Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Thị Minh Thanh:
Tăng cường “hậu kiểm”, ứng dụng công nghệ thông tin
Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan cần sớm xây dựng khung pháp lý rõ ràng, phân định trách nhiệm của từng bộ, từng ngành, tránh chồng chéo. Khối doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp Việt Nam, do đó, chỉ cần một tác động nhỏ cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến những doanh nghiệp này.
![](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/7e2436bc5adb1ff93ce50a6461ba992e356d1f9be04f3bb0c8eb364ca39f04b3a9d2a484659a2463a3c73827885e740984a7f0e98f6d1708ff7d5d6c30c8863e/140120250452-dsc-4685.jpg)
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục, tăng cường “hậu kiểm” và ứng dụng công nghệ thông tin để việc kiểm tra được nhanh gọn. Đồng thời, cần thành lập cơ chế phối hợp liên ngành, trong đó Tổng cục Hải quan đóng vai trò điều phối để tạo sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ, ngành. Đôi khi để thông quan một lô hàng phải chờ ý kiến của rất nhiều bộ, ban, ngành; mà đối với các doanh nghiệp thì thời gian chờ đợi 1 - 2 ngày cũng là vấn đề lớn.
Đơn cử như trong Hội Nữ doanh nhân doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, quãng thời gian 2 năm vừa qua gặp rất nhiều khó khăn. Nhìn dưới góc độ người tiêu dùng, vấn đề kiểm tra liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ là bắt buộc để đáp ứng yêu cầu và bảo vệ người tiêu dùng. Song, dưới góc độ của doanh nghiệp, thì đó thực sự cũng là một rào cản rất lớn. Do đó, các cơ quan quản lý cần sớm đưa ra giải pháp hữu hiệu nhất, bảo đảm vừa nhanh gọn, cắt giảm thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, vừa bảo đảm chất lượng sản phẩm khi phân phối đến người tiêu dùng.
Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan tiếp tục đẩy mạnh đối thoại với doanh nghiệp; yếu tố “linh hoạt", "uyển chuyển” cũng cần được vận dụng, vì đôi khi máy móc, nguyên tắc quá thực sự cũng rất khó khăn cho doanh nghiệp.
ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum):
Có thể cắt giảm thủ tục hành chính nữa hay không?
Qua báo cáo của Bộ Tài chính, tôi rất ghi nhận những nỗ lực của ngành hải quan trong cải cách thủ tục hành chính thời gian qua. Hiện nay, theo số liệu của báo cáo, bộ thủ tục hành chính lĩnh vực hải quan bao gồm 225 thủ tục hành chính, trong đó, có 77 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, cơ quan khác ở Trung ương; 30 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Cục Hải quan tỉnh, thành phố; 147 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Chi cục Hải quan.
![](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/7e2436bc5adb1ff93ce50a6461ba992e356d1f9be04f3bb0c8eb364ca39f04b3de76298043409f1248ca2e803210beb684a7f0e98f6d1708ff7d5d6c30c8863e/140120250455-dsc-4638.jpg)
Tuy nhiên, phản ánh của doanh nghiệp cho thấy, thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà. Ngay trong báo cáo cũng nêu rõ “quy định về trình tự, thủ tục vẫn còn phức tạp”. Như vậy, có thể thấy, những ý kiến phản ánh của doanh nghiệp là có cơ sở. Vậy, sắp tới, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan có thể cắt giảm số lượng thủ tục hành chính được nữa hay không? Dư địa để tiếp tục cắt giảm còn nữa không để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp?
Mặt khác, trong 225 thủ tục hành chính này có một số thủ tục được ban hành dưới hình thức không phải văn bản quy phạm pháp luật, như: Công văn số 185 ngày 1.2.2021 của Cục Chăn nuôi quy định về quản lý đối với giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi. Vậy, những thủ tục hành chính được quy định trong các văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật, thì có phù hợp không? Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan có kiến nghị như thế nào với vấn đề này?
Trưởng phòng Môi trường kinh doanh, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Lê Thanh Hà:
Doanh nghiệp đề xuất tiếp tục giảm số mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành
Từ nhiều năm nay Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổng cục Hải quan đã hợp tác, có nhiều hoạt động, như tổ chức đối thoại doanh nghiệp hải quan thường niên, tham gia vào quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp pháp luật của Bộ Tài chính và ngành hải quan nói riêng, lĩnh vực xuất nhập khẩu nói chung.
![](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/7e2436bc5adb1ff93ce50a6461ba992e356d1f9be04f3bb0c8eb364ca39f04b3694aa488b3a7fccc03426248832649d384a7f0e98f6d1708ff7d5d6c30c8863e/140120250453-dsc-4679.jpg)
Đặc biệt, từ năm 2012 đến 2022, VCCI đã phối hợp rất chặt chẽ với Tổng cục Hải quan trong triển khai khảo sát chuyên sâu để đánh giá việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, kiểm tra chuyên ngành để xem xét, làm rõ hơn thủ tục của cơ quan, lĩnh vực nào đang gây khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Trong 3 năm gần đây, theo đặt hàng của Bộ Tài chính, VCCI đã có những đánh giá nhanh về việc thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu đối với cộng đồng doanh nghiệp. Theo kết quả mới nhất với sự phản hồi từ khoảng 6.800 doanh nghiệp đang hoạt động trên toàn quốc, tỷ lệ đánh giá của năm 2024 cơ bản tích cực hơn năm 2023. Tuy nhiên, ở khía cạnh liên quan đến chi phí không chính thức trong quá trình thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu, có 22% số doanh nghiệp thừa nhận phải trả chi phí này, tăng so với năm 2023.
Liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, trong báo cáo VCCI hợp tác với Tổng cục Hải quan năm 2022 để thực hiện theo yêu cầu của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899), khoảng 59% số doanh nghiệp cho biết gặp ít nhất một khó khăn nào đó trong quá trình tuân thủ các thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Trong đó, phổ biến nhất là nội dung kiểm tra chồng chéo, trùng lặp; thái độ của cán bộ, công chức còn chưa đúng mực; bị yêu cầu thông tin, giấy tờ ngoài quy định. Qua đó, đề xuất các cơ quan chức năng tiếp tục giảm số mặt hàng và số lô hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành.
Đối với hệ thống một cửa quốc gia, chức năng cần cải thiện nhiều nhất thuộc về các tiện ích bổ sung như: tệp tài liệu tải lên để tra cứu thông tin, chức năng hỏi đáp vướng mắc...
Những con số khảo sát là những con số biết nói, là tâm tư cộng đồng doanh nghiệp mong muốn chuyển tới Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan để tiếp tục có giải pháp phù hợp trong cải cách thủ tục hành chính về hải quan.