Hội thảo có sự tham dự của gần 100 nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý của một số cơ quan trung ương và của 6 trường đại học nghiên cứu, đào tạo khoa học cơ bản.
Ngày 9.12, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội phối hợp cùng 5 trường đại học: Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), Trường ĐH Khoa học Tự nhiên và Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), Trường ĐH Đà Lạt tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Khoa học cơ bản với trách nhiệm quốc gia”.
Hội thảo được tổ chức thường niên, nhằm chia sẻ những kinh nghiệm, định hướng phát triển giữa các trường đại học đào tạo khối ngành khoa học cơ bản toàn quốc; chia sẻ về chính sách, kinh nghiệm trong phát triển nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, tuyển sinh, đào tạo và thực hiện cơ chế tài chính. Từ đó, đưa ra các giải pháp thúc đẩy hoạt động tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác của khối trường đào tạo khoa học cơ bản.
Hội thảo có sự tham dự của gần 100 nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý của một số cơ quan trung ương và của 6 trường đại học nghiên cứu, đào tạo khoa học cơ bản.
4 nội dung chính được tập trung thảo luận trong Hội thảo gồm vai trò của khoa học cơ bản trong việc tham gia xây dựng văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng Cộng sản Việt Nam; tham gia xây dựng đường lối, chính sách phát triển kinh tế văn hóa xã hội; tham gia tư vấn chính sách; tham gia phát triển địa phương và các cơ hội về hội nhập quốc tế.
Khoa học cơ bản nắm một trong những vai trò then chốt ở tất cả khía cạnh
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, khoa học nói chung và khoa học cơ bản nói riêng có vai trò vô cùng quan trọng trong tất cả các khía cạnh. Từ thế kỷ 19, Henri Frederic Amiel - nhà phê bình và triết gia người Thụy Sỹ đã chỉ ra “xã hội tồn tại nhờ niềm tin và phát triển nhờ khoa học”. Trong đó, khoa học cơ bản nắm một trong những vai trò then chốt.
Theo GS.TS Hoàng Anh Tuấn, khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng là nền tảng để phục vụ cho phát triển xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế sự phân biệt giữa 2 lĩnh vực này không phải lúc nào cũng có thể tách bạch được một cách cụ thể nhất, kể cả khi đưa vào xem xét những thành tố then chốt trong khoa học như động cơ nghiên cứu, sản phẩm nghiên cứu hay những giá trị nội tại. Rất khó để tách bạch nội hàm của khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng, vì không có khoa học cơ bản nghiên cứu thì không thể đưa vào ứng dụng để sản xuất.
“Nói một cách biện chứng, tôi xin dẫn lại quan điểm của Bác Hồ trong bài phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ I Hội phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam ngày 18.5.1963: Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải tiến đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”, GS.TS Hoàng Anh Tuấn cho hay.
Khi nói về khoa học cơ bản, chúng ta thường nói đến các nhóm lợi ích chủ chốt như đóng góp cho các lĩnh vực về văn hóa, phát triển xã hội, phát triển kinh tế, kích thích sự phát triển khoa học công nghệ kỹ thuật, công nghiệp, đặc biệt trong đó có lĩnh vực về khoa học giáo dục.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh, tại Việt Nam, không ít các lĩnh vực về khoa học cơ bản đã đạt được trình độ quốc tế như toán học, khoa học vật lý, hóa học, khoa học vật liệu. Ở ngành khoa học xã hội nhân văn, sử học, ngôn ngữ hay văn hóa cũng có những lĩnh vực đã hội tụ và tiệm cận đến ngưỡng hội nhập khu vực và quốc tế. Điều này thể hiện ở việc chúng ta đều tiếp cận với xu hướng và khuynh hướng chung của quốc tế; hay các ngưỡng, trình độ quốc tế thể hiện qua kết quả nghiên cứu, phương thức công bố và các tác động xã hội, tác động đến khoa học giáo dục của khoa học cơ bản.
Những điều này cho thấy vai trò của khoa học cơ bản, cùng thực tiễn phát triển và các khuynh hướng nhận thức, điều tiết, dẫn dắt khoa học cơ bản ở Việt Nam là một trong những vấn đề rất được quan tâm. Trong đó, có vai trò của các trường đại học với tư cách là “cái nôi” đào tạo, sản sinh ra nhân lực khoa học cơ bản cũng như tiếp tục bồi dưỡng, phát triển, hội nhập quốc tế và quay trở lại đưa khoa học cơ bản vào thực tiễn cuộc sống.
Theo Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, thời điểm này khi cả nước đang rất sôi động về các từ khóa như trách nhiệm quốc gia, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Hội thảo dù được tổ chức thường niên nhưng lại rất đúng thời điểm và rất trúng vấn đề. Ông bày tỏ kỳ vọng các ý kiến của chuyên gia, lãnh đạo các trường đại học tại Hội thảo sẽ giúp đưa ra các giải pháp thúc đẩy hoạt động tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác của khối trường đào tạo khoa học cơ bản thời gian tới.
Rất nhiều vấn đề mới đặt ra
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS.TS Lại Quốc Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ, trong nhận thức khoa học hiện nay, khoa học cơ bản có thể được phân biệt với khoa học ứng dụng trên 3 phương diện chủ yếu.
Cụ thể, động cơ nghiên cứu của khoa học cơ bản là mở rộng tri thức của con người; còn với khoa học ứng dụng thì thì chính là ứng dụng tri thức, biến đổi hoặc cải tiến phương pháp, hay giải quyết vấn đề thực tế. Sản phẩm nghiên cứu của khoa học cơ bản là tri thức mới mang tính lý thuyết và dữ liệu mới; còn với khoa học ứng dụng thì là những công trình nghiêng về ứng dụng những tri thức hiện hành để có những kết quả cho một mục đích cụ thể. Về giá trị nội tại - những giá trị bao hàm trong hành động thực tiễn thì đối với khoa học cơ bản là hiểu thế giới chung quanh; còn đối với khoa học ứng dụng là thay đổi thế giới (hoặc gìn giữ không cho thay đổi).
GS.TS Lại Quốc Khánh nhìn nhận, đất nước sau 40 năm đổi mới, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế đã được nâng lên một tầm cao mới. Có được những thành tựu mang ý nghĩa lịch sử đó, khoa học cơ bản nước nhà đã có phần đóng góp quan trọng và xứng đáng được khẳng định.
“Cách mạng là sáng tạo. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa càng đòi hỏi phát huy cao độ sức sáng tạo của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo, tiên phong, dẫn dắt của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó có trách nhiệm của các tổ chức nghiên cứu và đào tạo khoa học cơ bản, của giới trí thức khoa học cơ bản. Nhìn tổng thể, lý luận về đường lối đổi mới là thành quả vĩ đại của sức sáng tạo nói trên”, ông nói.
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, khoa học cơ bản với tất cả các hoạt động rất đặc thù như nghiên cứu cơ bản, đào tạo nhân lực khoa học cơ bản và tư vấn khoa học ở tầm đổi mới tư duy, hoạch định đường lối, chính sách quốc gia đã có những đóng góp quan trọng và đầy trách nhiệm.
Điều cần nhấn mạnh là không chỉ trên phương diện tính đặc thù của khoa học cơ bản, trong thời đại liên ngành, các tổ chức nghiên cứu và đào tạo khoa học cơ bản và giới trí thức khoa học cơ bản cũng đồng thời có những đóng góp đầy tính ứng dụng, trên cả ba phương diện nghiên cứu, đào tạo và tư vấn chính sách. Những đóng góp đó đầy tính trách nhiệm, tức là chủ động và tự giác, theo tinh thần dấn thân của người trí thức cách mạng. Các tổ chức khoa học cơ bản, các nhà khoa học cơ bản với tinh thần tự nhiệm rất cao đã tích cực và chủ động cống hiến sức lực và trí tuệ của mình trong tham gia giải quyết những vấn đề của quốc gia, ở tầm quốc gia.
Theo GS.TS Lại Quốc Khánh, đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình với nhiều nhiệm vụ lớn đang đặt ra như tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển nhanh và bền vững đất nước; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực chủ yếu; phát triển mạnh mẽ, toàn diện văn hóa và con người Việt Nam.
Bên cạnh đó là nhiệm vụ tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lực con người; đẩy mạnh phát triển, tăng cường ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; quản lý phát triển xã hội bền vững; bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội; quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường quốc phòng, an ninh; xây dựng quân đội nhân dân, công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đồng thời, đẩy mạnh triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện; phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể của nhân dân, dân chủ XHCN và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
“Rất nhiều vấn đề mới đang đặt ra đòi hỏi tư duy, nhận thức và giải quyết ở tầm lý thuyết, đòi hỏi có nhân lực khoa học cơ bản để thực hiện, đòi hỏi có những tư vấn chính sách cụ thể, thiết thực và xứng tầm. Hội thảo trước mắt góp phần trực tiếp giải quyết các vấn đề này, đồng thời về lâu dài, hình thành mạng lưới các tổ chức khoa học cơ bản, mạng lưới nhà khoa học cơ bản, qua đó gia tăng nguồn lực nhằm thực hiện đầy đủ hơn, chất lượng hơn, hiệu quả hơn trách nhiệm trách nhiệm quốc gia”, GS.TS Lại Quốc Khánh cho hay.
Được biết, Hội thảo “Khoa học cơ bản với trách nhiệm quốc gia” đã nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của các đơn vị, với nhiều báo cáo tham luận rất có chất lượng như “Khoa học cơ bản trong tư vấn chính sách, tham gia phát triển địa phương”, “Vai trò của khoa học cơ bản trong chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam đến năm 2030”, “Vị trí, vai trò của cơ sở giáo dục đào tạo giáo viên và khoa học cơ bản trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung”, “Khoa học cơ bản với hội nhập quốc tế”,...
Các chuyên gia đánh giá đây là những báo cáo rất giá trị, đề cập đến những vấn đề rất thiết thực, không chỉ khẳng định trách nhiệm quốc gia của các tổ chức nghiên cứu và đào tạo khoa học cơ bản, mà còn gợi mở rất nhiều định hướng cho tương lai.