Sẽ linh hoạt, kịp thời điều chỉnh chính sách
Cho ý kiến với dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) tại phiên họp toàn thể chiều nay, 13.2, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cơ bản đồng tình với nhiều nội dung mới, được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật trình Quốc hội lần này. Nhiều quy định mới được cho là sẽ góp phần nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong thời gian tới.
Đáng chú ý, tại khoản 1, Điều 39, dự thảo Luật quy định, Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo luật, nghị quyết tại một kỳ họp; trường hợp dự thảo chưa được thông qua, thì Quốc hội xem xét, quyết định lùi thời điểm thông qua để tiếp tục hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tiếp theo hoặc trình lại.
![Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (Hà Nam) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển dbnd_tl_db-vankhai.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/3f058b6c6b27d3551d8611e329d17b5a9eb8e8249bd4991ebf169ac70506975907bec28a5316862910eef19ba326c81e/dbnd_tl_db-vankhai.jpg)
Quy định tại Điều 39 là một "sự thay đổi rất lớn và bứt phá", nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng pháp luật, phù hợp với yêu cầu cải cách lập pháp và hành chính, thực hiện nghiêm chủ trương của Trung ương, của Đảng, Nhà nước cũng như chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trong việc đổi mới tư duy trong công tác lập pháp của Quốc hội trong Công thư 15/CT-CTQH và Công thư 17/CT-CTQH. Khẳng định điều này, ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam) nêu rõ, quy định về quy trình lập pháp rút gọn (thông qua trong một kỳ họp) là bước bứt phá trong công tác lập pháp của Quốc hội Khóa XV, sẽ tạo ra những tiến bộ lớn, hiệu quả cao trong công tác lập pháp.
Theo đó, việc cho phép thực hiện quy trình lập pháp rút gọn sẽ tạo ra sự linh hoạt và kịp thời trong điều chỉnh chính sách, phù hợp với những dự án luật mang tính cấp bách, cần phản ứng nhanh với thực tiễn, giảm nguy cơ luật chậm ban hành, ảnh hưởng đến công tác quản lý và điều hành. Cùng với đó, quy định này cũng giảm áp lực hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, vì sẽ cắt giảm một bước trình Quốc hội, giúp giảm tải công việc cho các cơ quan lập pháp, tạo điều kiện để Quốc hội tập trung vào những nội dung quan trọng nhất của dự án luật. Đồng thời, tiết kiệm chi phí và nhân lực do giảm bớt các cuộc họp, hội nghị, thủ tục rà soát lặp đi lặp lại.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Khải cũng thẳng thắn chỉ rõ, khi một dự án luật được thông qua trong một kỳ họp, tức là rút gọn từ 12 tháng xuống còn 6 tháng sẽ đặt ra 4 thách thức. Đó là thách thức về chất lượng lập pháp có nguy cơ giảm do rút ngắn thời gian; thiếu thời gian phản biện và lấy ý kiến xã hội; áp lực lớn lên các cơ quan lập pháp; nguy cơ không bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Để xử lý hiệu quả 4 thách thức nêu trên, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị, cần xây dựng quy trình thẩm định nghiêm ngặt trước khi trình Quốc hội; tăng cường vai trò của Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội trong việc thẩm tra nội dung dự thảo luật, dự thảo nghị quyết. Bổ sung quy trình tham vấn từ sớm, ngay từ khi xây dựng chính sách; yêu cầu bắt buộc tổ chức hội thảo, lấy ý kiến rộng rãi trong ít nhất 60 ngày. Cùng với đó, tăng cường năng lực tài chính và nhân sự cho cơ quan soạn thảo và thẩm định, thẩm tra luật; xây dựng cơ chế hỗ trợ kỹ thuật, như ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong phân tích dữ liệu pháp luật; xây dựng cơ sở dữ liệu liên kết giữa các bộ luật để tránh mâu thuẫn, chồng chéo; Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm chính trong việc rà soát dự thảo thật kỹ trước khi trình Quốc hội….
![ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: Hồ Long dbqh-pham-van-hoa-dong-thap-1.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/3f058b6c6b27d3551d8611e329d17b5a4d66abbb5a3168df80a0d2467a92df7ab52a2d14ad2e94d23bda676cd9ca200ba5722ff9d1f3845f86c814cb099e7dd7/dbqh-pham-van-hoa-dong-thap-1.jpg)
Tán thành với định hướng đổi mới quy trình lập pháp, song ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng chỉ rõ, cần quan tâm xây dựng chương trình kỳ họp để bảo đảm các ĐBQH khi quan tâm đến dự thảo luật, dự thảo nghị quyết đều được phát biểu, tranh luận tại các phiên họp toàn thể của Quốc hội. “Khi không thảo luận thêm một kỳ họp, thì phải thiết kế chương trình họp để có thời gian cho tất cả đại biểu có ý kiến đóng góp đều được phát biểu. Và, bảo đảm các nội dung trong dự thảo được cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình kỹ lưỡng, tạo sự thống nhất cao khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua”, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị.
Cân nhắc việc “đổi vai” thực hiện tham vấn chính sách
Việc bổ sung khái niệm tham vấn chính sách (khoản 4, Điều 3) và quy định về tham vấn chính sách (tại các Điều 6, 30 và 68) là một điểm mới của dự thảo Luật so với Luật hiện hành.
![ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Hồ Long dbqh-vu-thi-luu-mai-ha-noi.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/3f058b6c6b27d3551d8611e329d17b5a3e9e68ed4c7261112bf7cdcd713386a7a9e9d5e5df96fb41de4bb1991ce8fe6174afbd396b49a0c8559e277e07813d70/dbqh-vu-thi-luu-mai-ha-noi.jpg)
Tuy nhiên, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) băn khoăn với quy định tại khoản 2, Điều 30, đó là trên cơ sở đề xuất của cơ quan lập đề xuất chính sách và theo phạm vi, lĩnh vực phụ trách, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội chủ trì phối hợp với cơ quan khác của Quốc hội có liên quan tổ chức hội nghị tham vấn chính sách. Tại hội nghị tham vấn, lãnh đạo cơ quan lập đề xuất chính sách thuyết trình và giải trình các vấn đề liên quan đến chính sách. Văn bản về kết quả tham vấn chính sách được gửi đến cơ quan lập đề xuất chính sách chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ.
Tán thành với sự cần thiết bổ sung các quy định về tham vấn tại dự thảo Luật, song đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, nếu áp dụng quy định này với các Ủy ban của Quốc hội là chưa hợp lý vì nhiều lý do. Cụ thể, tại Điều 75, Điều 76 của Hiến pháp khi quy định về chức năng, nhiệm vụ của các Ủy ban, thì chỉ quy định chức năng thẩm tra, giám sát, không quy định trách nhiệm tham vấn đối với các vấn đề nêu trong dự thảo.
Quy định này cũng không phù hợp với Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành cũng như dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội trình tại kỳ họp này và dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, do cả ba văn bản này đều chỉ quy định về chức năng thẩm tra mà không quy định về hoạt động tham vấn đối với các cơ quan của Quốc hội.
![Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long doan-hai-phong.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/c6b8207458d670fd53ca5d13d329a300f0be4e8d3fe4e57a3a631e1bddd2e9fc433297000074dab485c8bf6e33289d97/doan-hai-phong.jpg)
Nhấn mạnh “quy trình lấy ý kiến hoàn thiện chính sách trước khi trình Quốc hội là trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, quy định này sẽ dẫn đến các Ủy ban của Quốc hội có thêm trách nhiệm không đúng với chức năng, nhiệm vụ của mình”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị, cần cân nhắc bỏ quy định về trách nhiệm tham vấn chính sách đối với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Việc tham vấn là cần thiết, nhưng đó chỉ là tham vấn từ các chuyên gia, nhà khoa học, cá nhân ĐBQH, không nên tạo ra một quy trình chung cho các cơ quan của Quốc hội.
Về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, việc tham vấn các ĐBQH cũng cần, nhưng không nhất thiết phải lấy nhiều vì các ĐBQH đã tham gia thảo luận tại tổ và hội trường. Các cơ quan soạn thảo nên lấy ý kiến rộng rãi, đặt mục tiêu doanh nghiệp và người dân là trên hết, bảo đảm những đối tượng chịu tác động của dự thảo luật đều được lấy ý kiến.
Giải trình tại phiên họp về nội dung nêu trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh khẳng định, tham vấn chính sách đóng vai trò rất quan trọng, là cơ sở để quy phạm hóa chính sách, hay nói cách khác là căn cứ để dịch từ chính sách sang ngôn ngữ pháp lý là dự thảo luật. Chất lượng chính sách sẽ quyết định đến chất lượng của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, việc bổ sung quy định về tham vấn chính sách tại dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) là rất cần thiết và cũng là điểm mới của dự thảo Luật so với Luật hiện hành.
Khẳng định với tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng”, Bộ trưởng cho biết, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với Ủy ban Pháp luật tiếp thu ngay đề nghị của ĐBQH về việc không được “đổi vai” thực hiện tham vấn chính sách, tức là bỏ quy định tại khoản 2, Điều 30, dự thảo Luật. “Cơ quan đề xuất chính sách sẽ chủ trì việc tham vấn chính sách đối với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban Quốc hội có quyền yêu cầu cơ quan đề xuất chính sách mời các đối tượng có liên quan đến để bảo đảm hội nghị tham vấn này thực chất”, Bộ trưởng nói.