Chú trọng các nhiệm vụ, giải pháp có tác động ngay, tức thì
Thống nhất cao với Đề án của Chính phủ với mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên làm tiền đề để đẩy nhanh phát triển kinh tế đất nước trong giai đoạn tới, các ĐBQH cho rằng, đây là quyết tâm rất mạnh mẽ của Chính phủ.
![ĐBQH Lê Văn Dũng (Quảng Nam) phát biểu. Ảnh: Hồ Long dbqh-le-van-dung-quang-nam.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/c6b8207458d670fd53ca5d13d329a300ef6b3e143993b2a82b8bf3b8e640b60d4ce3c73df0e074e741aa8dd49395ee72db57eb717a2bbe89acf8b60dc71fa135/dbqh-le-van-dung-quang-nam.jpg)
Với tinh thần “bàn làm chứ không bàn lùi”, ĐBQH Lê Văn Dũng (Quảng Nam) khẳng định, việc tăng chỉ tiêu tăng trưởng cho năm 2025 là có cơ sở và dư địa để thực hiện. Bởi hiện nay, xuất khẩu hàng hóa đã cán mốc 400 tỷ USD, 9 năm liên tiếp Việt Nam xuất siêu, không chỉ chứng tỏ vị thế của Việt Nam trong cạnh tranh với nước ngoài, mà còn tác động đến GDP, tăng dự trữ ngoại hối, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu 11 năm liên tiếp.
Cũng đồng tình và đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm của Chính phủ, song ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 8% hoặc cao hơn nữa của năm 2025 là “bài toán”, là “phép thử” để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo với mục tiêu tăng trưởng 2 con số. Nếu triển khai tốt trong năm 2025 thì hoàn toàn có thể tin tưởng rằng giai đoạn tiếp theo chúng ta đầy đủ tự tin để phát triển với hai con số như định hướng của Trung ương đề ra.
![ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) phát biểu. Ảnh: Hồ Long dbqh-trinh-xuan-an-dong-nai-1.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/c6b8207458d670fd53ca5d13d329a300e2fa6afd06a39fb35a3d3e1ede8e471b7916697b1fdc9cfcdb2da0f2b2ecf57a2a0b53393312994ae8ee8dbbe4263e8a/dbqh-trinh-xuan-an-dong-nai-1.jpg)
Nhận thấy Đề án có rất nhiều nhiệm vụ mang tính chất tổng thể nhưng cũng nhiều nhiệm vụ có tính chất tức thì, đại biểu Trịnh Xuân An chỉ rõ, để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 cần quan tâm đến những nhiệm vụ có tính chất tức thì, nghĩa là những nhiệm vụ, giải pháp có thể tác động ngay. Phải tiếp tục phân loại giải pháp nào cần thực hiện ngay, triển khai ngay để ưu tiên.
Mặt khác, muốn tăng trưởng được 8% hoặc hơn nữa thì cần có nguồn lực, đó là tiền, là đầu tư. Do đó, đại biểu đồng tình với giải pháp tăng chỉ tiêu đầu tư công, tuy nhiên, đề nghị phải có chỉ tiêu về đầu tư tư vì vừa qua đầu tư tư có xu hướng giảm, nếu không “kích” được đầu tư tư từ đầu tư công thì mục tiêu tăng trưởng rất khó và sẽ là sức ép.
Nêu thực tế đầu tư hiện nay đang tăng trưởng với mức độ khoảng một con số, 7-9% và có xu hướng giảm trong một năm vừa qua, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, cần phải đặt chỉ tiêu đầu tư tư tăng ở mức 2 con số trở lên, mà đầu tư tư tăng thì liên quan đến tín dụng... “Nếu tăng trưởng tín dụng vẫn bình bình 15-16% thì khó, phải tầm 18-20%, tất nhiên, sẽ đặt ra câu chuyện liên quan đến chính sách tiền tệ, lạm phát, nhưng nếu không có tín dụng thì rất khó cho các doanh nghiệp phát triển”.
![ĐBQH Trần Anh Tuấn (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long dbqh-tran-anh-tuan-tp-hcm-1.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/c6b8207458d670fd53ca5d13d329a300711f1af1fdb29fd2ae2869287ee748912bedbdac8666d5ee7a10cf71979863335044ee321a26617983525fc6b6de4272/dbqh-tran-anh-tuan-tp-hcm-1.jpg)
Cho rằng chính sách tài khóa và tiền tệ đang được thực hiện song song và phải tiếp tục mở rộng trong năm 2025, ĐBQH Trần Anh Tuấn (TP. Hồ Chí Minh) lưu ý, cần mở rộng hai chính sách này cùng lúc để tránh xung đột.
Về mặt chính sách tiền tệ, đại biểu Trần Anh Tuấn nêu rõ, lãi suất trong thời gian qua có xu hướng tăng, bối cảnh hiện nay phải kiểm soát lãi suất ở mức hợp lý 6% để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được, tức là để cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển thì tín dụng phải ở mức lãi suất hợp lý và kết hợp với chính sách dự trữ bắt buộc cũng như thị trường mở để tăng trưởng tín dụng năm 2025 có thể đạt được 17-18%, qua đó, góp phần lớn vào tăng trưởng đạt 8%.
Cùng đó, cũng phải tiếp tục giảm thuế, đặc biệt là từ nay đến cuối năm đối với thuế giá trị gia tăng và các lĩnh vực ưu tiên đầu tư phát triển về chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI), mạch, chip, bán dẫn...
Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất cho phát triển giai đoạn tới
Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, ĐBQH Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) đề nghị, cần phân loại các doanh nghiệp lớn, vừa, nhỏ, FDI, hộ kinh doanh và đánh giá về nộp thuế, bảo đảm môi trường, đóng góp xã hội, từ thiện, văn hóa... Trong đó, đặc biệt lưu ý tập trung vào doanh nghiệp vừa bởi đó là lực lượng có thể đầu tư, hỗ trợ để phát triển thành doanh nghiệp lớn, quan trọng nhất là những doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ.
![ĐBQH Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) phát biểu. Ảnh: Hồ Long dbqh-nguyen-van-than-thai-binh.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/c6b8207458d670fd53ca5d13d329a300124ddcc059bf7e8098f29c28db86486402f33ffc3bd735f2827430c3363014407d8719870632443dec7363632964096b/dbqh-nguyen-van-than-thai-binh.jpg)
Đại biểu Nguyễn Văn Thân cũng nêu rõ, các dự án không nên quá tập trung vào đấu thầu, những dự án nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Thủ tướng quyết định; những dự án thuộc thẩm quyền của bộ thì bộ quyết định; thuộc tỉnh thì tỉnh quyết định và người đứng đầu sẽ giải quyết để tránh những vướng mắc về đấu thầu. Theo đại biểu, "hiện nay, đấu thầu mất nhiều thời gian mà chưa chắc tránh được tiêu cực”.
Cùng quan điểm, đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị, phải tiếp tục quan tâm đến hệ thống doanh nghiệp tư nhân, có tinh thần phụng sự và phục vụ để doanh nghiệp phát triển thông qua việc tháo gỡ những nút thắt về thể chế, quy trình thủ tục và đặc biệt là về nguồn lực.
![Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long avatar](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/c6b8207458d670fd53ca5d13d329a300c31ce31679e5bae53f649fa8dde1bf95b140cd83a43915d4434853545682e7912da7bda86aec95fec415b762020e6b6e9a40589a91a95730453b2b97e0ecdf3ea6c395c6e3f2b9c8e867f1b55ba03f54/bo-truong-bo-ke-hoach-va-dau-tu-nguyen-chi-dung-phat-bieu.jpg)
Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn thừa nhận, “thời gian còn lại không nhiều cũng là thách thức của chúng ta”.
Về các giải pháp ngắn hạn, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ sẽ triển khai ngay, tức thời, đặc biệt là tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật, đáp ứng yêu cầu mới; hoàn thành sớm và nhanh việc sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước, không làm gián đoạn hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, người dân. Đồng thời, tiếp tục theo dõi sát tình hình của thế giới; tận dụng sự dịch chuyển trong các dòng đầu tư, thương mại, chuỗi cung ứng hiện nay.
Nhấn mạnh vấn đề tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân được các ĐBQH đưa ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo, ngay sau khi Quốc hội thông qua Đề án, sẽ có hội nghị với các địa phương để rà soát và thúc đẩy tất cả các nhiệm vụ, giải pháp để bảo đảm các địa phương đạt được chỉ tiêu tăng trưởng 8%, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên. Các tổ công tác của các thành viên Chính phủ cũng sẽ đôn đốc, thúc đẩy giải ngân, tháo gỡ ngay vướng mắc.
“Khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất cho phát triển trong giai đoạn tới đây. Chính phủ cũng sẽ tập trung xây dựng và đề xuất Trung ương ban hành một nghị quyết riêng cho khu vực kinh tế tư nhân, trong đó có cả các doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn, có khả năng dẫn dắt, là "đầu tàu" của nền kinh tế và của các ngành, lĩnh vực”, Bộ trưởng thông tin.
Về các nhiệm vụ dài hạn, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế; phân cấp, phân quyền triệt để hơn, phát huy hơn nữa các nguồn lực, sự chủ động, sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương; đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Bộ trưởng cũng đề nghị, các Đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện việc giám sát ở địa phương mình về việc thực hiện Nghị quyết số 25/NQ-CP, việc giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tất cả các khu vực doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp FDI; phát huy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.