Người đại diện cho lợi ích quốc gia ở châu Âu
MEP là viết tắt của thành viên Nghị viện châu Âu (Member of European Parliament), đại diện được bầu của EP và đại diện cho lợi ích của quốc gia ở châu Âu.
Khi EP họp lần đầu tiên vào năm 1952, các thành viên được Chính phủ của các quốc gia thành viên trực tiếp bổ nhiệm trong số những nghị sĩ quốc gia. Tuy nhiên, kể từ năm 1979, MEP đã được bầu chọn theo phương thức phổ thông đầu phiếu trực tiếp. Các tổ chức châu Âu tiền thân của EU không có MEP. Mỗi quốc gia thành viên thiết lập phương pháp bầu chọn MEP của riêng mình - và ở một số nước, điều này đã thay đổi theo thời gian - nhưng hệ thống bầu cử được chọn phải là hình thức đại diện tỷ lệ. Các cuộc bầu cử được tổ chức 5 năm một lần.
Vai trò của MEP không khác biệt nhiều so với vai trò của một nghị sĩ quốc gia, ngoại trừ thay vì các vấn đề quốc gia, họ sẽ “chăm sóc” các vấn đề châu Âu. Trước sự kiện Brexit, EP bao gồm 751 thành viên do 28 quốc gia thành viên EU bầu ra. Nhưng sau khi Anh ra đi, EP hiện có 705 thành viên, MEP chịu trách nhiệm về nhiều việc khác nhau, bao gồm đại diện cho các cử tri của họ, biểu quyết về luật và ngồi trong các ủy ban chuyên biệt. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, MEP được hưởng quyền miễn trừ tương tự như các nghị sĩ quốc gia theo nghị định thư về quyền ưu đãi và miễn trừ của EU. Ở một số quốc gia, MEP không bị giam giữ và miễn khỏi các thủ tục pháp lý, trừ trường hợp bị bắt quả tang. Quyền miễn trừ này có thể bị từ bỏ nếu các cơ quan có thẩm quyền của quốc gia thành viên có đơn gửi lên EP yêu cầu xem xét.
Khối lượng công việc hàng ngày của MEP được phân chia giữa công việc cho các cử tri ở quốc gia quê hương, công việc của ủy ban, các cuộc tranh luận trong các nhóm chính trị của họ, cũng như các cuộc đàm phán và bỏ phiếu trong phiên toàn thể. MEP tham dự các cuộc họp của các ủy ban và các nhóm chính trị của họ cũng như nhiều người khác. Họ cũng có thể là một phần của phái đoàn quan hệ với các quốc gia không thuộc EU mà có thể thỉnh thoảng phải đi công tác ra ngoài EU.
Đại diện cho các cử tri châu Âu
MEP có trách nhiệm đại diện cho các cử tri của họ ở châu Âu. Do đó, điều này sẽ liên quan đến sự kết hợp làm việc tại khu vực bầu cử của họ và tại Brussels lẫn Strasbourg, nơi có trụ sở của EP. Cử tri có thể đến MEP của mình để yêu cầu trợ giúp về các vấn đề bị ảnh hưởng bởi châu Âu. Các MEP sau đó sẽ đưa vấn đề này lên EP để xem liệu có thể tìm ra giải pháp hay không.
Bỏ phiếu về luật pháp châu Âu
Một trong những nhiệm vụ chính của MEP là bỏ phiếu về luật pháp châu Âu được tranh luận tại EP. Luật pháp châu Âu có giá trị ràng buộc trên toàn EU, có thể bao gồm những nội dung như bảo vệ người tiêu dùng, tiêu chuẩn môi trường, tiêu chuẩn an toàn và quyền xã hội. EU không đưa ra luật trong các lĩnh vực mà quốc gia quan tâm như nhà ở, trường học, thuế và chính quyền địa phương. Giống như một nghị sĩ tranh luận và bỏ phiếu về các vấn đề quốc gia tại Hạ viện, một MEP tranh luận và bỏ phiếu về các vấn đề châu Âu tại EP.
Tham gia trong các ủy ban
EP và các MEP cần đưa ra quyết định về nhiều chủ đề phức tạp có ảnh hưởng đến toàn thế giới, bao gồm biến đổi khí hậu, thương mại quốc tế, chính sách việc làm và nhiều chủ đề khác. Các MEP chịu trách nhiệm ngồi họp và tham gia vào các ủy ban chuyên môn chuẩn bị các chủ đề mà MEP sẽ thảo luận tại các phiên họp toàn thể của Nghị viện. Có 20 Ủy ban thuộc EP, họp một hoặc hai lần mỗi tháng tại Brussels, nơi các cuộc tranh luận diễn ra công khai. Thực tế, các ủy ban này là nơi đầu tiên giải quyết các đề xuất lập pháp được đệ trình lên. Một ủy ban có 25 - 76 thành viên đầy đủ và một số lượng tương đương những người thay thế. Mỗi ủy ban bầu 1 chủ tịch và tối đa 4 phó Chủ tịch từ các thành viên đầy đủ, tạo thành “văn phòng ủy ban”, nhiệm kỳ hai năm rưỡi.
EP cũng có thể thành lập các tiểu ban và các ủy ban tạm thời đặc biệt để giải quyết các vấn đề cụ thể và có thể thành lập các ủy ban điều tra để điều tra các cáo buộc vi phạm hoặc vi phạm luật của EU. Các ủy ban của EP thường họp tại Brussels. Các cuộc tranh luận của họ được tổ chức công khai và về nguyên tắc, có thể sau đó được tường thuật trên web.
MEP thuộc các nhóm chính trị tại EP
MEP được tổ chức thành bảy nhóm chính trị đa quốc tịch khác nhau, ngoại trừ 57 thành viên không trực thuộc được gọi là Non-Inscrits. Hai nhóm lớn nhất là Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) và Đảng Xã hội và Dân chủ (S&D). Hai nhóm này đã thống trị EP trong phần lớn “cuộc đời” của nó, liên tục nắm giữ từ 40 - 70% số ghế cùng nhau. Không một nhóm riêng lẻ nào từng chiếm đa số trong Nghị viện.
Ngoài việc thông qua các nhóm của họ, các thành viên cá nhân cũng được bảo đảm một số quyền hạn và quyền cá nhân trong Nghị viện: Quyền đưa ra kiến nghị nghị quyết, quyền đặt câu hỏi cho Hội đồng EU, ủy ban và các nhà lãnh đạo của Nghị viện, quyền đưa ra sửa đổi đối với bất kỳ văn bản nào trong ủy ban, quyền đưa ra giải thích về biểu quyết…