ĐBQH Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ):
Bổ sung quy định Thường trực HĐND quyết định những nội dung được HĐND ủy quyền
Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đã có các quy định sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng và quy định rõ chủ thể được phân cấp và chủ thể nhận phân cấp, chủ thể được ủy quyền và chủ thể nhận ủy quyền (Điều 14, 15); mở rộng thẩm quyền của Thường trực HĐND trong việc xem xét, giải quyết những vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp (khoản 14, Điều 28); cơ chế Thường trực HĐND thực hiện các nhiệm vụ do HĐND giao (khoản 2, Điều 27). Những quy định trên phù hợp với xu thế tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND hiện nay.
![ĐBQH Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) ĐBQH Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ)](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/9acabf228567d6a8bf533478d6b02c5863dfe221800484212bdc1565c990fb108dc9f121276258901d497b81eb9c42de/dbqh-thanhnam.jpg)
ĐBQH Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ)
Tuy nhiên, tại khoản 14, Điều 28 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND mới chỉ quy định trong thời gian HĐND không họp, Thường trực HĐND được quyết định biện pháp để giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; điều chỉnh dự toán, phân bổ tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách hàng năm và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất.
Trong thực tiễn, đối với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương còn rất nhiều vấn đề phát sinh. Vì vậy, đề nghị bổ sung quy định: Thường trực HĐND quyết định những nội dung được HĐND ủy quyền. Đồng thời, trong nhiệm vụ của HĐND cần bổ sung quy định: HĐND ủy quyền cho Thường trực HĐND quyết định các vấn đề khi cần thiết, trong điều kiện cụ thể của từng địa phương. Việc ủy quyền này sẽ phát huy được vai trò của Thường trực HĐND, bảo đảm tính chủ động, kịp thời xử lý các vấn đề đặt ra.
ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình):
Rà soát quy định thống nhất chủ thể nhận phân cấp ở địa phương
Việc trước mắt vẫn giữ ổn định mô hình tổ chức chính quyền địa phương như hiện tại là phù hợp. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng kết, đánh giá một cách toàn diện việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị đang thực hiện theo các nghị quyết của Quốc hội. Từ đó, đề xuất mô hình tổ chức chính quyền địa phương; phân định rõ mô hình chính quyền địa phương đô thị, chính quyền địa phương ở hải đảo, chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính - kinh tế do luật định và việc quy định nguyên tắc cụ thể, phạm vi trách nhiệm, quyền được phân cấp của chính quyền địa phương.
![ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình)](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/9acabf228567d6a8bf533478d6b02c58787ce53576acd017426e667524f55b14c57151e18cd277126b4920e3866ed8c827ae7bc031acf4ff5808323eecc02345/dbqh-nguyen-van-huy-thai-binh.jpg)
ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình)
Về chủ thể nhận phân cấp, khoản 5, Điều 14 dự thảo Luật quy định UBND cấp tỉnh được đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phân cấp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ở địa phương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với khả năng và điều kiện thực tiễn của địa phương. Điều này cho phép mở rộng phạm vi các chủ thể ở địa phương nhận phân cấp từ Trung ương. Trong khi đó, tại khoản 1, Điều 8 của dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) về phân cấp quy định các chủ thể nhận phân cấp ở địa phương bao gồm: HĐND, UBND, Chủ tịch UBND.
Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát để quy định thống nhất chủ thể nhận phân cấp ở địa phương và các nguyên tắc chung về phân cấp, ủy quyền, bảo đảm thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý giữa Trung ương và địa phương.
ĐBQH Hồ Thị Minh (Quảng Trị):
Bảo đảm tính thống nhất trong quy định về chủ thể được ủy quyền
Theo quy định tại khoản 1, Điều 15 dự thảo Luật: “Trong trường hợp cần thiết, UBND được ủy quyền cho Chủ tịch UBND, cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp mình hoặc UBND, Chủ tịch UBND cấp dưới; quyền cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cùng cấp hoặc … trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể, trừ trường hợp pháp luật quy định không được phân cấp, ủy quyền.” Như vậy có nghĩa, Chủ tịch UBND không được quy định rõ việc được ủy quyền cho Phó Chủ tịch UBND cùng cấp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
![ĐBQH Hồ Thị Minh (Quảng Trị) thi-minh.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/3f058b6c6b27d3551d8611e329d17b5a31fc5ff192c2d6250a89f9eb4251bc46b3811f53484282c595cd535e6a8e9f44/thi-minh.jpg)
ĐBQH Hồ Thị Minh (Quảng Trị)
Tuy nhiên, tại Khoản 6, Điều 37, dự thảo Luật lại quy định “Phó Chủ tịch UBND thực hiện nhiệm vụ của Chủ tịch UBND trong lĩnh vực, địa bàn công tác và phạm vi quyền hạn được Chủ tịch UBND phân công, ủy quyền”. Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do Chủ tịch UBND phân công, ủy quyền.
Đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét, bổ sung quy định nhằm bảo đảm tính thống nhất và phù hợp với thực tiễn về chủ thể được ủy quyền quy định tại Khoản 1, Điều 15 và Khoản 6, Điều 37 cũng như các nội dung tương tự khác tại dự thảo Luật. Qua đó, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả khi Luật được ban hành.
ĐBQH Hà Đức Minh (Lào Cai):
Cần thống nhất các quy định về phân quyền, phân cấp, ủy quyền
Dự thảo Luật đã dành một chương riêng quy định về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương các cấp (Chương III). Trong đó, điểm nổi bật là đã mở rộng và quy định rõ chủ thể được phân cấp và chủ thể nhận phân cấp; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan phân cấp trong việc bảo đảm các điều kiện để thực hiện việc phân cấp; cơ quan nhận phân cấp chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân cấp nếu cơ quan phân cấp đã bảo đảm các điều kiện theo quy định…
![ĐBQH Hà Đức Minh (Lào Cai) ĐBQH Hà Đức Minh (Lào Cai)](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/9acabf228567d6a8bf533478d6b02c58b2053dc03b6105686197257e029216defdd2473b6dea8434e2378a0163a3718a2b93bce4b5b876c59069228acf713e1b/dbqh-ha-duc-minh-lao-cai.jpg)
ĐBQH Hà Đức Minh (Lào Cai)
Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát giữa dự thảo Luật này với dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) để có sự thống nhất trong cách thức quy định các nguyên tắc phân định về phân quyền, phân cấp, ủy quyền, bảo đảm tính đồng bộ, thông suốt cả về chủ thể phân cấp, ủy quyền với đối tượng nhận phân cấp, ủy quyền. Đồng thời, tiếp tục xem xét việc có cơ chế giám sát chặt chẽ hơn, tăng cường năng lực cho chính quyền địa phương, bổ sung các hướng dẫn cụ thể, bảo đảm thực hiện hiệu quả các nguyên tắc này.
Ủy quyền là một công cụ quan trọng trong quản lý và điều hành, nhưng cần được thực hiện cẩn thận để bảo đảm hiệu quả, tránh rủi ro. Cơ quan soạn thảo cần xem xét thêm về việc xác định rõ ràng phạm vi, quyền hạn và trách nhiệm của người được ủy quyền, tránh ủy quyền quá rộng dẫn đến mất kiểm soát hoặc quá hẹp làm giảm hiệu quả làm việc và có cơ chế giám sát chặt chẽ hơn trong việc ủy quyền.
ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy (TP. Hồ Chí Minh):
Nên cho phép địa phương được đề xuất áp dụng không tổ chức HĐND cấp xã, huyện
TP. Hồ Chí Minh hiện đang áp dụng mô hình tổ chức chính quyền đô thị, theo đó, chính quyền địa phương ở TP. Hồ Chí Minh là cấp chính quyền địa phương gồm HĐND Thành phố và UBND Thành phố. Chính quyền địa phương ở quận tại Thành phố là UBND quận; ở phường là UBND phường, không còn HĐND quận và HĐND phường. Thông qua áp dụng mô hình này thời gian qua, chúng ta thấy việc điều chỉnh và tổ chức mô hình này có nhiều hiệu quả tích cực.
![ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy (TP. Hồ Chí Minh) ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy (TP. Hồ Chí Minh)](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/9acabf228567d6a8bf533478d6b02c5837b2032ae5388f8d22e5a043d572636492672b9c5cd655d15f6ca3b48fa13d06ea4b334f4c79ce070e254804e887ca59/tran-thi-dieu-thuy-tp-ho-chi-minh.jpg)
ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy (TP. Hồ Chí Minh)
Tuy nhiên, dự thảo Luật tiếp tục quy định duy trì mô hình tổ chức chính quyền địa phương như quy định hiện hành và các luật, nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị nhằm trước mắt vẫn giữ ổn định mô hình tổ chức chính quyền địa phương, tạo điều kiện cho các cơ quan có thời gian “tiếp tục tập trung nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới” trước khi thực hiện đổi mới một cách đồng bộ, tổng thể bộ máy của hệ thống chính trị, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương thực sự tinh gọn, phù hợp vào thời điểm thích hợp theo yêu cầu tại Kết luận số 121-KL/TW.
Đề nghị bổ sung quy định cho phép chính quyền địa phương được đề xuất thí điểm áp dụng mô hình chính quyền địa phương không còn HĐND cấp xã, huyện nếu địa phương thấy mô hình đó là phù hợp và việc tổ chức cấp chính quyền đã bảo đảm khả năng thực hiện đúng, đủ các nhiệm vụ được giao. Điều này sẽ phù hợp với bối cảnh chúng ta đang thực hiện tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị.