Nhu cầu tăng cường vai trò của nữ giới
Năm 1995, xét thấy nhu cầu tăng nữ giới trong các cơ quan dân cử và thu hẹp bất bình đẳng giới, hàng nghìn đại biểu từ hơn 180 quốc gia và các tổ chức phi chính phủ tham dự Hội nghị Thế giới lần thứ 4 của Liên Hợp Quốc (LHQ) về phụ nữ tại Trung Quốc đã nhất trí ký kết Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh trên 12 lĩnh vực.
Các văn bản này khẳng định quyết tâm tiến tới mục tiêu bình đẳng, phát triển và hòa bình cho tất cả phụ nữ ở mọi nơi trên Trái Đất vì lợi ích của toàn nhân loại. Nhờ đó, các chính phủ, tổ chức xã hội dân sự và người dân đã và đang thúc đẩy chuyển những cam kết đó thành thay đổi cụ thể tại từng quốc gia.
Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh còn có ý nghĩa quan trọng trong loại bỏ rào cản ngăn nữ giới tham chính. Đây cũng là nền tảng xây dựng mục tiêu cơ cấu nữ trong nghị viện các nước lên 30%. Điều này đồng nghĩa với nhu cầu tăng cường vai trò của phụ nữ trong việc đưa ra các quyết định lớn.
Cương lĩnh là kết quả những cuộc đấu tranh của phụ nữ trên toàn thế giới qua hàng thập kỷ để đạt được bình đẳng, phát triển và hòa bình. Mặc dù không phải là văn kiện bắt buộc, nhưng nó được coi là văn bản được thống nhất và là tuyên bố toàn diện nhất về những vấn đề liên quan đến phụ nữ tính đến thời điểm đó.
Nhờ vậy mà đến nay, đa số các quốc gia đều gần đạt được mục tiêu 30% nữ nghị sĩ tại cơ quan lập pháp. Theo thống kê của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) về sự chuyển dịch cơ cấu của nữ nghị sĩ trong nghị trường 20 năm trở lại đây (báo cáo tính đến năm 2015), số lượng nhà lập pháp nữ đã tăng gấp đôi, từ 11,3% năm 1995 lên 22,1% năm 2015.
Các nhà phân tích thậm chí còn dự đoán lạc quan rằng, nếu chiều hướng này được tiếp tục mạnh mẽ, mục tiêu sắp tới của các nghị viện sẽ không còn là 30% nữ nghị sĩ mà sẽ đạt ngưỡng 50%, cân bằng với nam giới.
Tổng thống Rwandan Paul Kagame và các nữ nghị sĩ năm 2010 |
Chuyển biến rõ rệt
Số liệu của IPU cho thấy, trong 20 năm trở lại đây, số lượng nữ nghị sĩ tăng mạnh nhất tại các nước châu Mỹ. Quốc gia đạt tiến bộ lớn nhất là Rwanda, với 63,8% nữ giới tham gia nghị trường trong năm 2015, tiếp đó là Bolivia với 53,1% nữ nghị sĩ.
Nếu tính tổng thể, châu Mỹ dẫn đầu xu hướng gia tăng số lượng nữ giới tham gia Nghị viện, từ 12,7% năm 1995 lên 26,4% năm 2015. Điểm đáng lưu ý là năm 1995, không quốc gia nào ở châu lục này có số nữ nghị sĩ đạt mức 30%, chỉ Argentina và Cuba gần đạt chỉ tiêu trên với tỷ lệ lần lượt là 25,3% và 22,8%. Nhưng đến năm ngoái, 9/34 nước châu Mỹ đã có số nữ nghị sĩ vượt mức 30%; 3 nước đạt hơn 40% và 1 đại diện vượt 50% là Bolivia.
Châu Âu cũng là lục địa có sự gia tăng ổn định số lượng nữ nghị sĩ. Từ năm 1995 - 2015, tỷ lệ này đã tăng từ 13,2% lên 25%. Tính đến năm 2015, đã có 17 quốc gia vượt mức 30%; 5 quốc gia đạt 40% và Andorra, thành viên châu Âu duy nhất có số nghị sĩ cân bằng ở 2 giới.
Tuy nhiên, chuyển biến rõ rệt nhất phải kể đến châu Phi - nơi con số này đã tăng từ 9,8% năm 1995 lên 22,3% năm 2015. Cách đây 20 năm, châu lục đen không có quốc gia nào đạt tỷ lệ 30%. Tuy nhiên, đến năm 2015, đã có 12 quốc gia đạt và vượt chỉ tiêu. Ngoài ra còn có 5 nước châu Phi đạt hơn 40% số nữ giới trong nghị trường và đại diện duy nhất có số nữ giới trong Nghị viện đạt hơn 60% là Rwanda (63,8%). Rwanda còn là quốc gia đầu tiên và duy nhất trên thế giới có số lượng nữ nghị sĩ nhiều hơn nam giới. Thực tế, Rwanda đạt vị trí “độc tôn” này từ năm 2008, khi số lượng nữ lập pháp được thống kê ở mức 56,3%. Các năm sau đó tỷ lệ đó giảm nhưng đến năm 2013 đã trở lại mức 63,8%.
Sự gia tăng cơ cấu nữ giới trong Nghị viện của các nước thuộc thế giới Ảrập cũng rất đáng chú ý, từ 4,3% năm 1995 lên 16,1% năm 2015. Tuy nhiên, đến năm 2015, khu vực này cũng chỉ có 2 nước vượt chỉ tiêu là Algeria (31,6%) và Tunisia (31,3%).
Ở khu vực Thái Bình Dương, cơ cấu nữ giới trong Nghị viện có sự gia tăng không đồng đều. Trung bình, số lượng nữ nghị sĩ đã tăng từ 6,3% năm 1995 lên 15,7% năm 2015, nhưng chủ yếu đóng góp vào con số đó là Australia và New Zealand. Tương tự châu Phi và thế giới Ảrập, năm 1995 không có đại diện nào của Thái Bình Dương đạt 30%. Lúc đó, tỷ lệ của Australia và New Zealand cũng tương đối thấp, lần lượt là 8,8% và 21,2%. Đến năm 2015 cũng chỉ có New Zealand vượt chỉ tiêu trên, với 31,4%. Đặc biệt, khu vực còn chứng kiến sự sụt giảm trong cơ cấu nữ nghị sĩ, từ 16,2% năm 2013 xuống 15,7% năm 2014.
Cũng theo thống kê, trong 2 thập kỷ qua, châu Á không có sự tiến bộ rõ rệt về cơ cấu nữ giới tại cơ quan lập pháp. Mặc dù số liệu cho thấy, tỷ lệ nữ nghị sĩ ở châu Á tăng từ 13,2% năm 1995 lên 18,5% năm 2015, song 5,3% tăng thêm này khó có thể bắt kịp với tiến bộ thế giới. Đến năm 2015, chỉ Timor Leste đạt tỷ lệ 38,5%.