ĐBQH Nguyễn Minh Đức (TP. Hồ Chí Minh): Phân định rõ loại hình nghiên cứu khoa học, công nghệ được áp dụng cơ chế chấp nhận rủi ro
Dự thảo Nghị quyết tập trung đề xuất các cơ chế, chính sách trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trong đó có các cơ chế, chính sách nhằm phát triển khoa học, công nghệ; thúc đẩy cơ chế đầu tư, tài chính trong hoạt động khoa học, công nghệ; phát triển thị trường khoa học, công nghệ; đầu tư, thuê, mua sắm, đấu thầu phục vụ hoạt động chuyển đổi số; hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp tham gia phát triển nhanh hạ tầng mạng 5G; phát triển các tuyến cáp viễn thông kết nối quốc tế trên biển…

Đối tượng và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết rộng quá, chưa cụ thể hoá được những cơ chế, chính sách cần tập trung tháo gỡ vướng mắc gì trong thực tế hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Điều 6 dự thảo Nghị quyết cho phép áp dụng cơ chế chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Luật Thủ đô đã có điều luật quy định về cơ chế chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp cũng có điều luật quy định rất rõ, cụ thể vấn đề này.
Đề nghị cơ quan soạn thảo cần “khoanh lại”, chỉ cho phép áp dụng cơ chế chấp nhận rủi ro trong những hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm đối với những nội dung mới, còn đối với hoạt động nghiên cứu mang tính ứng dụng cao hoặc hoạt động nghiên cứu mang tính xã hội, mức độ rủi ro thấp thì không nên áp dụng, tránh cào bằng và lãng phí ngân sách nhà nước. Do đó, cần phân loại và phân định rõ các loại hình nghiên cứu khoa học, công nghệ.
Trong hoạt động khoa học, công nghệ, vướng mắc lớn nhất hiện nay là thủ tục đầu tư, giải ngân rất phức tạp, thậm chí việc làm các thủ tục giải ngân cho đề tài khoa học còn vất vả hơn cả việc nghĩ ra những ý tưởng mới, giải pháp mới cho đề tài khoa học. Do đó, dự thảo Nghị quyết cần có cơ chế như thế nào để tháo gỡ được vướng mắc này.
Dự thảo Nghị quyết đưa ra nhiều cơ chế, chính sách nhằm huy động, sử dụng nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia nhưng chưa có điều khoản nào cho phép những cá nhân, tổ chức Việt Nam, cả ở trong nước và nước ngoài, không sử dụng ngân sách nhà nước mà tự bỏ tiền túi ra để độc lập nghiên cứu và muốn cống hiến cho Tổ quốc, đem sản phẩm, kết quả nghiên cứu ứng dụng cho sự phát triển của đất nước, thì cần có cơ chế như thế nào để thu hút nhân tài, tránh "chảy máu" chất xám trong hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
ĐBQH Lê Văn Khảm (Bình Dương): Có cơ chế khen thưởng nhà khoa học trong thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu
Điều 6 dự thảo Nghị quyết quy định về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là hết sức cần thiết, bởi hiện nay chính vì lo ngại rủi ro trong hoạt động khoa học mà các nhà khoa học hạn chế việc nghiên cứu khoa học.

Cụ thể, Điều này quy định “Tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, mặc dù đã thực hiện đầy đủ quy trình, quy định về nghiên cứu khoa học”.
Theo tôi, cần bổ sung nội dung không chỉ xảy ra thiệt hại cho Nhà nước mà các tổ chức và cá nhân khác cũng có thể trực tiếp hoặc gián tiếp bị thiệt hại do các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Và những thiệt hại xảy ra đó được bù đắp hoặc xử lý như thế nào? Nên chăng có một cơ chế để bù đắp những thiệt hại đó thông qua việc khuyến khích bảo hiểm cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ?
Cũng tại Điều này có quy định “Tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước trong quá trình triển khai đã thực hiện đầy đủ các quy định, quy trình nghiên cứu, nội dung thuyết minh nhưng không đi đến kết quả như dự kiến thì không phải trả lại kinh phí đã sử dụng”. Tôi đề nghị, nên điều chỉnh cụm từ “không đi đến kết quả như dự kiến” theo hướng “không thể tiếp tục được", "kết quả không như dự kiến ban đầu", "kết quả khác với kết quả ban đầu”. Bên cạnh đó, cần bổ sung trong dự thảo Nghị quyết những nguyên tắc, công cụ nhằm kiểm soát sự lạm dụng, tình trạng trục lợi chính sách, qua đó góp phần bảo vệ danh dự và sự liêm chính của các nhà khoa học; có cơ chế khen thưởng với nhà khoa học trong thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.
ĐBQH Vương Quốc Thắng (Quảng Nam): Cần bổ sung chính sách khuyến khích doanh nghiệp FDI chuyển dịch trung tâm nghiên cứu và phát triển vào Việt Nam
Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là trụ cột và động lực to lớn cho mỗi quốc gia phát triển nhanh và bền vững. Việc tháo gỡ các vướng mắc trong cơ chế, chính sách, khơi thông nguồn lực, thu hút và phát triển nguồn nhân lực để phát triển khoa học, công nghệ cần quan tâm đến việc đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục đại học nhằm phát triển nguồn lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Chính phủ Trung Quốc, Hàn Quốc đã triển khai đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục nói chung, trong đó tập trung đầu tư cho giáo dục đại học, coi đây là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế và khoa học công nghệ.
Từ 2 bài học kinh nghiệm trên cho thấy, đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cần gắn với đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, tức là, tập trung đầu tư cho giáo dục đại học - nơi đào tạo đội ngũ nhân lực sáng tạo và nhân lực thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, xây dựng các chiến lược, chương trình, dự án cho khoảng 10 năm, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ chiến lược, phát huy nguồn lực từ nhà nước và toàn xã hội.
Về dự thảo Nghị quyết, theo tôi nên nghiên cứu bổ sung các chính sách đột phá để thúc đẩy hợp tác giữa cơ quan nhà nước, trường đại học và doanh nghiệp, và coi đây là động lực quan trọng trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế đất nước.
Bên cạnh các chính sách được nêu trong nghị quyết, cần bổ sung chính sách về thu hút, phát triển và nâng cao năng lực hoạt động cho đội ngũ các nhà quản lý khoa học, nhà khoa học, đặc biệt cần đề cập đến các kịch bản phát triển của đất nước trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Cũng nên cân nhắc có các cơ chế thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học từ cấp phổ thông trung học đến đại học nhằm khơi tạo niềm đam mê nghiên cứu khoa học và ươm tạo các nhà khoa học trẻ ngay từ môi trường phổ thông trung học và đại học, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực dồi dào cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, tại dự thảo Nghị quyết cũng cần cân nhắc bổ sung cơ chế, chính sách huy động hiệu quả hơn nguồn lực to lớn từ xã hội, đặc biệt là chính sách khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài chuyển dịch trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới sang Việt Nam. Như vậy, sẽ thu hút được cả nguồn lực và nhân lực từ các doanh nghiệp nước ngoài, góp phần thúc đẩy phát triển các hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo ở nước ta.
Lê Bình - Thanh Chi - Minh Trang ghi