia (2015); Việt Nam và Syria (2016).
Chủ tịch Hạ viện Hà Lan Khadija Arib năm 2016 |
Mềm dẻo xen cứng rắn
Chuyện nữ giới tham gia chính trường gặp khó khăn, rào cản không còn là câu chuyện mới mẻ. Thống kê cho thấy phụ nữ tham gia Nghị viện phải đối mặt vô số thách thức như thiếu nguồn lực tài chính, phải chịu cảnh phân biệt đối xử theo tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”. Thực tế, những định kiến “chính trị là công việc truyền thống của đàn ông” là một bất lợi lớn đối với những phụ nữ có hoài bão giành ghế nghị trường, bởi họ mất sự ủng hộ từ các cử tri lớn tuổi.
Ngoài những thách thức trên, cương vị lãnh đạo còn khiến các nữ Chủ tịch Nghị viện phải chịu thêm nhiều áp lực khác. Bởi họ vừa phải mềm mỏng trong giải quyết bất đồng giữa các đảng phái, lại vừa phải cứng rắn trong những quyết định chính trị mà vẫn giữ được hình ảnh của phái nữ bên cạnh biểu tượng quyền lực.
Theo nhiều nhà phân tích, điểm yếu của nữ giới khi tham chính là sự thiếu tự tin khi là “phái yếu”. Vì vậy, một số nữ nghị sĩ còn rụt rè trong việc đưa ra quan điểm của mình vì lo ngại bị phản bác. Tuy nhiên, trường hợp nữ lãnh đạo Nghị viện thiếu tự tin rất hiếm khi xảy ra, bởi ai tại vị ở “chiếc ghế nóng” đều ít nhiều được mệnh danh là “bà đầm thép”. Họ mang những tố chất mạnh mẽ, quyết đoán, tràn đầy nhiệt huyết và tự tin. Thực tế, những nữ lãnh đạo vừa cứng rắn, vừa mềm dẻo trong thu phục lòng người thường dễ đạt được nhiều “di sản” hơn hẳn phái nam. Sự hiện diện của họ đã giúp làm thay đổi tích cực nghị trường trên toàn thế giới. Những vấn đề liên quan đến phụ nữ đã được chú ý nhiều hơn và dần đóng vai trò quan trọng trong các chương trình nghị sự.