Cụ thể, tại Văn bản số 7781 của Bộ GD-ĐT gửi các trường đại học, học viện, trường sĩ quan có đào tạo trình độ giáo dục đại học và các viện nghiên cứu có đào tạo trình độ tiến sĩ cần xây dựng đề án đề xuất đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Theo đó, về chương trình đào tạo (CTĐT): Đề nghị nêu rõ các ngành đào tạo phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Đề xuất cần nêu rõ CTĐT "tài năng" hay CTĐT "chuẩn". Thuyết minh sự phù hợp với mục tiêu, đối tượng, phạm vi của Chương trình 1017 và làm rõ phục vụ công đoạn nào trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Về kế hoạch tuyển sinh và đào tạo: Xây dựng kế hoạch quy mô tuyển sinh, quy mô đào tạo theo CTĐT; thống kê số lượng tuyển sinh đầu vào qua các năm vừa qua (trong 03 năm gần nhất) và dự kiến số lượng tuyển mới, số lượng tốt nghiệp theo từng năm tới hết năm 2030.
Đối chính sách thu hút giảng viên, chuyên gia là người nước ngoài, Bộ GD-ĐT nêu rõ ưu tiên xét tuyển cử giảng viên đi học tiến sĩ, sau tiến sĩ các ngành chuyên sâu về bán dẫn tại các CSĐT có uy tín trên thế giới theo Đề án 89 (Đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2030"). Ưu tiên sử dụng kinh phí để đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên chuyên môn về ngành công nghiệp bán dẫn.
Song song với đó, có chính sách thu hút giảng viên, chuyên gia là người nước ngoài, Việt kiều đang làm việc ở các CSĐT, cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp bán dẫn ở nước ngoài về làm việc cho CSĐT.
Các đơn vị giáo dục đại học cần chủ động trao đổi giảng viên trong ngành công nghiệp bán dẫn với các CSĐT nước ngoài; ưu tiên cử cán bộ quản lý, giảng viên đi tập huấn, bồi dưỡng, học tập và làm việc tại các CSĐT, các doanh nghiệp về bán dẫn tại các quốc gia có nền công nghiệp bán dẫn phát triển.
Bộ GD-ĐT yêu cầu, cần có chính sách ưu tiên, hỗ trợ người học về bán dẫn gồm học bổng, miễn học phí, hỗ trợ tài chính, chỗ ở, ký túc xá và các chính sách ưu đãi và các hỗ trợ khác.
Đồng thời, chủ động đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các CSĐT có thế mạnh, uy tín về bán dẫn trong nước và quốc tế. Chủ động tích cực tổ chức hoặc tham gia các hội thảo, toạ đàm, các phiên họp về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong nước và quốc tế.
Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" được phê duyệt theo Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21.9.2024 đưa ra mục tiêu chung là đến năm 2030, Việt Nam đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn có chất lượng, tập trung vào công đoạn thiết kế vi mạch bán dẫn, đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn; từng bước nắm bắt công nghệ trong công đoạn sản xuất bán dẫn; trong đó đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Đến năm 2050, Việt Nam có đội ngũ nhân lực mạnh, gia nhập vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu; đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam cả về chất lượng và số lượng.
Mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2030: Đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó, đào tạo ít nhất 42.000 kỹ sư, cử nhân; có ít nhất 7.500 học viên thạc sĩ và 500 nghiên cứu sinh; đào tạo ít nhất 15.000 nhân lực trong công đoạn thiết kế, ít nhất 35.000 nhân lực trong công đoạn sản xuất, đóng gói, kiểm thử và các công đoạn khác của ngành công nghiệp bán dẫn; đào tạo ít nhất 5.000 nhân lực có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.