ĐBQH Trần Quốc Nam (Ninh Thuận):
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận - một trong những điển hình thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW
Từ khi có Nghị quyết 41 của Quốc hội khóa XII năm 2009 về đầu tư 2 nhà máy điện hạt nhân đến nay đã hơn 15 năm, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Ninh Thuận luôn luôn sẵn sàng tâm thế để triển khai thực hiện dự án. 15 năm qua, Nhân dân vùng lõi của dự án đang chờ đợi, sẵn sàng bàn giao mặt bằng nhà ở, đất sản xuất, sinh kế cho Nhà nước để triển khai thực hiện dự án. Bà con vùng dự án chỉ có đề đạt nguyện vọng là nơi ở mới phải được tốt hơn và tốt nhất có thể, đời sống của bà con nhân dân không phải chỉ hôm nay và các thế hệ mai sau phải thật sự ổn định, ấm no và hạnh phúc, như lời căn dặn của Tổng Bí thư Tô Lâm khi về thăm và làm việc với bà con vùng dự án vào những ngày đầu tháng 12.2024 sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 174.
![ĐBQH Trần Quốc Nam (Ninh Thuận). Ảnh Hồ Long avatar](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/6dad41af9ff775ae9813f5d77f44bcaba13ea3b8dbf42ff0f0ed6498d32deb6777b2c8af7cc4d7ce18345f711f6d46070eea223d8a056fba168160924018971a/dbqh-tran-quoc-nam-ninh-thuan.jpg)
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Điện hạt nhân quốc gia, toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng của hai nhà máy phải hoàn thành trong năm 2025 để bàn giao "đất sạch" cho chủ đầu tư. Thời gian qua, Ninh Thuận đã và tiến hành ngay các công việc với tinh thần xuyên suốt, đó là việc gì làm được thì làm ngay, không chờ đợi. Các công việc thực hiện dự án của tỉnh, của chủ đầu tư, các bộ, ngành trung ương trong thời gian qua được triển khai với tinh thần quyết tâm và quyết liệt để đến năm 2030-2031 hoàn thành các nhà máy theo chỉ đạo của Trung ương, của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, cần có cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên là hết sức cần thiết và cấp bách phải được ban hành.
Tại Tờ trình của Chính phủ kèm theo dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội, tại khoản 9 Điều 3, liên quan đến Ninh Thuận có 7 nội dung. Ninh Thuận đề nghị bổ sung 5 nội dung, đặc biệt những nội dung này đều liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Đây là những nội dung rất quan trọng cần phải có để tỉnh thực hiện ngay công tác giải phóng mặt bằng. Hiện nay, với những quy định của Luật Đất đai năm 2024, nếu thực hiện thì chắc chắn một năm cũng không thể nào hoàn thành.
Chúng ta đều tin tưởng rằng, việc đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ thật sự an toàn và thành công. Nhân dân tin tưởng tuyệt đối, nhất là bà con vùng dự án di dời có cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc, tiếp thêm niềm tin, sự lan tỏa để đất nước triển khai các dự án tiếp theo. Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cũng là một trong những điển hình để chúng ta thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đảng bộ, Nhân dân tỉnh Ninh Thuận và vùng dự án, với tinh thần quyết tâm trước Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và các đại biểu Quốc hội sẽ hoàn thành nhiệm vụ giải phóng mặt bằng và công việc được giao, bảo đảm đúng tiến độ được giao. Ninh Thuận vì cả nước và cả nước hoàn thành nhiệm vụ công trình đặc biệt quan trọng để đất nước ta phồn vinh, hạnh phúc.
ĐBQH Lê Mạnh Hùng (Cà Mau):
Mục tiêu rất áp lực, cần cơ chế đặc thù cụ thể cho các chủ thể thực hiện
Trước sự cấp bách của thực tiễn, Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu rất cấp bách và áp lực để chúng ta nhanh nhất có thể đưa các nhà máy điện hạt nhân vào hoạt động thương mại và theo mục tiêu đặt ra là khoảng năm 2030, muộn nhất là 2031. Đây là mục tiêu rất áp lực với các dự án quy mô lớn và công nghệ phức tạp. Do đó, cần có cơ chế đặc thù rất cụ thể, rất rõ cho các chủ thể thực hiện.
![ĐBQH Lê Mạnh Hùng (Cà Mau). Ảnh Hồ Long dbqh-le-manh-hung-ca-mau.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/c6b8207458d670fd53ca5d13d329a300c496458e21a95159c2c271968242a7a85af6e1e2b628fe93995ef082f206554d2b93bce4b5b876c59069228acf713e1b/dbqh-le-manh-hung-ca-mau.jpg)
Trong báo cáo thẩm tra, một số ý kiến nêu rằng, không nên đưa vào dự thảo Nghị quyết các chủ thể là các tập đoàn kinh tế như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN)... Tôi đề nghị, Nghị quyết về điện hạt nhân dứt khoát phải có tên chủ đầu tư các nhà máy, phải rõ người, rõ việc. Các cơ chế phải rất rõ, đặc biệt là cơ chế tài chính đối với nguồn vốn chủ sở hữu là vốn đối ứng của doanh nghiệp và nguồn vốn vay thu xếp qua các hiệp định vay tín dụng xuất khẩu đối với các nhà cung cấp, nhất là đối với EVN và PVN là 2 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, thì nguồn vốn chủ sở hữu cần được quy định rõ, tránh ảnh hưởng đến các nhiệm vụ khác EVN và PVN đang triển khai.
Tương tự, về cơ chế, trình tự, thủ tục triển khai các dự án siêu lớn này cũng phải rất rõ: Vấn đề gì được làm song song, vấn đề gì thực hiện theo cơ chế đặc thù là chỉ định thầu. Trong dự thảo Nghị quyết, Chính phủ đã nêu rất rõ các giải pháp, đặc biệt là đối với việc triển khai song song quá trình đàm phán, lựa chọn nhà cung cấp về công nghệ thông qua Hiệp định, cùng với Hiệp định về tín dụng xuất khẩu. Cùng với đó, cơ chế bảo đảm nguồn lực, tức là nguồn vốn chủ sở hữu của EVN và PVN, cũng phải rất rõ. Rất mong trong quá trình thẩm tra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiếp tục chia sẻ để thống nhất với Tờ trình của Chính phủ, nếu không các doanh nghiệp sẽ không làm được; sau khi được phê duyệt thì lại phải đi xin cơ chế.
Bản chất của nhà máy điện hạt nhân là nhà máy nhiệt điện, ngoại trừ việc đun sôi nước và sinh hơi thì tương tự như các nhà máy nhiệt điện khác, điện than, điện khí, điện dầu... Với nhà máy điện hạt nhân, phần phụ trợ còn không phức tạp bằng các nhà máy nhiệt điện than, điện khí đang làm. Bên cạnh đó, công nghệ, thiết bị đều do các nhà thầu, nhà cung cấp bản quyền công nghệ cung cấp dưới sự giám sát rất chặt chẽ của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), cho nên không quá quan ngại về khả năng thực hiện các dự án này của các tập đoàn kinh tế trong nước.
Hơn nữa, đối với PVN và EVN, trong thời gian qua đã thực hiện rất nhiều dự án nhiệt điện... Cho nên, chúng tôi cho rằng, hoàn toàn yên tâm dưới sự giám sát của IAEA và kinh nghiệm thực hiện nhiều dự án lớn này của các tập đoàn kinh tế trong nước. Đề nghị Quốc hội tạo điều kiện thông qua và thống nhất với Chính phủ về cơ chế đặc thù cho các dự án điện hạt nhân này để các tập đoàn kinh tế yên tâm thực hiện thành công theo mục tiêu rất áp lực Chính phủ đã đặt ra.
ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương):
Cân nhắc bảo đảm dự án thực hiện nhanh nhưng phải bền vững, ổn định
Tôi cơ bản đồng tình với sự cần thiết, cấp bách phải xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Theo tinh thần của Thủ tướng Chính phủ là những việc gì đã là ý Đảng, lòng dân thì chỉ có bàn làm, không bàn lùi.
Tại khoản 6, Điều 3 về các cơ chế, chính sách đặc biệt, dự thảo Nghị quyết có nêu là “chủ đầu tư không phải thực hiện các thủ tục, trình tự cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước để thông qua phê duyệt các nội dung liên quan đến dự án đầu tư, phương án huy động vốn, thế chấp tài sản để vay vốn theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp”.
![ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương). Ảnh Hồ Long dbqh-nguyen-quang-huan-binh-duong.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/c6b8207458d670fd53ca5d13d329a30088d15d91791bf794bb863ce37fe64faaf0d092204c88f16c7caa074fce34fe985a944697d6e1700eccafe6f3e1ec71a3/dbqh-nguyen-quang-huan-binh-duong.jpg)
Nếu quy định thế này, lúc đầu có thể nhanh tạo cơ chế để chủ đầu tư làm, nhưng sau này tôi cho rằng, có thể sẽ vướng khi chủ đầu tư cần thay đổi vốn hoặc cần thay đổi các phương án công nghệ hoặc bất kể một lý do gì đó, vì với một dự án lớn, khi đã triển khai thực hiện thì có rất nhiều việc chưa nhìn thấy trước được. Ngay cả cơ chế huy động vốn chủ sở hữu cho các chủ đầu tư còn chưa rõ ràng. Giả sử sau này vốn chủ sở hữu vì lý do gì đó mà ngân sách tăng, vốn chủ sở hữu không đáp ứng được, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước lại không tham gia, không giám sát, thì liệu chủ đầu tư lúc đó có đủ thẩm quyền để tăng vốn hay không, hay lại phải trình xin Quốc hội?
Thực tế, việc cơ quan chủ sở hữu giám sát và hỗ trợ chủ đầu tư thực hiện chỉ đạo thường xuyên, sẽ nhanh hơn nhiều so với việc trình ra Quốc hội để thay đổi. Cho nên, đề nghị hết sức cân nhắc các điều trong khoản 6 Điều 3 này để bảo đảm dự án thực hiện nhanh nhưng phải bền vững, ổn định.