Giống như nhiều quốc gia châu Âu khác, Đức đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động lành nghề khá trầm trọng. Số lượng việc làm trống ở nước này đã lên tới mức 1,98 triệu trong quý cuối cùng của năm 2022, mức cao nhất từng được ghi nhận. Tình trạng đáng báo động đó buộc chính quyền Berlin phải đánh giá lại các chính sách nhập cư hiện tại của mình, đồng thời thiết lập kế hoạch để lấp đầy khoảng trống với những người lao động có trình độ phù hợp từ bên ngoài Liên minh châu Âu (EU).
Bằng cách sửa đổi các quy tắc nhập cư, Chính phủ hy vọng sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho công dân nước thứ ba làm việc tại Đức. Dự thảo luật ước tính, nó có thể giúp tăng lượng di cư lao động có tay nghề cao từ các quốc gia ngoài EU lên khoảng 60.000 người mỗi năm, gần gấp đôi so với con số trước đại dịch Covid năm 2019.
Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner khẳng địnht, Đức “đang đặt nền móng cho khởi đầu mới trong chính sách nhập cư. Bất kỳ ai có thể đóng góp vào thành công kinh tế của đất nước với tư cách là người lao động lành nghề đều được chào đón”.
Dự luật mới là một phần trong gói cải cách toàn diện mà liên minh cầm quyền Đức cho biết sẽ hiện đại hóa luật pháp về nhập cư, cư trú và quốc tịch của Đức. Các quy tắc nhập cư lao động có tay nghề hiện tại của đất nước được thiết lập vào tháng 3. 2020, dưới dạng Đạo luật Nhập cư có tay nghề.
Nếu được thông qua, các cải cách sẽ cung cấp cho người lao động nước ngoài ba con đường để vào Đức. Trước hết, cải cách yêu cầu trình độ chuyên môn hoặc bằng đại học được công nhận ở Đức và hợp đồng lao động. Thứ hai, người lao động nước ngoài được chào đón phải có tối thiểu hai năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực liên quan và bằng cấp hoặc đào tạo nghề. Cuối cùng, cải cách sẽ trao “thẻ cơ hội” mới dành cho những cá nhân không có lời mời làm việc nhưng có tiềm năng tìm được việc làm ở Đức. Thẻ này sẽ tuân theo một hệ thống tính điểm, trong đó xem xét trình độ của người nộp đơn, kỹ năng tiếng Đức, kinh nghiệm chuyên môn, mối quan hệ với nước Đức và tuổi tác. Những người tìm việc đủ điều kiện có bằng cấp hoặc chứng chỉ nghề sẽ được phép ở lại Đức trong một năm khi họ tìm kiếm việc làm. Trong khi tìm kiếm việc làm toàn thời gian, họ sẽ được phép làm việc tới 20 giờ mỗi tuần.