Đấu tranh cho quyền bầu cử và ứng cử
Kể từ năm 1948, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền của Liên Hợp Quốc quy định quyền căn bản của con người không phân biệt giới tính, chủng tộc hay địa vị xã hội. Việc giành được quyền bỏ phiếu là kết quả của một quá trình đấu tranh gay gắt để chiến thắng định kiến xã hội, chủng tộc và chiến thắng áp bức ở các nước thuộc địa. Phụ nữ cũng phải trải qua những thăng trầm khi phải vượt qua những trở ngại về giới.
Các nữ nghị sĩ trong Nghị viện Ai Cập |
Ngày nay luật pháp của hầu hết các quốc gia trên thế giới đều quy định không hạn chế quyền bầu cử và ứng cử của phụ nữ. Hai quốc gia đầu tiên phụ nữ có quyền bầu cử và ứng cử là New Zealand (1893) và Australia (1902). Ở Thụy Điển, phụ nữ bắt đầu có quyền bầu cử ở địa phương từ năm 1862, nhưng đến năm 1918 (56 năm sau) quyền bầu cử cấp quốc gia mới được công nhận. Và đến năm 1921 quyền bầu cử và ứng cử đầy đủ của phụ nữ mới được thể hiện trong Hiến pháp.
Vào năm 1788, Hiến pháp Mỹ đã công nhận quyền bầu cử và ứng cử của phụ nữ, nhưng sự công nhận này trên thực tế gặp không ít trở ngại, mãi đến ngày 26.8.1920, quyền bầu cử và ứng cử của phụ nữ mới được pháp luật quy định rõ ràng.
Tại các nước Bắc Âu, ngày 20.7.1906, phụ nữ Phần Lan có quyền bầu cử và ứng cử không hạn chế. Giữa năm 1907 và 1915, phụ nữ Na Uy, Đan Mạch và Iceland cũng có quyền bầu cử và ứng cử.
Tại châu Mỹ, Canada giành quyền đầu phiếu cho phụ nữ bắt đầu vào năm 1917.
Ở các khu vực khác trên thế giới, quá trình phụ nữ tiếp cận quyền bầu cử đã được tiến hành muộn hơn. Trong tiểu vùng Sahara châu Phi quá trình giành quyền đầu phiếu cho phụ nữ thường là kết quả của cuộc đấu tranh giải phóng thuộc địa, như Senegal và Togo (1945), sau đó Liberia và Cameroon (1946), Niger và Seychelles (1948). Giữa những năm 1952 và 1989, 40 quốc gia khác của lục địa này cũng giành được độc lập. Nam Phi đánh dấu sự tiếp cận quyền bầu cử của phụ nữ da trắng ngày 21.8.1930, và hơn nửa thế kỷ sau cho phụ nữ da màu vào ngày 30.3.1984.
Tại châu Á, Mông Cổ là quốc gia đi tiên phong công nhận quyền bầu cử của phụ nữ từ ngày 1.11.1924, rồi đến Sri Lanka (1931), Thái Lan và Maldives (1932), Myanmar (1935) và Philippines (1937). Sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, hầu hết các nước châu Á khác đã công nhận quyền bầu cử và ứng cử cho phụ nữ.
Ở các nước Ảrập, phụ nữ Djibouti được đi bỏ phiếu năm 1946. Năm 1953, phụ nữ Syria có quyền bầu cử và ứng cử; Sau đó, vào năm 1956, Ai Cập ghi nhận những quyền này trong luật pháp… Đến năm 1986, phụ nữ Djibouti được quyền ứng cử. Trước đây, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) đã từ chối phụ nữ tham gia trực tiếp hoặc thông qua đại diện của họ trong bầu cử. Nhưng đến năm 2005, phụ nữ Kuwait đã được đi bỏ phiếu.
Trở thành nữ nghị sĩ - bước tiến gian truân
Theo các nhà nghiên cứu lập pháp, Nghị viện Thụy Điển ra đời từ năm 1435, nhưng đến năm 1921, tức là sau 486 năm mới có một phụ nữ được bầu làm nghị sĩ. Mặc dù ở Ba Lan có cơ quan lập pháp từ năm 1593, nhưng phải mất 326 năm sau (1919) mới có tiếng nói của đại diện phụ nữ trong Nghị viện. Iceland đã có một tổ chức đại diện từ thời trung cổ và một nghị viện theo nghĩa hiện đại từ năm 1845, nhưng đến năm 1922 mới có nữ nghị sĩ. Cuộc cách mạng ở nước Pháp nổ ra từ năm 1789 với khẩu hiệu rất tiến bộ “tự do, bình đẳng, bác ái”, nhưng phải mất 156 năm sau một phụ nữ mới trở thành nghị sĩ Quốc hội. Còn các nước như Nicaragua mất 146 năm; Bolivia và Chile (140 năm); Hoa Kỳ, Costa Rica, Honduras, Ecuador, Colombia, Mexico, Thụy Sĩ (130 năm), Tây Ban Nha (120 năm), Venezuela (118 năm), Bồ Đào Nha và Uruguay (112 năm), Hy Lạp (108 năm) mới có nữ nghị sĩ. Từ thế kỷ thứ XIII, Hungary đã có một thể chế đại diện (1845); còn Argentina, Italy, Hà Lan và Liechtenstein đã có một tổ chức đại diện từ thế kỷ trước, nhưng cũng phải mất gần 100 năm sau mới có phụ nữ trở thành nghị sĩ… Điều đó cho thấy, từ quyền bầu cử, ứng cử cho tới khi năng lực chính trị của phụ nữ chính thức được xã hội công nhận để có mặt trong cơ quan lập pháp là cả một bước tiến gian nan.
Theo dữ liệu của IPU, tính đến ngày 1.2.2016, trên thế giới có 10.349 nữ nghị sĩ, chiếm 22,6% trong tổng số 45.734 nghị sĩ. Qua khảo sát ở 191 quốc gia, cho thấy tỷ lệ nữ nghị sĩ được phân loại theo thứ tự giảm dần từ cao đến thấp: Nghị viện Rwanda đứng thứ nhất về tỷ lệ nữ nghị sĩ: 51/80 - 63,8%, Bolivia đứng thứ nhì 69/130 - 53,1%, Cuba đứng thứ ba: 299/612 - 48.9%; Việt Nam đứng thứ 67: 121/498 - 24,3%. Kuwait đứng thứ 183: 1/65 -1,5%, Oman đứng thứ 184: 1/85 - 1,2%, Nghị viện các nước Haiti, Micronesia (Federated States of), Palau, Qatar, Tonga, Vanuatu, Yemen (có 300 nghị sĩ) không có nữ nghị sĩ, đứng thứ 185. |