Dự thảo đang trong quá trình xây dựng, xin ý kiến để hoàn thiện. Quy chế mới sẽ được áp dụng từ mùa tuyển sinh năm 2025.
Thí sinh sử dụng kết quả học tập để xét tuyển phải dùng kết quả cả năm lớp 12
Theo Dự thảo Thông tư, cơ sở đào tạo quyết định một hoặc một số phương thức tuyển sinh (thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển với xét tuyển), áp dụng chung cho cả cơ sở đào tạo hoặc áp dụng riêng cho một số chương trình, ngành, nhóm ngành và hình thức đào tạo. Một chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số phương thức tuyển sinh.
Mỗi phương thức tuyển sinh phải quy định rõ các tiêu chí đánh giá, xét tuyển và cách thức sử dụng kết hợp các tiêu chí để phân loại, xếp hạng và xác định điều kiện trúng tuyển đối với thí sinh theo yêu cầu của chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo. Tiêu chí đánh giá, xét tuyển phải dựa trên yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để theo học chương trình, ngành đào tạo.
Điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo.
Đối với phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả học tập, kết quả thi theo từng môn (bao gồm điểm tổng kết các môn học cấp THPT, điểm thi các môn tốt nghiệp THPT, các chứng chỉ ngoại ngữ và các kết quả đánh giá khác), Bộ GD-ĐT quy định, tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo, trong đó phải có môn Toán hoặc Ngữ văn với trọng số đánh giá chiếm ít nhất 1/3 tổng điểm.
Một chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số tổ hợp môn để xét tuyển, khi đó số môn chung của các tổ hợp phải có trọng số đánh giá chiếm ít nhất 50% tổng điểm.
Trường hợp sử dụng kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển thì phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh.
Cách thức quy đổi điểm xét đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo phải bảo đảm mỗi thí sinh đều có cơ hội đạt mức điểm tối đa, đồng thời không thí sinh nào có điểm xét vượt quá mức điểm tối đa (tính cả các điểm ưu tiên, điểm thưởng, điểm khuyến khích).
Cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và việc quy đổi tương đương điểm xét, điểm trúng tuyển; trong đó phải dựa trên phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hằng năm.
Ngưỡng đầu vào đối với ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe
Về ngưỡng đầu vào đối với ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề cho các phương thức tuyển sinh đào tạo, Bộ GD-ĐT quy định kết quả học tập trong cả 3 cấp THPT xếp mức Tốt trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8,0 trở lên.
Đối với các ngành Giáo dục thể chất, Sư phạm âm nhạc, Sư phạm mỹ thuật; ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng và các ngành Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, kết quả học tập trong cả 3 năm cấp THPT cần xếp mức Khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên.
Với thí sinh đã tốt nghiệp trình độ trung cấp trở lên cùng nhóm ngành dự tuyển được áp dụng quy định ngưỡng đầu vào như sau:
Đối với thí sinh dự tuyển vào đại học nhóm ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, ngưỡng đầu vào được áp dụng một trong các tiêu chí sau: Học lực 3 năm cấp THPT đạt loại giỏi (mức Tốt) trở lên hoặc điểm trung bình chung các môn văn hóa cấp THPT đạt từ 8,0 trở lên; Tốt nghiệp THPT loại giỏi trở lên hoặc học lực cấp THPT đạt loại khá (mức Khá) và có 3 năm kinh nghiệm công tác đúng với chuyên môn đào tạo; Tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học đạt loại giỏi trở lên; Tốt nghiệp trình độ trung cấp, hoặc trình độ cao đẳng hoặc trình độ đại học đạt loại khá và có 3 năm kinh nghiệm công tác đúng với chuyên môn đào tạo.
Đối với thí sinh dự tuyển vào đại học các ngành Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất, ngưỡng đầu vào được áp dụng một trong các tiêu chí sau: Học lực cấp THPT đạt loại khá (mức Khá) hoặc điểm trung bình chung các môn văn hóa cấp THPT đạt từ 6,5 trở lên; Tốt nghiệp THPT loại khá, hoặc có học lực cấp THPT đạt loại trung bình (mức Đạt) và có 5 năm kinh nghiệm công tác đúng với chuyên môn đào tạo; Tốt nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng, trình độ đại học đạt loại khá trở lên.
Chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành
Về vấn đề tổ chức đăng ký và xét tuyển sớm, theo quy định mới, cơ sở đào tạo có thể tổ chức xét tuyển sớm theo phương thức phù hợp để tuyển chọn những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội.
Chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo; bảo đảm điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm (sau khi quy đổi tương đương) không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung.
Cơ sở đào tạo tổ chức xét tuyển cho những thí sinh đã hoàn thành thủ tục dự tuyển, công bố công khai danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển; số lượng thí sinh được thông báo trúng tuyển không vượt chỉ tiêu xét tuyển sớm đã công bố của mỗi ngành, nhóm ngành đào tạo; không được yêu cầu thí sinh cam kết, xác nhận nhập học sớm hơn lịch trình theo kế hoạch chung theo bất cứ hình thức nào. Cơ sở đào tạo công bố và đưa danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) lên hệ thống để xử lý nguyện vọng cùng với các phương thức xét tuyển khác theo kế hoạch chung.
Về vấn đề đăng ký xét tuyển trên hệ thống theo kế hoạch chung, Bộ GD-ĐT hỗ trợ tổ chức đăng ký xét tuyển đợt 1 đào tạo chính quy cho tất cả phương thức tuyển sinh của các cơ sở đào tạo. Điểm mới là thời gian đăng ký bắt đầu sau kỳ thi tốt nghiệp THPT và kết thúc sau khi có kết quả thi và xét tốt nghiệp THPT. Trước đó, tại các mùa tuyển sinh trước, thời gian đăng ký sau khi có kết quả thi và xét tốt nghiệp THPT.
Thí sinh thể hiện nguyện vọng của mình qua những lựa chọn trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung (theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT) như sau: Thứ tự ưu tiên của nguyện vọng (số 1 thể hiện nguyện vọng cao nhất); Lựa chọn cơ sở đào tạo, đơn vị tuyển sinh (mã trường); Lựa chọn chương trình, ngành hoặc nhóm ngành đào tạo (mã xét tuyển).
Sau khi kết thúc thời gian đăng ký nguyện vọng trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung, cơ sở đào tạo tải thông tin, dữ liệu từ hệ thống bao gồm: dữ liệu đăng ký nguyện vọng, kết quả học tập cấp THPT, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả thi của các cơ sở đào tạo tổ chức thi trong năm tuyển sinh của những thí sinh dự tuyển để phục vụ xét tuyển.
Tất cả thí sinh được xét chọn bình đẳng theo điểm xét quy đổi tương đương
Về quy định xét tuyển và xử lý nguyện vọng theo kế hoạch chung, theo Dự thảo Thông tư, điểm trúng tuyển được cơ sở đào tạo xác định theo thang điểm thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo (trên cơ sở quy đổi tương đương điểm xét) phù hợp với chỉ tiêu đã công bố, nhưng không thấp hơn ngưỡng đầu vào.
Đối với một chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo, tất cả thí sinh được xét chọn bình đẳng theo điểm xét quy đổi tương đương, không phân biệt phương thức xét tuyển, thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký. Trường hợp nhiều thí sinh có cùng điểm xét ở cuối danh sách, cơ sở đào tạo có thể sử dụng tiêu chí phụ là thứ tự nguyện vọng (để xét chọn những thí sinh có thứ tự nguyện vọng cao hơn).
Liên quan đến trách nhiệm của cơ sở đào tạo trong công tác xét tuyển, Bộ GD-ĐT quy định cơ sở đào tạo cung cấp đầy đủ thông tin, tư vấn và hướng dẫn thí sinh, không để thí sinh đăng ký dự tuyển vào một chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo mà không đủ điều kiện; chịu trách nhiệm và chủ động giải quyết việc thí sinh được chuyển đến hoặc chuyển đi do sai sót trong tuyển sinh.