Nên miễn trách nhiệm dân sự trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ
Rủi ro là điều khó tránh khỏi trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, vì vậy, một số ĐBQH tán thành với quy định tại Điều 6 dự thảo Nghị quyết quy định tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, mặc dù đã thực hiện đầy đủ quy trình, quy định về nghiên cứu khoa học.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu thực tế, trong hoạt động nghiên cứu, chúng ta chưa thể biết được là có kết quả thu được hay không, giống như người khai thác dầu khí có khi 10 mũi khoan may ra mới được một mũi khoan có dầu, nhưng dầu khí còn biết rằng khoan ra ở dưới có dầu còn nghiên cứu khoa học thì chưa biết kết quả thu được là gì, cho nên mức độ rủi ro trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ cao hơn. Xuất phát từ thực tế này, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, việc đưa ra cơ chế chấp nhận rủi ro là "lối mở" rất lớn để các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu.
Đồng tình với quy định tại Điều 6 dự thảo Nghị quyết, song đại biểu Hoàng Văn Cường cũng cho rằng, không nên quy định trong dự thảo là phải “đúng quy trình, quy định”, vì nếu không cẩn trọng, chúng ta lại quay trở lại câu chuyện "phải tuân thủ quy định pháp luật" là sẽ không làm được gì. Do vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị sửa lại theo hướng “khi đã thực hiện đúng quy trình nghiên cứu mà đề tài đã đăng ký”. Như vậy, khi đề tài nghiên cứu đã đăng ký quy trình thế nào và thực hiện đúng, đầy đủ như thế mà không đạt kết quả, thì tổ chức, cá nhân sẽ không phải hoàn trả lại kinh phí.

Cũng quan tâm đến cơ chế này, ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đặt vấn đề, có nên miễn trừ cả trách nhiệm hình sự đối với cá nhân, tổ chức nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong trường hợp xảy ra thiệt hại với Nhà nước hay không? Theo đại biểu, cần có cơ chế miễn trách nhiệm hình sự đối với cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, bởi nếu không, người làm khoa học hết sức rủi ro vì cùng với trách nhiệm dân sự sẽ là trách nhiệm hình sự. Đại biểu Trịnh Xuân An đề xuất, nội dung này có thể đưa vào dự thảo Nghị quyết để thí điểm làm cơ sở để quy định trong các đạo luật tiếp theo.
Theo ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), cần thiết phải có quy định cụ thể của Nhà nước về thí điểm cơ chế miễn trừ trách nhiệm dân sự trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Đại biểu nêu rõ, Điều 25 Bộ luật Hình sự quy định rất rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân đã thực hiện đầy đủ các quy trình, quy phạm và đã áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng ngừa nhưng vẫn gây thiệt hại thì không bị coi là tội phạm và được miễn trách nhiệm hình sự. “Như vậy, đối với trách nhiệm dân sự hiện nay chưa có quyết định hoặc quy định không rõ ràng”, đại biểu nói.

Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đặt ra 2 yêu cầu rất rõ ràng. Một là, có chính sách miễn trừ trách nhiệm đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong thử nghiệm công nghệ mới, trong mô hình kinh doanh mới trong trường hợp xảy ra thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan. Hai là, phải chấp nhận rủi ro đầu tư mạo hiểm và có độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.
"Hai yêu cầu này của Nghị quyết 57-NQ/TW liên quan trực tiếp đến đề xuất của Chính phủ về việc cần có cơ chế miễn trách nhiệm dân sự để các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhà khoa học khi đã thực hiện đầy đủ các quy trình, quy phạm mà vẫn gây ra thiệt hại có thể được miễn trách nhiệm bồi thường, tạo động lực thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong thời gian tới", đại biểu Nguyễn Thị Thủy nói.
Cơ chế chấp nhận rủi ro cần bao quát, rõ điều kiện áp dụng, thật sự "cởi trói"
Nhận thấy Điều 6 dự thảo Nghị quyết mới chỉ thiết kế một phần là miễn trách nhiệm dân sự của tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong trường hợp xảy ra thiệt hại với Nhà nước, đại biểu Trịnh Xuân An đề xuất, cần miễn trách nhiệm dân sự đối với cả trường hợp xảy ra thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân khác có liên quan nhằm bảo đảm tính bao quát của cơ chế chấp nhận rủi ro này. Trong Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp cũng đã quy định về nội dung này.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cũng đề nghị dự thảo Nghị quyết cần quy định điều kiện thật cụ thể và rõ ràng để áp dụng được cơ chế này, cụ thể là bổ sung 4 điều kiện. Thứ nhất là đã áp dụng đầy đủ các quy trình, quy phạm trong nghiên cứu khoa học. Thứ hai là bổ sung quy định không chỉ áp dụng miễn trách nhiệm dân sự trong khâu về nghiên cứu đề tài khoa học mà bổ sung hai khâu nữa tương tự như miễn trách nhiệm hình sự, đó là khâu thử nghiệm kết quả nghiên cứu và khâu áp dụng kết quả nghiên cứu.

Thứ ba là không chỉ là áp dụng đầy đủ các quy trình, quy phạm mà cần có quy định "đã áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng ngừa trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng"; "đã áp dụng đầy đủ quy trình, quy phạm" và "đã áp dụng các biện pháp phòng ngừa nhưng vẫn gây ra thiệt hại" thì mới đáp ứng điều kiện để miễn trách nhiệm dân sự.
Điều kiện thứ tư, theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, là "anh gây ra thiệt hại cho Nhà nước mới được xem xét miễn trách nhiệm dân sự, còn anh gây thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân khác thì vẫn phải thực hiện việc bồi thường theo quy định của chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong Bộ luật Dân sự".
Với bản chất của hoạt động nghiên cứu là có rủi ro, vì vậy, ban hành cơ chế chấp nhận rủi ro trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ là điều cần thiết để tránh dồn nhiều trách nhiệm và áp lực lên các cá nhân, tổ chức nghiên cứu dẫn tới việc các cơ sở nghiên cứu không dám nhận những đề tài nghiên cứu lớn, có rủi ro cao như các nghiên cứu cơ bản. Xuất phát từ thực tế đó, các đại biểu cũng mong muốn, cơ chế chấp nhận rủi ro trong dự thảo Nghị quyết cần bảo đảm tính bao quát, rõ điều kiện áp dụng, để thật sự "cởi trói" nút thắt trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia hiện nay.