Báo cáo Đoàn khảo sát, Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Dân cho biết, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở số 2 Tả Phời là trường vùng cao của TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai, với 100% học sinh là đồng bào dân tộc Dao. Trường có 3 cấp học: mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, với tổng số 305 học sinh, trong đó 154 học sinh bán trú.
Về việc thực hiện chế độ đối với học sinh bán trú, theo Nghị quyết số 15NQ/2023-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai, hỗ trợ tiền ăn 468.000 đồng/học sinh/tháng (9 tháng/năm học), không có hỗ trợ gạo. Trẻ mầm non được hỗ trợ ăn trưa theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ, mức hỗ trợ 160.000 đồng/tháng/học sinh (9 tháng/năm học).
Nhà trường tổ chức thuê cấp dưỡng nấu ăn cho học sinh bán trú bảo đảm đúng khẩu phần ăn, thực hiện đúng quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể.
Đối với trẻ mầm non, nhà trường phối hợp với cha mẹ học sinh hàng ngày cử người nấu ăn cho trẻ dưới sự hướng dẫn của các cô giáo.
Nhà trường cũng liên hệ với các tổ chức, cá nhân, ủng hộ thêm nhiều sữa, bánh bổ sung dinh dưỡng cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vào bữa chiều.
“Học sinh đến trường được chăm lo dinh dưỡng bảo đảm hơn. Các em để tăng cân, có sức khỏe, thể trạng tốt hơn đầu năm học; giảm dần tỷ lệ suy dinh dưỡng và thấp còi, cải thiện chiều cao và cân nặng”, thầy Nguyễn Hữu Dân khẳng định.
Tuy nhiên, để bảo đảm dinh dưỡng cho học sinh, nhà trường còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù không phải trường bán trú nhưng hiện nay Trường Tiểu học và Trung học cơ sở số 2 Tả Phời vẫn thực hiện mọi hoạt động bảo đảm an ninh, an toàn 24/24h như trường bán trú, trường nội trú. Thế nhưng, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên không được hưởng chế độ đặc thù. Học sinh nhà trường cũng không được hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở và gạo.
Vì vậy, thầy Nguyễn Hữu Dân kiến nghị có chế độ đãi ngộ đối với mô hình trường có học sinh bán trú; đầu tư cơ sở vật chất để bảo đảm các điều kiện ăn ở cho học sinh; bổ sung chế độ cấp dưỡng cho bếp ăn mầm non.
Bên cạnh đó, điều chỉnh quy định về điều kiện thành lập trường bán trú, nên áp dụng đối với những trường có trên 50% học sinh ở bán trú với khu vực 1 có giao thông đi lại khó khăn (hiện chỉ áp dụng cho vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn).
Đồng thời, đề nghị tăng mức hỗ trợ tiền ăn cho trẻ mầm non. “Hiện nay, mức hỗ trợ chỉ 160.000 đồng/tháng/trẻ, quá thấp, khó bảo đảm dinh dưỡng cho các cháu”, thầy Nguyễn Hữu Dân nói.
+ Cũng trong chiều 10.12, Đoàn khảo sát đã thăm, làm việc với Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Lào Cai. Hiệu trưởng nhà trường Lê Ngọc Quỳnh kiến nghị có hướng dẫn cụ thể đối với các trường phổ thông dân tộc nội trú trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về dinh dưỡng học đường và thực hiện hạch toán chứng từ, hóa đơn đối với nội dung chi tiền ăn từ học bổng của học sinh.
Hiện nay, để thực hiện tổ chức nấu ăn tại trường cho học sinh, nhà trường đã ký hợp đồng mua hàng hóa đối với các nhà cung cấp lương thực, thực phẩm, rau xanh, gia vị chế biến… Tuy nhiên, do các đơn vị bán hàng hóa đều phải xuất đầy đủ hóa đơn tài chính cho nhà trường nên thực chất bữa ăn của học sinh cũng đang phải chịu mức thuế của người tiêu dùng theo quy định, nên định lượng các bữa ăn của học sinh có phần bị ảnh hưởng.