ĐBQH Trần Anh Tuấn (TP. Hồ Chí Minh): “Tiền có thật” cần sử dụng ngay
Việc Chính phủ trình Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, cao hơn mục tiêu Trung ương, Quốc hội đã quyết nghị là 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5% thể hiện quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhằm phấn đấu đạt được mục tiêu tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030.

Đối với những động lực tăng trưởng truyền thống là tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, Chính phủ đặt ra những chỉ tiêu rất tham vọng. Đơn cử, Đề án nêu “phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (giá hiện hành) năm 2025 tăng khoảng 12% trở lên”. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi nỗ lực lớn, trong bối cảnh tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong vài năm gần đây đều đạt dưới 10%. Do vậy, khi đặt ra mục tiêu này, Đề án cần kèm theo những giải pháp khả thi nhằm kích thích tiêu dùng, kích cầu đầu tư.
Liên quan đến chính sách tiền tệ, xu hướng lãi suất đang tăng lên nhưng còn chậm. Cần có giải pháp về nguồn cung tiền, tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%, góp phần thúc đẩy GDP đạt mức 8% trở lên. Chính sách tài khoá cần đồng hành với chính sách tiền tệ và các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng GDP. Cụ thể là cần có lộ trình tăng thuế thận trọng trong bối cảnh các loại thuế có xu hướng tăng, nhằm khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Về đầu tư công, Đề án đề ra phương án sử dụng khoảng 84,3 nghìn tỷ đồng đầu tư công tăng thêm, dự kiến từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024. Khoản tăng thu, tiết kiệm chi này là “tiền có thật” rồi, cần sử dụng ngay vào những dự án có tính cấp bách để thực hiện giải ngân.
Một giải pháp nữa là về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Thời gian qua, chúng ta đã và đang quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị nhằm thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. Cần có những chính sách thực sự mạnh mẽ, nhất là chính sách ưu đãi đầu tư, miễn giảm thuế thật mạnh nhằm thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này; khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân mạnh dạn ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực sản xuất, đẩy nhanh công đoạn sản xuất, tăng năng suất lao động, tạo nền tảng cho việc thúc đẩy tăng trưởng.
ĐBQH Khương Thị Mai (Nam Định): Giải pháp phải cụ thể, nhanh chóng, kịp thời
Về các động lực tăng trưởng, Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 174 tỷ USD trở lên, xấp xỉ 33,5% GDP (cao hơn 3 tỷ USD); trong đó, đầu tư công khoảng 36 tỷ USD (tương đương 875 nghìn tỷ đồng, cao hơn khoảng 84,3 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch đã giao năm 2025 là 790,7 nghìn tỷ đồng), đầu tư tư nhân khoảng 96 tỷ USD, FDI khoảng 28 tỷ USD, đầu tư khác khoảng 14 tỷ USD. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy, câu chuyện khó khăn, chậm giải ngân vốn đầu tư công đã được nhắc đến rất nhiều trong những năm gần đây. Vậy, nếu tăng vốn đầu tư công lên như nêu trong Tờ trình của Chính phủ thì có giải pháp như thế nào để thúc đẩy giải ngân nguồn vốn này?

Tôi cho rằng, giải pháp cần thực hiện ngay là có sự tổng kết đối với việc các bộ, ngành đã ban hành văn bản hướng dẫn thi hành các luật đã được thông qua tại Kỳ họp thứ Tám tới đâu. Những nghị quyết thí điểm tại các địa phương nếu qua tổng kết và thấy thực hiện được thì cần nhân rộng ngay; Chính phủ có thể quyết định mở rộng địa bàn, phạm vi, địa phương có cùng địa hình, vị trí thực hiện các chính sách đã được thí điểm. Bên cạnh đó, cán bộ, công chức là yếu tố rất quan trọng, vì vậy phải có chế độ, chính sách thu hút người tài; đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Mặt khác, cần thúc đẩy đầu tư tư nhân, cải cách thủ tục hành chính để các doanh nghiệp giảm chi phí tuân thủ; khẩn trương xử lý vướng mắc trong thực hiện các dự án; có chính sách huy động nguồn lực trong Nhân dân; tổ chức có hiệu quả Đề án phát triển thị trường trong nước, cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, “Mỗi xã một sản phẩm OCOP”; giảm chi phí logistics.
Theo tôi, các giải pháp đưa ra phải cụ thể, nhanh chóng, kịp thời để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận hành, sản xuất kinh doanh.
ĐBQH Hoàng Hữu Chiến (An Giang): Đánh giá toàn diện các yếu tố khách quan
Muốn tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 cần huy động nhiều nguồn lực như tiền bạc, nhân lực, vật lực. Do vậy, cần xem xét, sớm giải quyết khối lượng tài sản của các vụ án tham nhũng theo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.

Việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia rất chậm, vì vậy phải đẩy nhanh tiến độ triển khai các Chương trình, đặc biệt Chính phủ cần sớm tổng kết Chương trình về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 1, chuẩn bị cho triển khai giai đoạn 2 (2025-2030). Thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia chính là góp phần thúc đẩy tăng trưởng ở những vùng đặc biệt khó khăn.
Việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và giải ngân nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cũng cần được quan tâm. Muốn tăng trưởng được phải đưa được dòng tiền vào, từ đó phát triển sản xuất, tạo ra công ăn việc làm, tạo động lực tăng trưởng. Một giải pháp nữa là gắn cải cách thể chế, bộ máy với tăng trưởng, nếu giải quyết không hài hòa sẽ gây tác động tới tăng trưởng.
Mặt khác, Chính phủ cần đánh giá toàn diện các yếu tố khách quan tác động chi phối, làm giảm GDP, đồng thời có thêm kịch bản về tăng trưởng. Ví dụ như những biến động của tình hình thế giới, các chính sách thuế của nước ngoài…