2 chức năng song hành
Cách đây không lâu, trong lúc truyền hình trực tiếp phiên họp của Nghị viện, truyền thông Iceland đã “bắt kịp” một cảnh tượng đặc biệt: Nữ Nghị sĩ Unnur Brá Konráðsdóttir thuộc đảng Độc lập trung hữu vừa cho con bú, vừa đứng phát biểu về dự thảo Luật Nhập cư, do đã đến lượt bà phát biểu mà cô con gái 6 tháng vẫn chưa no. Theo bà Konráðsdóttir - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp và Giáo dục của Nghị viện, việc làm này giúp hạn chế tối đa gây mất trật tự trong phiên họp bởi không đứa trẻ nào chịu nín nhịn khi phải dừng bữa ăn một cách đột xuất.
Thực tế, con gái của Nghị sĩ Konráðsdóttir đã cùng mẹ tới nghị trường kể từ khi chào đời và chưa có bất kỳ sự cố nào xảy ra cả trong phiên họp của Ủy ban lẫn Nghị viện. Mặc dù các nước Bắc Âu có thái độ khá thoải mái về việc người mẹ thực hiện thiên chức này tại nơi công cộng, song đây là trường hợp đầu tiên tại Nghị viện.
Hành động tương tự Konráðsdóttir, nữ Nghị sĩ Carolina Bescansa, từng là ứng viên cho chức Chủ tịch Hạ viện hồi đầu năm nay cũng gây xôn xao dư luận. Cô ôm con trai 5 tháng tuổi trong lòng suốt buổi họp và thậm chí bế cậu bé cùng đi bỏ phiếu bầu Chủ tịch Hạ viện tại phiên khai mạc Nghị viện Tây Ban Nha hôm 13.1.2016.
Trước đó, tháng 7.2015, nữ nghị sĩ Argentina Victoria Donda Perez cũng gây sốt trên mạng xã hội sau khi hình ảnh cô cho con bú trong phiên họp của Nghị viện ở thủ đô Buenos Aires được lan truyền và nhận nhiều bình luận ủng hộ của cộng đồng.
Nghị sĩ Tây Ban Nha Carolina Bescansa |
Quy chuẩn của phép lịch sự?
Perez, Bescansa và Konráðsdóttir không phải những trường hợp đầu tiên trở thành tâm điểm với việc đưa con nhỏ tới họp Nghị viện. Năm 2003, nữ chính trị gia người Australia, Kirstie Marshall được yêu cầu rời khỏi phòng họp vì cho con gái 11 ngày tuổi bú. Năm 2010, Nghị sĩ Italy Licia Ronzulli đưa con gái một tháng tuổi tới phiên họp của Nghị viện châu Âu. Năm 2012, Nữ nghị sĩ vùng Catalonia Iolanda Pineda cũng tới dự phiên họp của Thượng viện Tây Ban Nha cùng đứa con nhỏ của mình.
Trước những hình ảnh được lan truyền trên mạng về họ, đã có nhiều ý kiến bình luận từ cộng đồng. Đa số nhận định, không có gì tốt và “tự nhiên nhất” bằng việc cho đứa bé được ở trong vòng tay người mẹ. Nhưng cũng có câu hỏi về quy chuẩn của phép lịch sự. Nhiều người lập luận, Nghị viện không thực sự là nơi thích hợp để cho con bú. Bình luận trước hình ảnh Nữ nghị sĩ Argentina Victoria Donda Perez, một số người cho rằng, nữ nghị sĩ có thể cho con bú tại nghị trường nhưng nên dùng một loại áo đặc biệt chứ không thể đương nhiên phơi bày da thịt trước công chúng, bởi đó là phép lịch sự. Song, điểm mấu chốt nằm ở mục đích của những hành động trên. Hành động của người mẹ cho con bú tại nơi công cộng không đáng bị lên án bởi nó nhằm mục đích tốt, ít nhất là đáp ứng nhu cầu của đứa trẻ mà cô ấy sinh ra.
Hãy chấp nhận
Sự kiện năm 2003, nữ chính trị gia Australia Kirstie Marshall được yêu cầu rời khỏi phòng họp vì cho con gái 11 ngày tuổi bú, cho thấy sự không ủng hộ đối với hành động đó của Nghị viện Australia trong quá khứ. Song gần đây, cơ quan lập pháp của đất nước kangaroo đã chấp nhận sửa đổi quy định, cho phép nghị sĩ cho con bú trực tiếp hoặc bú bình tại phòng họp Hạ viện.
Thống kê do tờ AP trích dẫn cho thấy, hiện Hạ viện Australia có 40 nữ nghị sĩ trên tổng số 150 thành viên lập pháp. Trong đó 3 nghị sĩ nữ đang nuôi con từ 3 tháng tuổi. Trước đây, những đứa trẻ thường bị giới hạn ở văn phòng làm việc hoặc khu hoạt động chung của trụ sở Hạ viện. Tuy nhiên, quy định trên chưa được áp dụng tại Thượng viện, nơi Thượng nghị sĩ Sarah Hanson-young từng gây tranh cãi năm 2009 khi đưa con gái 2 tuổi tới phiên bỏ phiếu.
Tại Anh - nơi các nghị sĩ từng kêu gọi ban hành luật cấm các bà mẹ nghị sĩ cho con bú tại Nghị viện cũng đã có những thay đổi tư duy rõ rệt. Cụ thể, các nhà lập pháp đã thông qua Luật Bình đẳng năm 2010, bảo vệ phụ nữ cho con bú tại nơi công cộng khỏi các hình thức phân biệt đối xử. Luật nêu rõ, sẽ là bất hợp pháp nếu yêu cầu phụ nữ đang cho con bú rời khỏi nơi công cộng như quán cafe, trung tâm mua sắm, xe buýt, tàu điện ngầm, nhà hát, rạp chiếu phim… hay đề nghị cô ấy dừng cho con bú hoặc từ chối phục vụ phụ nữ này.
Tại một số quốc gia như Đức, hiện chưa có luật bảo vệ người mẹ cho con bú ở nơi công cộng, song rất nhiều người đang kêu gọi các nhà lập pháp xây dựng luật này..