Sau 15 năm kể từ khi thiết lập mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc (2008), quan hệ giữa 2 nước phát triển lên một tầm cao mới, tất cả các lĩnh vực hợp tác đều thu được nhiều thành tựu quan trọng, trong đó, hợp tác giáo dục và đào tạo là lĩnh vực hợp tác rất thực chất, ngày càng có chiều sâu và kết quả nổi bật trên cơ sở định hướng chiến lược của lãnh đạo 2 nước đối với lĩnh vực này.
Ở Việt Nam, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TƯ, giáo dục và đào tạo Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần to lớn trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Theo kết quả xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 của Tạp chí USNEWS (Hoa Kỳ), Việt Nam xếp thứ 59 (tăng 5 bậc so với năm 2020).
Thực hiện chiến lược khoa giáo chấn hưng đất nước, chiến lược đào tạo nhân tài, chiến lược phát triển đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển giáo dục, Trung Quốc đã xây dựng được hệ thống giáo dục hàng đầu thế giới, với tỷ lệ nhập học của giáo dục đại học vượt 60%, số người có trình độ đại học đạt 250 triệu người.
Trung Quốc có hệ thống hơn 3.000 trường cao đẳng và đại học, trong đó, 25 trường thuộc top 200 các trường đại học hàng đầu thế giới. Theo bảng xếp hạng QS World University Ranking năm 2024, Đại học Bắc Kinh xếp thứ 17, Đại học Thanh Hoa xếp thứ 25 và trường Đại học Giao thông Thượng Hải xếp thứ 51 các trường đại học hàng đầu thế giới.
Trên cơ sở Hiệp định giữa hai Chính phủ về hợp tác giáo dục do 2 Bộ trưởng ký năm 2022, nhiều hoạt động hợp tác giáo dục giữa hai nước được thực hiện như đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên Việt Nam dạy tiếng Trung; trao đổi giảng viên, sinh viên, đào tạo, đào tạo công dân Việt Nam tại Trung Quốc…
Để hợp tác giáo dục và đào tạo giữa hai nước ngày một thiết thực, hiệu quả, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng Bộ Giáo dục Trung Quốc Hoài Tiến Bằng thống nhất tăng cường các hoạt động cụ thể:
Thứ nhất, hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy tiếng Trung cho Việt Nam và cung cấp tình nguyện viên sang hỗ trợ công tác giảng dạy tiếng Trung; hỗ trợ đào tạo chuyên gia, đào tạo các kỹ sư xuất sắc cho Việt Nam.
Thứ hai, mở rộng ngành nghề và cơ sở đào tạo tiếp nhận du học sinh Việt Nam sang đào tạo để có thêm nhiều cơ hội cho du học sinh Việt Nam tham gia học tập, nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo trọng điểm của Trung Quốc.
Thứ ba, tăng cường học bổng bậc đại học, đặc biệt là học bổng học các ngành khoa học kỹ thuật, đào tạo cấp chuyên gia ở các trường hàng đầu Trung Quốc.
Thứ tư, hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực mà Trung Quốc có thế mạnh như đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị và sinh học, chiến lược phát triển giáo dục, chiến lược phát triển các đại học trọng điểm, chuyển đổi số trong giáo dục, sử dụng các công cụ số, trí tuệ nhân tạo trong giáo dục…
Thứ năm, có cơ chế giao lưu giáo dục giữa 2 nước có tính thường niên, luân phiên theo từng chủ đề.
Nhân dịp này, nhiều trường đại học Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết nhiều văn bản hợp tác quan trọng, trong đó, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) ký kết hợp tác với Đại học Bắc Kinh và với Trường Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh về đào tạo và nghiên cứu các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, trao đổi giảng viên, sinh viên, tăng cường hợp tác trong đào tạo ngôn ngữ tiếng Trung và tiếng Việt.
Trường Đại học Giao thông Vận tải ký kết hợp tác với Trường Đại học Giao thông Bắc Kinh về đào tạo lĩnh vực đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao. Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh ký kết hợp tác với Đại học Quý Châu và Trường Đại học Kinh tế và Thương mại Thủ đô (TP. Bắc Kinh). Trường Đại học Xây dựng ký kết hợp tác với Trường Đại học Công nghiệp Hà Bắc.
Theo lịch trình làm việc, từ 10-12.12, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT tiếp tục làm việc với Đại học Thanh Hoa, Đại học Giao thông Thượng Hải và Trung tâm đào tạo giáo viên của UNESCO tại Thượng Hải.