Tham khảo những bức thư giải Nhất quốc gia thi viết thư UPU trong 5 năm gần nhất

Báo Đại biểu Nhân dân tổng hợp các bức thư đoạt giải Nhất quốc gia tại cuộc thi Viết thư UPU trong 5 năm gần nhất để độc giả tham khảo.

Ngày 11.11 vừa qua, cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 54, năm 2025 đã chính thức được phát động.

Cuộc thi được Liên minh Bưu chính Thế giới (gọi tắt là UPU) tổ chức dành cho trẻ em hàng năm, nhằm góp phần phát triển khả năng viết văn và sự phong phú trong tư duy sáng tạo của các em.

Đồng thời, giúp các em tiếp cận và nhận thức các vấn đề của xã hội, của thời đại và thể hiện suy nghĩ của mình đối với những vấn đề này; bồi đắp, nuôi dưỡng tình cảm, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với xã hội, đất nước và thế giới; hiểu thêm về vai trò của ngành Bưu chính trong cuộc sống và phát triển xã hội.

Dưới đây là các bức thư đoạt giải Nhất quốc gia tại cuộc thi Viết thư UPU trong 5 năm gần nhất:

Bức thư đoạt giải Nhất năm 2024

Cuộc thi viết thư quốc tế UPU năm 2024 có chủ đề: "Trong hành trình 150 năm qua, Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) đã phục vụ hơn 8 thế hệ người dân toàn cầu. Từ đó đến nay, thế giới đã có nhiều thay đổi. Hãy viết thư gửi các thế hệ tương lai để nói về thế giới mà bạn hy vọng họ được kế thừa".

Bức thư đoạt giải Nhất quốc gia thuộc về em Nguyễn Đỗ Quang Minh, học sinh lớp 9/1, Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng.

Trong bức thư, Quang Minh hóa thân thành Pullattie - một nhân viên làm việc tại bưu cục ở ngôi làng ông già Noel, trực tiếp đọc những lá thư của trẻ em trên toàn thế giới gửi về. Pullattie đã viết thư cho Tổng Giám đốc UPU năm 2174 để chia sẻ cảm nhận về việc trẻ em thiếu tình thương và cần một nơi giãi bày tâm sự. Vì vậy, Pullattie mong rằng 150 năm tới, khi nhân loại dùng thư điện tử và nhiều phương tiện liên lạc hiện đại khác, thì tất cả các bưu cục toàn thế giới sẽ vẫn có hòm thư tay miễn phí cho trẻ em, khi viết thư gửi Ông già Noel.

ng-ban-to-chuc-cuoc-thi-ba-nguyen-pham-duy-trang-bi-thu-trung-uong-doan-chu-tich-hoi-dong-doi-trung-uong-len-trao-giai-nhat-va-huy-hieu-tuoi-17159472666001862012375-1.jpg
Em Nguyễn Đỗ Quang Minh, học sinh lớp 9/1, Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng được trao giải Nhất quốc gia cuộc thi viết thư quốc tế UPU năm 2024 và Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo

Toàn văn bức thư như sau:

“Gửi Ông Tổng giám đốc UPU năm 2174!

Lời đầu tiên, chúc ông Giáng sinh an lành và năm mới hạnh phúc! Tôi chưa hình dung hết ông là ai, nhưng tôi tin tưởng rằng ông vẫn là người thuyền trưởng tài ba chèo lái con thuyền Bưu chính thế giới với sứ mệnh phục vụ tận tâm và bền bỉ các thế hệ người dân toàn cầu. Đó là lý do tôi viết lá thư này gửi tới ông.

Tôi là Pulattie, 72 tuổi, từng là giáo viên trung học tại Texas. Sau khi nghỉ hưu, tôi học tại Trường Charles W.Howard Santa Claus, trường đào tạo Ông già Noel. Hiện tôi làm việc tại Bưu điện ở ngôi làng Ông già Noel, Rovaniemi, Lapland, Phần Lan, nằm trong Vòng Bắc Cực. Công việc của tôi bận rộn quanh năm, nhưng tôi rất hạnh phúc.

Mỗi năm chúng tôi nhận hàng triệu bức thư của trẻ em khắp thế giới. Tôi đọc không sót bức nào, sau đó viết thư hồi âm và gửi những món quà từ các tổ chức từ thiện đến trẻ em dịp Noel. Tôi vừa là người nhận thư, vừa đưa thư trong vai Ông già Noel đã hơn 10 năm, và tôi cảm nhận ý nghĩa cuộc sống qua từng lá thư nhỏ.

Ông à, tôi chọn công việc này khi đọc bức thư của bé Virginia O'Hanlon, 8 tuổi ở Manhattan, New York gửi tờ The Sun năm 1897: "Xin hãy cho cháu biết sự thật: Có Ông già Noel không?".

Biên tập viên Francis đã viết thư trả lời: "Virginia, ông già Noel có thực, cũng như tình yêu và lòng quảng đại luôn hiện diện quanh ta, nhờ đó cuộc sống của chúng ta được vui tươi, hạnh phúc.

Nếu không có Ông già Noel thì thế giới ảm đạm biết bao, cuộc sống sẽ chẳng có những tâm hồn trẻ thơ, chẳng có thi ca, lãng mạn. Con người chỉ là những cỗ máy khô khan. Ánh sáng niềm tin và hy vọng của trẻ em khắp thế giới cũng sẽ tiêu tan.

Ông già Noel vẫn sẽ sống mãi. Hàng trăm nghìn năm sau, ông vẫn sẽ tiếp tục mang đến niềm vui và hạnh phúc cho những tâm hồn trẻ thơ khắp hành tinh này". Lá thư truyền cảm hứng cho tôi trở thành một Ông già Noel mang thông điệp hạnh phúc đi khắp thế giới.

Thưa ông, 150 năm qua, nhờ sự đồng hành của UPU mà chúng tôi mới thấu hiểu trẻ em khao khát điều gì. Trẻ em tin rằng Ông già Noel chỉ thích đọc thư tay, nên chúng nắn nót từng chữ và gửi đi bằng tất cả niềm tin.

Bưu điện Thụy Điển hiện lưu trữ hơn 10.000 bức thư hay nhất mà trẻ em gửi Ông già Noel, trong đó bức thư của em bé lớp Một ở Việt Nam thực sự làm tôi rơi nước mắt: "Gửi ông già Noel. Cháu là Vũ Hoàng Tuấn Kiệt lớp 1B. Mẹ nói bố đang làm ở thiên đường chỗ ông già Noel. Cháu đạt học sinh giỏi, cháu làm lớp trưởng.

Cháu xin ông cho bố cháu nghỉ làm để đưa cháu đi coi thú. Cả mẹ cũng được nghỉ, không phải đi quét rác để đi chơi với cháu. Cháu cảm ơn ông ạ. Cháu tặng ông ba viên bi màu của cháu ạ". Những dòng chữ ngây ngô đã chạm đến trái tim bao người. Và hàng triệu lá thư như thế 10 năm qua đã làm tôi mất ngủ.

Thưa ông, thế giới càng phát triển, con người càng xa cách nhau, dần trở nên vô cảm với nhau. Trẻ em dần thiếu thốn tình yêu thương, và chúng cần lắm một nơi để giãi bày tâm sự. Chúng khao khát được chia sẻ bằng những dòng thư tay chân thành nhất, gửi đến một nơi mà chúng tin sẽ có người lắng nghe để được nhận lại tình yêu thương. Và đó chỉ có thể là Ông già Noel!

Tôi hình dung 150 năm tới, khi nhân loại dùng thư điện tử và nhiều phương tiện liên lạc hiện đại khác, thì tất cả các bưu cục toàn thế giới sẽ vẫn có hòm thư tay miễn phí cho trẻ em, khi viết thư gửi Ông già Noel. Mỗi nước có một trụ sở nhận thư, gửi thư và quà như tại làng Ông già Noel này.

Tôi ước ao sẽ có nhiều trường đào tạo Ông già Noel, để những người yêu trẻ học cách mang đến hạnh phúc cho trẻ. Đặc biệt nhất, để những lá thư, món quà mà trẻ em mong đợi đến đúng vào Giáng sinh trên toàn thế giới, tôi mơ về một hình thức chuyển thư, quà tự động được lập trình sẵn nhưng cũng rất lãng mạn: một cỗ xe tuần lộc đưa Ông già Noel bay trong không trung, sáng rực rỡ trong đêm, và những món quà sẽ được Ông trao tận tay cho từng đứa trẻ trong tiếng cười reo, tiếng cảm ơn líu lo của con trẻ.

Ông Tổng giám đốc UPU năm 2174 yêu mến, giấc mơ của tôi chắc chắn sẽ thành hiện thực, vì tôi tin ông sẽ làm được, và cũng tin rằng dù thế giới có phát triển như thế nào thì "Ông già Noel vẫn sẽ sống mãi, vẫn tiếp tục mang niềm vui và hạnh phúc cho những tâm hồn trẻ thơ trên khắp hành tinh này"!

Có người đã từng nói: "Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực, mà là nơi thiếu vắng tình yêu thương". Bắc Cực không lạnh khi có ngôi làng của sự kết nối đầy ấm êm và thương mến như vậy!

Mong lá thư sẽ đến được với ông và giấc mơ hạnh phúc của trẻ thơ sẽ thành hiện thực. Gửi đến ông một cái ôm ấm áp!”.

Bức thư đoạt giải Nhất năm 2023

Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 52 năm 2023 có chủ đề: "Tưởng tượng em là một siêu anh hùng mang sứ mệnh làm cho mọi con đường trên thế giới an toàn hơn với trẻ em. Hãy viết một bức thư cho ai đó để nói về sức mạnh siêu phẩm giúp em hoàn thành sứ mệnh của mình".

Chủ nhân giải Nhất quốc gia là em Đào Khương Duy, lớp 6/1, Trường THCS Huỳnh Tấn Phát, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Bức thư của em cũng giành giải Ba quốc tế.

20230519-pg1-giai-nhat-1709193865719.jpg
Nguyên Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính Trương Mỹ Hoa và Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng trao tặng giải Nhất cho em Đào Khương Duy

Toàn văn bức thư như sau:

"Cha mẹ yêu thương,

Là chàng trai S-2417 dũng cảm của cha mẹ đây ạ!

Những ngày qua, cha mẹ và các cư dân hành tinh Love-365 có luôn hạnh phúc, bình an không?

Con viết lá thư này từ Trái Đất, nơi con đang thực hiện sứ mệnh làm cho mọi con đường trên thế giới an toàn hơn với trẻ em.

Hành tinh xanh tuyệt đẹp này là ngôi nhà chung của 8 tỉ người, trong đó có khoảng 2 tỉ trẻ em từ 14 tuổi trở xuống. Ấy vậy mà mỗi ngày, có hàng trăm trẻ em rời tổ ấm đi học, đi chơi... rồi mãi mãi không về nhà hoặc trở về với cơ thể lẫn tinh thần không còn lành lặn bởi chẳng may gặp phải gã hung thần Tai Nạn Giao Thông.

Cứ mỗi 4 phút trôi qua, gã hung thần ấy lại cướp đi vĩnh viễn của Trái Đất một thiên thần nhỏ, gieo rắc nỗi đau và niềm ám ảnh khôn nguôi trong lòng những người ở lại.

Gã tung hoành táo tợn đến mức khiến tai nạn giao thông đường bộ trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em và trẻ vị thành niên toàn địa cầu.

Thưa cha mẹ,

Với siêu mắt thần, con có thể nhìn thấy trước những vụ tai nạn giao thông trẻ em khắp Trái Đất. Dù là châu Âu hay châu Á, châu Mỹ hay châu Phi... con đều đến được ngay nhờ siêu năng lực phân thân và xuyên không gian nhanh hơn cả ánh sáng.

Để tránh gây chú ý với loài người bởi hình dáng khác lạ của mình, con thường biến hình để đi trước gã hung thần Tai Nạn Giao Thông một bước.

Có khi con là chú cảnh sát giao thông, ân cần đưa nhóm em nhỏ qua đường. Có lúc con là bác bảo vệ trường, nhắc nhở phụ huynh luôn đội mũ bảo hiểm, thắt dây an toàn cho bé.

Có khi con là cô lao công, ngừng tay chổi để khuyên em nhỏ đi bộ trật tự đúng phần đường.

Có lúc con là cơn gió ngược, khiến mọi xe cộ chạy dưới 30 km/giờ khi đến khu vực có nhiều trẻ em.

Mỗi ngày, con phải rất nhiều lần dùng siêu năng lực hoán đổi ý nghĩ để thay thế những ý nghĩ rất nguy hiểm, sai trái của con người như phóng nhanh, vượt ẩu, chạy xe ngược chiều bằng ý nghĩ đúng đắn "an toàn luôn trên hết".

Con nhanh hơn ánh sáng, mạnh hơn bão vũ trụ… nhưng siêu năng lực lớn nhất và quý giá nhất con có chính là TÌNH YÊU THƯƠNG muôn loài, bởi con ra đi từ hành tinh Love-365...".

Bức thư đoạt giải Nhất năm 2022

Giải Nhất quốc gia cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 51 (năm 2022) thuộc về em Nguyễn Bình Nguyên, lớp 9A1, Trường THCS Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội.

Cuộc thi năm 2022 có chủ đề: “Em hãy viết thư gửi một người có tầm ảnh hưởng để trình bày lý do và cách thức họ cần hành động trước khủng hoảng khí hậu”. Bình Nguyên đã lựa chọn ý tưởng khá độc đáo khi hóa thân thành ngọn gió gửi thư cho nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn.

202259-u6-1709193695534.jpg
Em Nguyễn Bình Nguyên, Trường THCS Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội - giải Nhất quốc gia cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 51

Toàn văn bức thư như sau:

"Đêm trở gió, 20.1.2022

Gửi danh cầm Đặng Thái Sơn với đôi tay kì diệu!

Ông có bất ngờ khi nhận lá thư được tạo nên từ những tiếng xào xạc? Là cháu đây, ngọn gió lành, gửi đến ông những lời khẩn thiết.

Cháu đang ở đây, ngay bên cửa sổ! Còn ông ngồi trầm tư bên phím đàn. Ông vừa trở về từ lễ trao giải Vin Future. Ở sân khấu quốc tế với những tên tuổi lừng danh ấy, âm nhạc của ông tạo nên mảnh ghép hoàn hảo cho hy vọng tương lai của nhân loại.

Ông vẫn nói: "Bạn cứ nghe tôi chơi nhạc, bạn sẽ hiểu tôi muốn nói gì!". Cháu cảm biết được tấm lòng của ông với cuộc đời. Nên, cháu hy vọng, ông và nghệ thuật của ông – mang sức mạnh tạo nên thay đổi, cứu vãn thảm họa thiên nhiên mà gió nhỏ đã tận mắt chứng kiến.

Từ khi được sinh ra từ cơn cựa mình của Mẹ, cháu dã du hành khắp thế gian. Những điều ấm áp cho cháu hạnh phúc và cũng có nhiều điều khiến cháu trăn trở.

Cháu băn khoăn: Một con mèo chết gục trước cửa ngôi nhà, mươi phút sau, nó được hất gọn sang cửa nhà đối diện – Có một ranh giới con người giữa sạch sẽ riêng mình.

Cháu lo lắng: Cũng con phố ấy, ngày hè oi ả, trong khi ai đó nằm điều hòa mát lạnh, thì dưỡi gầm cầu, góc chợ tạm… còn bao người thở nghẹn trong lồng ngực - Có một ranh giới con người giữ tiện nghi riêng mình.

Cháu hoang mang: Dòng sông phía thượng nguồn đắp đập làm thủy điện, tiện dụng triệt để sức nước; thì dưới hạ lưu, tập quán của một dân tộc bị tước đi, hoặc cảnh quan của một vùng bị biến đổi - Có một ranh giới con người giữ lợi ích cho riêng mình.

Nhưng hơn ai hết, ông - một nghệ sĩ chọn cho mình cuộc sống không biên giới, hiểu rằng, nhìn từ một phía nào đó, mọi ranh giới đều không tồn tại, phải không?

Trái đất đang nóng lên! Ở châu Phi, châu Mĩ, châu Âu… mùa hè ngày càng khắc nghiệt. Năm nào cũng có kỷ lục mới được xác lập về nhiệt độ cao hoặc số ngày nắng nóng kéo dài… Họ nhà gió lên cơn sốt trong khí quyển, trong đại dương, trên biển băng và khắp các lục địa.

Có ngọn gió hoảng loạn lao qua những cánh rừng cuốn theo ngọn lửa tự bùng lên như mất trí. Amazon, Úc châu, Đông Nam Á… tiếng rít lên thê thảm của những loài vật thét gào.

Có ngọn gió điên cuồng giật cấp 16, 17 - siêu bão chồng siêu bão, lũ lụt, sóng thần, nhà sụp, người chết, cả một vùng đô thị, làng mạc bị xóa sổ.

Có ngọn gió oằn xuống trước người đàn ông quỳ lạy dòng nước lũ trả lại cho mình người vợ và đứa con chưa kịp chào đời; chẳng khác nào sự hủy diệt của chiến tranh, những đứa trẻ ngơ ngác tìm người thân trong đổ nát… liệu còn ranh giới nào cho những ngôi nhà, vùng miền, quốc gia, phe phái…?

Ông đã nghe về tất cả những điều này? Ông cũng biết, trước khủng hoảng khí hậu, nếu con người không hành động, thảm họa diệt vong cũng sẽ không ranh giới?

"Bạn cứ nghe tôi chơi nhạc, bạn sẽ hiểu tôi muốn nói gì!"

Hỡi nhạc sỹ tài ba! Cháu khẩn thiết ông lên tiếng kêu gọi con người cứu bầu khí quyển ốm yếu này!

Cháu đã thấy bao trái tim rung lên trước âm nhạc của ông. Bao nhà khoa học, bao chính khách nghiêng mình trước tài năng và nhân cách của ông. Cháu hiểu rằng, ông với âm nhạc của ông mang một tầm ảnh hưởng lạ kỳ; và cháu hy vọng từ ảnh hướng ấy, hàng triệu người sẽ thay đổi!

Ông ơi, cùng "tầm ảnh hướng" với ông là những người nắm trong tay khả năng thay đổi thế giới. Các nguyên thủ, tỷ phú, các nhà khoa học, nghệ sĩ có khả năng định hướng tinh thần thời đại… họ đã cùng ông xuất hiện trong những sự kiện giống như Vin Future, ông hãy lên tiếng nới rộng vòng tay tạo nên điều kỳ diệu cứu lấy tương lai của Trái đất này.

Ông không phải người đầu tiên, nhưng có thể trở thành người quyết định tạo nên thay đổi. Còn cháu - Ngọn gió không biên giới - nguyện sẽ cùng ông đưa bản "thiên ca - Lời đất mẹ" này tới muôn nơi.

"Hãy để gió hát ca giữa rừng xanh. Rừng không phải để chặt phá!

Hãy để gió đùa vui với sóng biển. Biển không phải để xả rác hay chôn giấu nguồn nước thải.

Hãy để gió sải cánh giữa không gian. Không gian không phải để xe cộ, ống khói túa ra nguồn khí cặn.

Hãy để gió ru trên cánh đồng, vuốt ve mái tóc bầy trẻ nhỏ; hãy để gió yêu thương…"

Ông ơi!

Cháu có một thỉnh cầu, khi nốt nhạc cuối cùng ngưng lại, ông hãy lên tiếng rằng: "Tôi và âm nhạc của tôi, xin góp một hành động chữa lành vết thương của Trái đất này!".

Người bạn của ông - Cơn gió lành từ Đất mẹ!"

Bức thư đoạt giải Nhất năm 2021

Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 50 (năm 2021) có chủ đề: “Hãy viết thư cho một người thân trong gia đình để chia sẻ trải nghiệm của mình về đại dịch Covid-19”.

Giải Nhất quốc gia của cuộc thi được trao cho em Đào Anh Thư, học sinh lớp 8A2, Trường THCS Nguyễn Huy Tưởng, huyện Đông Anh, Hà Nội. Anh Thư đã chọn ý tưởng gửi thư cho bé gái được sinh ra khi mẹ đang điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để nói lên nỗi vất vả nhưng trên hết là trách nhiệm, sứ mệnh của các y bác sĩ trong công cuộc phòng chống dịch của dân tộc Việt Nam.

Bức thư cũng xuất sắc giành giải Ba, cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 50.

10777-image015-20210830094155-1709193645360.jpg
Em Đào Anh Thư, học sinh Trường THCS Nguyễn Huy Tưởng, huyện Đông Anh, Hà Nội - giải Nhất quốc gia của cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 50

Toàn văn bức thư như sau:

"Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương ngày 8.2.2021.

Thiên thần của chị!

Em đang ngủ hồn nhiên, đôi môi chúm lại như đang mút kẹo. Còn chị, chị ngắm nhìn em, một thiên thần được sinh ra giữa mùa Covid-19 với niềm hạnh phúc không gì tả nổi. Chị muốn nói với em thật nhiều về những ngày tháng chị cùng em ở trong khu cách ly này nhưng em quá nhỏ bé chẳng thể ghi nhớ nổi điều gì. Thế nên chị viết những dòng này cho em của chị.

Em thân yêu!

Buổi sáng ấy, khi kênh thời sự đưa tin trên toàn thế giới đã có hơn một trăm triệu người mắc Covid-19 và hơn hai triệu người bị "tử thần Covid-19" cướp đi sự sống; còn ở đất nước mình dịch đang bùng phát trở lại và có thêm nhiều ca mắc mới thì đó cũng chính là lúc mẹ trở dạ sinh em. Chao ôi! Chị không thể nhớ nổi cảm xúc của mình lúc đó như thế nào nữa. Chỉ biết rằng, rất nhanh chóng, phòng cách ly của mẹ biến thành phòng để sinh em. Còn chị, chị ở phòng bên này ngóng sang bên đó, chờ đợi em trong cuộc hành trình đến với thế giới này. Chị hết đứng lên, ngồi xuống, không yên. Đúng là ai chưa từng chờ đợi trong lo âu, phấp phỏng thì sẽ chẳng bao giờ cảm nhận được thời gian chờ đợi nặng nề, lê thê đến thế nào.

Em bé bỏng của chị!

Khi em cất tiếng khóc chào đời, không gian như bừng sáng. Bế em trên tay là một bác sĩ trong bộ đồ bảo hộ y tế màu xanh, khẩu trang kín mít, chỉ còn hở đôi mắt ánh lên nét rạng ngời. Em cất tiếng khóc, chị nhẹ nhõm như vừa trút ánh nặng ngàn cân, vui sướng đến run người, nghe bên tai tiếng bà cười trong nước mắt, bố đang gọi video bỗng lặng đi... Tất cả vỡ òa cảm xúc...

Em sinh ra trong sự nâng niu, đón chờ của những người thân và nhiều hơn thế nữa. Tiếng khóc chào đời của em đã thắp thêm niềm hy vọng, niềm tin chiến thắng đại dịch cho những chiến sĩ áo trắng nơi đây. Dù cho ngoài kia, cả thế giới đang chao đảo vì cơn bão tử thần Covid-19, thì em ơi, cứ ngủ thật ngon lành bởi trong này bình yên lắm. Em được chở che trong vòng tay ấm êm của những con người thầm lặng. Đó là những bác sĩ không quản ngày đêm hy sinh bản thân mình, hết lòng vì người bệnh. Tấm chắn giọt bắn lúc nào cũng đầy hơi nước vì không có cơ hội được bỏ ra, lưng áo ướt đẫm mồ hôi cho dù là đang giữa những ngày đông tháng giá. Đó là những người tự nguyện ở luôn trong bệnh viện, cả cái Tết đoàn viên cũng chẳng về nhà. Đó là cô y tá sẵn sàng gửi con nhỏ mới lên ba cho ông bà chăm sóc, và từng đêm, khi em quấy khóc, cô lại bế bồng và hát ru em câu hát "À ơi, con cò bay lả bay la..."

Em à! Chị thật may mắn khi được ở đây trong những ngày qua. Thời gian gần một tháng trời đã cho chị hiểu rằng bên trong tấm biển "khu vực cách ly đặc biệt" kia không phải là những điều đáng sợ như người ta vẫn tưởng mà là cả một thế giới của sự ân cần chăm sóc, của những tấm lòng ấm áp yêu thương. Thế giới có những anh hùng thầm lặng, sẵn sàng cho đi mà không đòi hỏi bất cứ thứ gì. Nơi đây đã cho chị biết hạnh phúc không phải chỉ là được ăn ngon, mặc đẹp, được thỏa sức vui chơi mà là được sống trong niềm tin về tình yêu thương giữa con người. Bây giờ, chị thực sự hiểu rằng vì sao một đất nước nhỏ bé trên bản đồ thế giới lại khiến cho các cường quốc năm chân phải nể phục trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Đơn giản thôi em ơi, mỗi con người của dải đất này đều truyền đến nhau thông điệp 5K "Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế". Tất cả cùng hòa chung "Vũ điệu rửa tay - Ghen Covy". Tất cả cùng đồng lòng "chống dịch như chống giặc", và anh dũng nhất là những nhân viên y tế tuyến đầu.

Nhìn em ngủ hồn nhiên, ngon lành trong lòng mẹ, chị như vừa qua giông bão đến được bến bình yên. Mình sẽ về nhà trong niềm vui xuân mới, những con người thầm lặng nơi đây vẫn tiếp tục cuộc chiến tới cùng. Rồi đây, mỗi ngày em một lớn khôn, chị em mình sẽ như những cây xương rồng mạnh mẽ trước bão giông. Tất cả bắt đầu từ ngày hôm nay, em nhé!

Yêu em thật nhiều!"

Bức thư đoạt giải Nhất năm 2020

Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 49 (năm 2020) có chủ đề: “Em hãy viết thông điệp gửi một người lớn về thế giới chúng ta đang sống” (tiếng Anh: Write a message to an adult about the world we live in).

Em Phan Hoàng Phương Nhi, lớp 7/2 Trường THCS Duy Tân, thành phố Huế đã đoạt giải Nhất quốc gia với bức thư gửi đến thông điệp về vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường - vấn đề thời sự, mang tính quốc gia và toàn cầu. Dù không phải chủ đề mới, đã từng được thể hiện trong các bức thư của các cuộc thi trước, nhưng cách chuyển tải thông điệp về bảo vệ môi trường của em Phan Hoàng Phương Nhi được đánh giá khá thú vị, sáng tạo và độc đáo.

26062020pap1-2.jpg
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng trao giải Nhất Cuộc thi viết thư UPU lần thứ 49 cho học sinh Phan Hoàng Phương Nhi

Toàn văn bức thư như sau:

"Ngày 5 tháng 1 năm 2020

Kính gửi mệ Lương bán xôi!

Mệ ơi, 10 năm nay con chỉ ăn sáng bằng xôi của mệ. Gần đây con càng quý mệ hơn và gọi mệ là "mệ Lương thông thái". Hôm nay con xin gửi mệ một lá thư để lan tỏa việc làm tử tế!

Mệ Lương bán xôi đắt khách kính mến!

Xôi mệ bán ngon, sạch sẽ nức tiếng thành phố. Sáng sáng, những vò xôi nóng hổi, khói bốc nghi ngút mùi đồng quê, tay mệ thoăn thoắt cho vào hộp xốp gài cái "cạch" rồi bỏ vào túi ni lông, không quên cho thêm cái muỗng nhựa. Hàng trăm đứa trẻ như con tung tăng vào lớp. Năm phút sau, tất cả nằm gọn trong thùng rác. Chúng con lại chờ đến sáng mai xếp hàng mua xôi, lòng thầm cảm ơn mệ bán xôi, tận tâm mà không hề biết mình đang bị đầu độc.

Kính gửi mệ Lương bán xôi ế khách!

Mệ ơi, con được học trong nhà trường điều này hay lắm. Mệ biết vì sao ở Việt Nam tỷ lệ người ung thư, nhất là trẻ em tăng cao không? Mệ biết vì sao trẻ em nam nữ tính hoá, trẻ em dậy thì sớm không? Có nhiều nguyên nhân ạ! Nhưng một trong những nguyên nhân cơ bản là do ăn uống. Việt Nam là một trong năm nước đứng đầu thế giới về sử dụng xốp, nhựa bừa bãi nhất. Trong xốp, nhựa tái chế có nhiều chất DOP, chì, cadimi sẽ hòa tan khi tiếp xúc với đồ nóng chứa axit, dầu ăn hay muối. Như vậy, mẹ con mình đang tiếp tay cho bệnh tật, mệ nhỉ! Nhớ hôm mệ dẫn con tới gặp mệ, con cứ sợ mệ la "trứng khôn hơn vịt". Nhưng mệ đã suy nghĩ rất lâu, rồi cầm tay con nói: "Mệ ít học, không biết điều này, mệ sẽ cố gắng thay đổi". Con biết ơn mệ vì đã nghe tâm sự, nguyện vọng của một đứa trẻ.

Rồi mệ bỏ hết tất cả hộp xốp và bao bì ni lông, chỉ dùng lá chuối hơ lửa để gói xôi. Con rất trân trọng nhưng nhiều phụ huynh và bạn nhỏ khác khó chịu vì sự bất tiện này. Gánh xôi của mệ ế khách trông thấy nhưng mệ vẫn kiên trì dùng lá gói xôi.

Thân thương gửi mệ Lương bán xôi đắt khách!

Một tuần sau mệ quay lại sử dụng túi ni lông. Con buồn, mệ vì đồng tiền mà bất chấp. Nhưng không, mệ bảo rằng: "Một thói quen xấu dễ hình thành nhưng rất khó sửa, bởi vậy, cần thời gian". Bước đầu, mệ thay hộp xốp bằng lá chuối, vẫn sử dụng túi ni lông xách ngoài, nhưng trong mỗi túi mệ đều bỏ thêm một lá thư do chính mệ viết đã photo thành nhiều bản.

"Con thân mến!

Mệ bán xôi ít học nhưng mệ biết sử dụng hộp xốp và bao ni lông đựng xôi nóng có hại cho sức khoẻ, về lâu dài còn gây bệnh vô sinh, ung thư, ngoài ra còn ô nhiễm môi trường. Hãy cùng mệ Lương bảo vệ các con và cả thế giới. Ngày mai con phải mang theo hộp sứ, hộp nhựa để đựng xôi rồi mệ Lương giảm giá nhé!

Ký tên

Mệ Lương bán xôi"

Đọc thư của mệ, con vô cùng xúc động. Ai có thói quen xấu khi sử dụng hộp xốp hay bao bì ni lông đều tan chảy trước lá thư của mệ. Quả nhiên gánh xôi mệ bán càng đắt khách hơn. Tiếng lành đồn xa, ai cũng muốn mua xôi của mệ để được trân trọng nhận lá thư tay.

Đa số mọi người đều đồng tính, khâm phục việc làm của mệ nhưng cũng có người trề môi: "Làm thế thì được gì?". Sao lại không được gì? Trước hết mệ đã làm tốt phần việc của mình, sau đó mệ cũng thông thái lan tỏa cho nhiều người biết tự bảo vệ mình khỏi chất độc có trong hộp xốp và bao ni lông, hơn tất cả là không tự biến mình thành "tội đồ" phá hủy môi trường của con cháu đời sau. Với con, mệ là siêu anh hùng giữa đời thường!

Con rất ngưỡng mộ mệ! Chúc mệ thật nhiều sức khỏe để tiếp tục bán xôi sạch cho chúng con!

Khách đặc biệt của mệ".

bucthu1.jpg
buc-thu-2.jpg
Bức thư của em Phan Hoàng Phương Nhi được đánh giá có cách chuyển tải thông điệp khá thú vị, sáng tạo và độc đáo

Theo quy định, đối tượng tham dự cuộc thi là học sinh Việt Nam từ 9 đến 15 tuổi (tính đến thời điểm gửi thư tham dự cuộc thi).

Quy định về bức thư dự thi:

- Bức thư là sản phẩm sáng tạo của cá nhân học sinh, viết dưới dạng văn xuôi theo chủ đề của cuộc thi (chưa đăng báo hoặc in sách), dài không quá 800 từ.

- Các bức thư dự thi viết bằng tiếng nước ngoài phải có bản dịch tiếng Việt gửi kèm. Ban Giám khảo sẽ chấm theo bản tiếng Việt.

- Bức thư dự thi trình bày rõ ràng, sạch sẽ, viết tay trên một mặt giấy (lưu ý không viết vào mặt sau, có thể viết nhiều tờ, đánh số trang, ghim lại để tránh bị nhầm lẫn). Bức thư dự thi đánh máy vi tính hoặc photocopy là không hợp lệ.

- Ở góc trên cùng bên trái bức thư dự thi cần ghi đầy đủ các thông tin: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, dân tộc, địa chỉ trường, lớp, huyện (thị), tỉnh (thành phố), số điện thoại. Bức thư dự thi không ghi đầy đủ các nội dung trên là không hợp lệ.

Hướng dẫn gửi thư dự thi:

- Mỗi bức thư dự thi phải cho vào phong bì có dán tem bưu chính, ghi rõ địa chỉ người gửi, địa chỉ nơi nhận kèm mã bưu chính (11611) và gửi qua hệ thống bưu cục của Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post).

- Phong bì thư cần ghi rõ: Bức thư dự thi Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 54 (năm 2025).

- Nơi nhận bài thi: Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng

Số 5, phố Hòa Mã, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội - 11611

Thời gian nhận bài dự thi: Từ 11.11.2024 đến 5.3.2025 (theo dấu Bưu điện).

Giáo dục

Tổ hợp tự nhiên bị "lép vế" với tổ hợp xã hội: Do công tác hướng nghiệp còn nhiều hạn chế
Giáo dục

Tổ hợp tự nhiên bị "lép vế" với tổ hợp xã hội: Do công tác hướng nghiệp còn nhiều hạn chế

Để giảm thiểu chênh lệch tỷ lệ chọn môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội tại kỳ thi tốt nghiệp THPT, các chuyên gia giáo dục cho biết, quan trọng nhất vẫn là làm tốt công tác hướng nghiệp, định hướng ở các cấp học, giúp học sinh thoát khỏi tâm lý "Học ứng thí - Học để thi".

Sẽ thí điểm giáo dục tài chính cho học sinh
Giáo dục

Sẽ thí điểm giáo dục tài chính cho học sinh

Nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao hiểu biết tài chính, trong khuôn khổ hợp tác giữa UNICEF và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam giai đoạn 2024-2025, một hợp phần về "Thích ứng bộ tài liệu giáo dục tài chính cho học sinh Việt Nam" đã được xây dựng. Bộ tài liệu này sẽ được triển khai thí điểm tại một số tỉnh đại diện cho 6 vùng kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Bảo đảm ngân sách cho công tác dinh dưỡng học đường
Chính trị

Bảo đảm ngân sách cho công tác dinh dưỡng học đường

Từ thực tiễn địa phương, tỉnh Lào Cai kiến nghị Chính phủ quan tâm, tiếp tục bố trí ngân sách cho hoạt động dinh dưỡng học đường trong các chương trình mục tiêu quốc gia; sửa đổi các quy định liên quan như Nghị định số 105/2020/NĐ-CP, Nghị định số 116/2016/NĐ-CP, tăng mức hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú…

Chương trình kỹ sư chuyên sâu đặc thù của Đại học Bách Khoa Hà Nội có gì đặc biệt?
Giáo dục

Chương trình kỹ sư chuyên sâu đặc thù của Đại học Bách Khoa Hà Nội có gì đặc biệt?

Chương trình “Kỹ sư chuyên sâu đặc thù” được thiết kế tích hợp, liên tục giữa bậc đào tạo cử nhân và kỹ sư chuyên sâu đặc thù. Chương trình có thời gian thiết kế 5,5 năm. Người tốt nghiệp được cấp 2 văn bằng tốt nghiệp Cử nhân (4 năm) và Kỹ sư chuyên sâu đặc thù (1,5 năm).

Sứ mệnh của Đại học Quốc gia trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Giáo dục

Sứ mệnh của Đại học Quốc gia trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Sau gần 40 năm Đổi mới và phát triển, đất nước ta đang có một cơ đồ chưa từng có trong lịch sử và đứng trước một vận hội mới, thời cơ mới để thực hiện khát vọng xây dựng một quốc gia hùng cường, một dân tộc phồn vinh. Hơn bao giờ hết, hai Đại học Quốc gia nhận thấy trách nhiệm lớn lao của mình trước kỷ nguyên vươn mình của cả dân tộc.

Kiến nghị có chế độ đãi ngộ đối với trường có học sinh bán trú
Chính trị

Kiến nghị có chế độ đãi ngộ đối với trường có học sinh bán trú

Làm việc với Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục về thực hiện chính sách, pháp luật về dinh dưỡng học đường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở số 2 Tả Phời, xã Tả Phời, TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai, Nguyễn Hữu Dân kiến nghị có chế độ đãi ngộ đối với mô hình trường có học sinh bán trú.

 Khoa Lý luận chính trị Đại học Kinh tế Quốc dân kỷ niệm 40 năm thành lập
Giáo dục

Khoa Lý luận chính trị Đại học Kinh tế Quốc dân kỷ niệm 40 năm thành lập

Sáng 10.12, Khoa Lý luận chính trị, Trường Kinh tế và Quản lý công, Đại học Kinh tế Quốc dân đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4” và chương trình Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Khoa Lý luận chính trị (1984 - 2024).

7 vị trí công tác trong lĩnh vực giáo dục phải thay đổi định kỳ sau 3-5 năm
Giáo dục

7 vị trí công tác trong lĩnh vực giáo dục phải thay đổi định kỳ sau 3-5 năm

Các vị trí "tuyển sinh, đào tạo; phân bổ chỉ tiêu, quản lý tuyển sinh; thẩm định, phê duyệt chương trình đào tạo; thẩm định tài liệu giáo dục địa phương; Thẩm định hồ sơ thành lập cơ sở giáo dục; quản lý đề án, dự án; phân bổ, thẩm định đề tài nghiên cứu khoa học"... sẽ cần phải thay đổi định kỳ theo quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hơn 15.000 sinh viên Trường Đại học Phenikaa "bùng nổ" cảm xúc trong đêm Đại nhạc hội Into the Colorverse
Giáo dục

Hơn 15.000 sinh viên Trường Đại học Phenikaa "bùng nổ" cảm xúc trong đêm Đại nhạc hội Into the Colorverse

Với sân khấu hoành tráng, quy tụ dàn khách mời nổi tiếng như MONO, Captain Boy,... Into the Colorverse - Đại nhạc hội chào tân sinh viên K18 Trường Đại học Phenikaa tối 8.12 đã đem đến những phần trình diễn đầy cảm xúc, để lại dấu ấn khó quên trong lòng khán giả và thu hút 15.000 sinh viên tham dự.

TP. Hồ Chí Minh đầu tư quỹ đất phát triển các dự án giáo dục
Giáo dục

TP. Hồ Chí Minh đầu tư quỹ đất phát triển các dự án giáo dục

Tại hội nghị triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, TP. Hồ Chí Minh có 69 quỹ đất giáo dục để đầu tư phát triển các dự án giáo dục đào tạo.