Trong 6,5 ngày làm việc, bên cạnh công tác nhân sự, Quốc hội dự kiến thảo luận và biểu quyết thông qua 4 luật và 12 nghị quyết. Trong đó, có các luật và nghị quyết liên quan đến tổ chức bộ máy như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Nghị quyết quy định về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Việc sửa đổi, ban hành các văn bản này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu quả; bảo đảm toàn hệ thống cơ quan nhà nước có thể hoạt động liên tục, bình thường trong và sau khi sắp xếp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; thúc đẩy Chính phủ kiến tạo phát triển và phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương…
Cùng với đó, việc sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật - đạo luật gốc quy định thẩm quyền, quy trình xây dựng pháp luật - được tiến hành với tư duy đổi mới về xây dựng pháp luật đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quán triệt trong thời gian qua. Theo đó, thời gian ban hành luật có thể rút ngắn từ 22 tháng xuống 10 tháng với những văn bản phải thực hiện quy trình chính sách và chỉ còn 5 tháng với những luật không cần thực hiện quy trình chính sách. Quy trình chính sách được tách bạch khỏi quy trình soạn thảo và hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm đến cùng về các dự án luật mình trình. Hoạt động tham vấn chính sách, đánh giá tác động chính sách hứa hẹn sẽ thực chất hơn... Tất cả nhằm khơi thông điểm nghẽn đầu tiên của điểm nghẽn về thể chế, giúp đẩy nhanh tiến trình và nâng cao chất lượng cải cách thể chế, tạo tiền đề cho đất nước tăng trưởng hai con số trong những năm tới.
Cũng tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua hàng loạt nghị quyết quan trọng khác như: Nghị quyết bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh; Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghị quyết về chủ trương và các cơ chế chính sách đặc thù để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận… Với tầm nhìn chiến lược và quyết tâm mạnh mẽ, các Nghị quyết này sẽ mở ra những bước đi đột phá trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, khoa học, công nghệ và năng lượng; tạo động lực đưa đất nước vươn lên mạnh mẽ và cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Cho tới giờ, Kỳ họp bất thường của Quốc hội không còn gây bất ngờ nữa. Cả đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước đều đã quen thuộc với những Kỳ họp không nằm trong thường lệ “mỗi năm hai kỳ” như luật định, nhằm đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn và nhu cầu phát triển của đất nước. Trong khoảng thời gian hết sức eo hẹp, các cơ quan hữu quan, đặc biệt là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội những ngày qua đã làm ngày làm đêm, nỗ lực tối đa, phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm để bảo đảm chất lượng các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội.
Kỳ họp bất thường lần thứ Chín một lần nữa đánh dấu quyết tâm và nỗ lực không ngừng của Quốc hội và các đại biểu trong việc ban hành những quyết sách mang tính đột phá, góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Những luật, nghị quyết được thông qua trong Kỳ họp này không chỉ có ý nghĩa lớn về mặt pháp lý mà còn là nền tảng vững chắc cho một tương lai thịnh vượng của đất nước ta. Để các quyết sách này đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả thực tiễn, cần sự đồng lòng, quyết tâm từ mọi tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là sự vào cuộc tích cực của các cơ quan nhà nước và người dân. Chỉ khi đó, những mục tiêu đầy tham vọng mới có thể trở thành hiện thực, đưa nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng và mang lại ấm no hạnh phúc cho tất cả người dân.