Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, tại Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2024, cả nước có gần 1,1 triệu thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, có 37% thí sinh đăng ký bài tổ hợp thi Khoa học tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học) và 63% thí sinh chọn bài thi Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Được biết, so với năm 2023, số thí sinh chọn bài thi Khoa học xã hội tăng 7,7% và cao nhất kể từ năm 2017 năm trở lại đây.
Khảo sát của phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân tại một số trường THPT ở nhiều tỉnh thành trên cả nước về tỷ lệ đăng ký môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cho thấy, số lượng học sinh chọn tổ hợp Khoa học xã hội (KHXH) áp đảo số lượng học sinh chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên (KHTN).
Điều này khiến nguồn tuyển sinh đầu vào các ngành KHTN có nguy cơ sụt giảm, thiếu hụt nhân tài, không đáp ứng được nhu cầu phát triển nhân lực chất lượng cao của đất nước.
Công tác hướng nghiệp chưa quan tâm đúng mực
Mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 là chương trình giáo dục trung học cơ sở (THCS) phải giúp học sinh phát triển các phẩm chất, năng lực đã được hình thành và phát triển ở cấp tiểu học; có những hiểu biết ban đầu về các ngành nghề và có ý thức hướng nghiệp để tiếp tục học lên THPT, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động. Để thực hiện tốt mục tiêu của chương trình GDPT này, công tác hướng nghiệp cho học sinh THCS là việc phải làm và cần làm tốt.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, PGS. TS Trần Xuân Nhĩ cho biết, việc tổ chức dạy học tự chọn ở cấp THPT hiện nay còn nhiều bất cập. Học sinh phải xác định môn tự chọn từ đầu cấp, đồng nghĩa các em phải sớm xác định được hướng chuyên môn sâu. Tuy vậy, công tác hướng nghiệp cho học sinh THCS lại chưa được quan tâm đúng mực.
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, việc học sinh chưa được tư vấn hướng nghiệp đầy đủ ở cấp THCS để chọn môn ở bậc THPT, rồi từ đó căn cứ vào các môn lựa chọn để xét tuyển đại học là một đòi hỏi vô lý. Nguyên nhân lớn nhất đến từ các trường học chưa làm tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh, nên các em không xác định đúng năng lực, hướng đi của bản thân, từ đó lựa chọn tổ hợp môn học không phù hợp. Nhiều em sinh ra tâm lý “ngại khó, ngại khổ”, đăng ký các môn xã hội chỉ bởi… dễ học, dễ hiểu.
Từ một góc độ khác, thầy giáo Vũ Khắc Ngọc đánh giá, văn hóa học tập tại Việt Nam vẫn mang nặng yếu tố “ứng thí”, học để đối phó với kỳ thi. Học sinh chưa xác định được cần học tập để trang bị năng lực nhận thức, tư duy và kỹ năng một cách tự nhiên.
Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc chỉ rõ, hiện tượng chọn tổ hợp môn bị chênh lệch đến từ các nguyên nhân chính. Thứ nhất, kỳ thi vào lớp 10 chỉ tập trung vào 2 môn Toán - Văn (hoặc 3 môn Toán - Văn - Anh), học sinh thường chỉ tập trung ôn các môn chính mà bỏ bê các môn học khác như Sử, Địa, môn Khoa học tự nhiên.
Thứ hai, đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay, với cách tính cũ, học sinh sẽ lựa chọn 2 tổ hợp là Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Đa số các em đều học Toán, Văn, Anh, chỉ cần thêm 1-2 tổ hợp nữa là đủ điều kiện tốt nghiệp. Đương nhiên, học sinh sẽ chọn tổ hợp xã hội bởi dễ đạt điều kiện tốt nghiệp hơn.
Một nguyên nhân nữa đến từ khâu hướng nghiệp của giáo dục Việt Nam còn hạn chế. Ở các trường THPT, đội ngũ giáo viên có hiểu biết về lĩnh vực hướng nghiệp chuyên nghiệp hầu như không có. Về phía các trường đại học, cao đẳng, chưa chú trọng đến công tác hướng nghiệp cho các cấp học thấp. Đa số các trường đại học làm công tác hướng nghiệp, giới thiệu các ngành nghề chủ yếu cho học sinh cuối cấp THPT với mục đích tuyển sinh, chứ không phải hướng nghiệp thật sự. Học sinh đang chọn môn học theo cảm tính, dễ mới chọn, chứ không nghĩ đến tương lai sau này.
Thầy Vũ Khắc Ngọc nhấn mạnh, định hướng nghề nghiệp cho học sinh THCS, nhất là các em cuối cấp rất quan trọng, không chỉ ảnh hưởng nhiều đến việc hình thành mục tiêu giáo dục mà còn là cơ sở để học sinh xác định rõ hướng đi cho bản thân, từ đó chọn tổ hợp môn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp khi bước sang cấp THPT.
“Học sinh cấp THCS phải được học toàn diện, được va chạm với các môn học khác nhau để khám phá năng lực bản thân, hiểu rõ mình phù hợp với môn học, ngành nghề nào. Nếu chỉ tập trung học Toán, Văn, Anh, không học các môn KHTN hay KHXH, thì khi vào lớp 10, các em không xác định được đúng tổ hợp để đăng ký”, thầy Ngọc nhấn mạnh.
Học sinh cần trang bị kiến thức đa chiều, tránh nguy cơ thất nghiệp
Yêu cầu của nền kinh tế - xã hội Việt Nam trong tương lai đòi hỏi lực lượng lao động ngành khoa học, kỹ thuật ngày càng cao và những ngành này yêu cầu sự hiểu biết, nghiên cứu sâu về các kiến thức của KHTN. Tuy vậy, tình trạng học sinh THPT đăng ký thi tốt nghiệp theo tổ hợp KHXH lại ngày càng tăng, đặt ra một vấn đề về thiếu hụt nguồn nhân lực trong các ngành công nghệ, kỹ thuật tiên tiến.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, Phó Trưởng Khoa Hoá học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, PGS.TS Đào Sỹ Đức cho rằng, cần nhìn nhận nghiêm túc thực trạng mất cân đối giữa học sinh chọn các môn KHTN và KHXH.
Trên thực tế, các môn tự nhiên giúp phát triển tư duy logic, khả năng phân tích thông tin, đưa ra quyết định hợp lý. Trong khi đó, các môn xã hội lại rèn luyện kỹ năng giao tiếp, quản lý mối quan hệ và cân bằng cảm xúc. Một cá nhân chỉ giỏi tự nhiên mà không hiểu biết xã hội sẽ khó tồn tại và phát triển toàn diện, và ngược lại.
"Do đó, việc trang bị những kiến thức nền tảng ở mảng khoa học tự nhiên, công nghệ, kỹ thuật giúp cho người học làm chủ, cải tạo được thế giới tự nhiên, giúp nâng cao năng suất lao động, làm ra nhiều của cải vật chất; trong khi kiến thức khoa học xã hội không thể thiếu để con người sống, hợp tác, làm việc, nâng cao hiệu quả lao động trong xã hội ngày càng văn minh và phát triển", PGS.TS Đào Sỹ Đức chỉ rõ.
Phù hợp với logic trên, Chương trình GDPT 2018 được điều chỉnh nhằm hướng tới mục tiêu giáo dục toàn diện về phẩm chất và năng lực của học sinh, trong đó có chú trọng giáo dục STEM, sử dụng kiến thức liên môn trong nhiều lĩnh vực, nhất là kiến thức về Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học để giải thích các hiện tượng và chú trọng khả năng ứng dụng kiến thức trong giải quyết các vấn đề thực tiễn. Khuyết kiến thức ở một môn nào đó sẽ dẫn đến sự thiếu hụt căn bản, ảnh hưởng đến việc lĩnh hội và vận dụng tri thức một cách chủ động.
PGS. TS Đào Sỹ Đức nhấn mạnh, ngày nay, với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, xu hướng nghề nghiệp thay đổi nhanh chóng, liên tục. Nếu học sinh, sinh viên không trang bị đủ kiến thức đa chiều, phương pháp tư duy logic và làm việc khoa học, cùng khả năng thích ứng, nguy cơ thất nghiệp có thể hiện hữu bất cứ lúc nào. Việc học tập toàn diện, nghiêm túc, chú trọng tới trang bị đồng thời kiến thức, kỹ năng (nhất là kỹ năng thích ứng) và thái độ không chỉ là yêu cầu mà còn là chiến lược học để thành công trong một thế giới năng động và nhiều thay đổi.
Mới đây, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT kiến nghị giải pháp đảm bảo tính đồng bộ giữa nội dung chương trình giáo dục phổ thông 2018, triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học từ năm 2025.
Trong văn bản, Hiệp hội nhận thấy, với phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 gồm 4 môn, trong đó, 2 môn Toán và Ngữ văn là bắt buộc và 2 môn học sinh lựa chọn trong các môn: Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Giáo dục kinh tế và pháp luật. Cách lựa chọn này tạo ra 36 tổ hợp môn.
Do đó, Hiệp hội kiến nghị, Nhà nước thành lập hoặc cho phép thành lập một số Trung tâm Khảo thí độc lập hoạt động theo cơ chế không lợi nhuận để triển khai các dịch vụ công ích trong lĩnh vực đo lường – đánh giá giáo dục và tập trung cải thiện kì thi tốt nghiệp THPT theo định hướng.
Với Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, Hiệp hội cho rằng, việc ra các loại đề thi khác nhau phù hợp với từng đối tượng học sinh (THPT, giáo dục thường xuyên...) nhằm bảo đảm công bằng, tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh đại học và giáo dục nghề nghiệp.
Cùng đó, tăng thời gian làm bài của các bài thi môn lựa chọn và có giải pháp hạn chế khả năng “đoán mò” trong dạng thức câu hỏi đúng, sai để các trường đại học thuận lợi trong phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Các thí sinh dự thi cũng cần được lựa chọn thêm các môn thi lựa chọn (kể cả khi không học môn lựa chọn trong chương trình nhà trường quy định) để đảm bảo người học phát triển hết năng lực tự học và có thêm cơ hội xét tuyển vào các trường đại học khi đảm bảo chất lượng đầu vào,....