Tính đại diện còn thấp
Bất chấp thực tế là phụ nữ chiếm tới hơn nửa dân số toàn cầu và nhận thức ngày càng tăng về vai trò quan trọng của phái yếu trong các vị trí lãnh đạo ở cả khu vực công và tư, họ tiếp tục không có nhiều đại diện ở cả hai khu vực trên ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu. Cụ thể, Nghị viện nơi có đại diện ở mọi lĩnh vực của xã hội, nhưng phần lớn các cơ quan lập pháp lại nằm dưới sự thống trị của nam giới. Trong vòng hơn 20 năm qua, tỷ lệ phụ nữ trong các Nghị viện gần như tăng gấp đôi, tuy nhiên cũng chỉ chiếm khoảng 24,3% số nghị sĩ tại các Nghị viện trên toàn thế giới tính đến tháng 1.2019, tăng khoảng 11,3% của mức năm 1995.
Đối với các Nghị viện trong ASEAN, việc tham gia của phụ nữ chỉ đạt trung bình khoảng 20%, thấp hơn so với trung bình của thế giới. Việc thiếu hụt phụ nữ đại diện trong nhánh lập pháp xảy ra ở khắp các quốc gia thành viên của ASEAN, ngoại trừ Philippines, Việt Nam và Lào, nơi tỷ lệ đại diện của phụ nữ trong Nghị viện là hơn 27% ở mỗi nước. ASEAN được xếp vào nhóm không có đủ phụ nữ đại diện trong Nghị viện khi so sánh với các nước châu Mỹ, châu Âu, cận Sahara châu Phi, mặc dù tỷ lệ này vẫn cao hơn so với các quốc gia Ảrập và Thái Bình dương.
Theo cuốn Ngoại giao Nghị viện trong bối cảnh ASEAN của Viện Nghiên cứu Nghị viện Cambodia phát hành năm 2019, trong số 10 quốc gia của ASEAN, Philippines cho thấy nhiều tiến bộ hơn trong việc đưa phụ nữ tham gia chính trị với 29,5%, cao nhất so với bất kỳ quốc gia thành viên nào. Thái Lan, Brunei Darussalam, Myanmar và Malaysia có tỷ lệ phần trăm thấp nhất với lần lượt là 4%, 9%, 10% và 13%. Bên cạnh đó, mặc dù tỷ lệ đại diện của nữ thấp và thấp nhất trong Nghị viện nhưng Singapore, Brunei Darussalam và Malaysia vẫn là các quốc gia giành được thứ hạng rất cao trong Chỉ số bất bình đẳng giới (GII) và Chỉ số phát triển con người (HDI). Điều đó có được là nhờ các nước này đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giới trong 3 khía cạnh thiết yếu của phát triển con người là sức khỏe sinh sản, nâng cao vị thế và tình trạng kinh tế của cả phụ nữ lẫn nam giới.
Đường dài phía trước
Bất chấp hầu hết các nước thành viên ASEAN đều đạt được tiến bộ trong việc đưa phụ nữ tham gia vào chính trường nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Việc phụ nữ thiếu đại diện tại Nghị viện cho thấy họ còn phải tiếp tục đi một hành trình dài phía trước để đạt được bình đẳng trong chính trị. Sự gia tăng số lượng phụ nữ trong Nghị viện giúp cải thiện kết quả chính sách và thúc đẩy việc đưa các nhóm thiểu số vào lĩnh vực công, vốn có xu hướng hạn chế tham nhũng. Hơn nữa, theo một nghiên cứu trước đây về quyền đại diện của phụ nữ tại Nghị viện, thì “phụ nữ ở những vị trí lãnh đạo chính trị sẽ giúp khuyến khích sự hội nhập của phụ nữ vào thị trường lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển”.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, không một xã hội nào có thể phát triển hết tiềm năng về kinh tế, chính trị hoặc xã hội khi một nửa dân số bị gạt ra ngoài lề xã hội, vì vậy không thể để ai bị bỏ lại phía sau. Sự tham gia của phụ nữ vào Nghị viện là rất quan trọng để bảo đảm chuyển các cam kết quốc tế và khuôn khổ hành động thành các công cụ dễ tiếp cận và đáng tin cậy nhằm huy động xã hội dân sự cũng như thiết kế chính sách. Phụ nữ thường có xu hướng tập trung nhiều hơn vào các vấn đề xã hội, hạnh phúc, phúc lợi trong cộng đồng của họ, và đưa những yếu tố đó vào quá trình ra quyết định. Họ thúc đẩy các chính sách và hoạt động mà có thể củng cố cộng đồng, đồng thời khuyến khích sự tham gia của các bên liên quan cũng như nhấn mạnh đến tầm quan trọng lẫn việc thực hành giao tiếp tốt đối với cộng đồng. Những phụ nữ tham gia Nghị viện đều tận tâm, có trách nhiệm, khuyến khích phụ nữ khác tham gia vào sự phát triển.
Do đó, sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị là điều rất cần thiết để thúc đẩy quá trình ra quyết định mang tính đại diện, bao trùm và hiệu quả. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy, vai trò lãnh đạo của phụ nữ cải thiện các quá trình ra quyết định chính trị. Phụ nữ làm chính trị sẽ quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề bình đẳng giới như xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới, nghỉ phép chăm con của các bậc phụ huynh, lương hưu, các luật liên quan đến bình đẳng giới hay cải cách bầu cử có lợi cho phái yếu…