- Phùng Quốc Hiển -
Chuyên gia tư vấn của Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội
Trong thời gian gần đây, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa thông điệp với mong muốn, khát vọng mạnh mẽ: “Đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Và đã triển khai các nội dung rất quan trọng để bước đầu đáp ứng và thực hiện được khát vọng đó.
Đó là cuộc cách mạng về đổi mới mô hình tổng thể của hệ thống chính trị, công tác tổ chức, cán bộ và tinh gọn biên chế để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Đảng, chính quyền và các đoàn thể từ Trung ương đến địa phương; chống lãng phí, coi lãng phí có tác hại hơn cả tham nhũng, tiêu cực; đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Ngoài ra, các Nghị quyết của Đảng và ý kiến chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều nêu vấn đề xây dựng thể chế; là mở một nút thắt để thúc đẩy sự phát triển. Như vậy, có 4 vấn đề vừa mang tính thời sự, vừa mang tính lâu dài cần phải làm để cho đất nước vươn mình, đó là: Thể chế; tổ chức, bộ máy; chống lãng phí, tham nhũng, tiêu cực; và yêu cầu mang tính đột phá của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia.
Trong 4 yêu cầu mang tính cách mạng đó, thì như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra đột phá quan trọng là: Với mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, chúng ta phải coi khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là "chìa khóa vàng", là yếu tố sống còn để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu, đồng thời hiện thực hóa khát vọng hùng cường và thịnh vượng của dân tộc.
Rõ ràng, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chính, động lực quan trọng, có ý nghĩa sống còn để đất nước phát triển hùng cường và thịnh vượng; và phải được đi đầu so với các yêu cầu khác.
Nếu xét về mặt lý luận, thì khoa học, kỹ thuật, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ làm thay đổi về trình độ của lực lượng sản xuất, tạo ra tư liệu sản xuất mới và sức lao động mới. Cùng với đó là tính chất của sự phân công lao động xã hội sẽ ở một tầm cao mới, là yếu tố quan trọng làm cho lực lượng sản xuất sẽ có sự thay đổi về chất; kéo theo sự chuyển biến mạnh mẽ về quan hệ sản xuất để phù hợp với tính chất và trình độ sản xuất, cùng với sự thay đổi của thượng tầng kiến trúc.
Xét về nhận thức mới, thì phát triển kinh tế không chỉ là sự tăng trưởng kinh tế, hay thu nhập bình quân đầu người tăng thêm hoặc quy mô nền kinh tế đạt đến mức độ nào, vì đó chỉ là phản ánh sự biểu hiện ra bên ngoài nền kinh tế. Còn nội dung của nó mang tính bản chất và cốt lõi là sự thay đổi về chất của cơ cấu kinh tế, cơ cấu xã hội và cơ cấu chính trị - đó chính là động lực lâu bền của sự phát triển.
Điều gì mang lại sự thay đổi và tạo ra động lực quan trọng, lớn lao đó, không có gì khác chính là từ sự thay đổi mang tính cách mạng, sức đột phá của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của thời đại kinh tế tri thức, với sự bùng nổ của công nghệ số hóa, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ mới (như vật liệu mới, công nghệ sinh học mới, năng lượng mới...) sẽ làm thay đổi về nhận thức, về cách thức tổ chức sản xuất kinh doanh, quản trị kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh. (Có thể nói vui rằng, chỉ cần một chiếc Iphone thế hệ mới, cùng một ngón tay cái có thể tổ chức sản xuất và điều hành, quản trị sản xuất...).
Một nội dung cũng cần được nhấn mạnh là trong những yếu tố gắn bó với nhau mang tính bao trùm, tính hữu cơ của đột phá về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, thì có lẽ đổi mới sáng tạo sẽ là trung tâm, vì đổi mới sáng tạo là bản chất của nền kinh tế tri thức. Nó là nguồn trí thức không bao giờ cạn, quyết định chuỗi giá trị và phân phối giá trị gia tăng của một quốc gia. Như Tổng thống Liên bang Nga V. Putin nói: “Quốc gia nào nắm được đổi mới sáng tạo thì sẽ hưởng 85% giá trị gia tăng tạo ra”. Có nghĩa là, nếu không đổi mới sáng tạo thì quốc gia đó chỉ hưởng 15% giá trị gia tăng làm ra mà thôi. Xét cho cùng cũng chỉ là làm công cho quốc gia khác, như người xưa nói "lấy công làm lãi”.
Còn yếu tố chuyển đổi số quốc gia là sự chuyển hóa, biến đổi về cách thức sản xuất, kinh doanh, quản trị ở các cấp độ khác dựa trên kỹ thuật số, để tạo ra một nền kinh tế số, xã hội số, quản trị số…; nếu không chuyển đổi số tích cực, nhanh chóng thì các mục tiêu khác sẽ gặp khó khăn trong tổ chức thực hiện.
Nói cách khác, chuyển đổi số quốc gia là yêu cầu tiên quyết làm thay đổi tư duy, nhận thức của toàn xã hội, từ cách thức sản xuất, các quan hệ kinh tế, văn hóa, quan hệ xã hội, cũng như các thiết chế khác. Cũng cần nói thêm rằng chuyển đổi số quốc gia nhanh mới có thể đáp ứng yêu cầu đổi mới của hệ thống chính trị, chống lãng phí, thậm chí giúp thay đổi, hoàn thiện thể chế.
Chúng ta bước vào một kỷ nguyên mới, như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh là kỷ nguyên “của phát triển kinh tế mạnh mẽ, cải thiện đời sống nhân dân và đóng góp cho nhân loại”.
Có thể suy ra rằng, kỷ nguyên mới là kỷ nguyên thay đổi về chất của sự phát triển kinh tế dựa trên ba yếu tố là: cơ cấu kinh tế, cơ cấu xã hội và cơ cấu chính trị; là kỷ nguyên hạnh phúc của Nhân dân chuyển từ “ăn no, mặc ấm" sang "ăn ngon, mặc đẹp”. Đặc biệt, đây là kỷ nguyên của hòa bình, quan hệ quốc tế sâu rộng và đóng góp vào sự phát triển của nhân loại.
Để thực hiện được mục tiêu to lớn, rõ ràng là chúng ta phải lấy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đối số là đột phá, là động lực, là “chìa khóa vàng” như ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm cùng với thực hiện 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được Tổng Bí thư nêu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị:
Một là, phải thống nhất ý chí và hành động. Hai là, phải khẩn trương hoàn thiện về thể chế, chính sách. Ba là, phải khẩn trương sắp xếp về bộ máy khoa học, kỹ thuật, công nghệ. Bốn là, phải đầu tư, bố trí ngân sách và nguồn lực cho cách mạng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Năm là, phải nhanh chóng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Sáu là, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ. Bảy là, tập trung đổi mới đào tạo con người có ý chí, tài năng, tránh dàn trải. Tám là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và tri thức quốc tế.
Đối với Quốc hội, cần tích cực hoàn thiện thể chế, pháp luật, nhất là về cơ chế tài chính, tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực… để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, đất nước ta, dân tộc ta sẽ thực hiện thành công đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.