Thách thức tứ bề
Cuộc bầu cử tháng 2.2024 là một trong những cuộc bầu cử gây tranh cãi nhất lịch sử Pakistan, dẫn đến một Chính phủ liên minh mong manh do Liên đoàn Hồi giáo Pakistan lãnh đạo với sự hỗ trợ của Đảng Nhân dân Pakistan. Cuộc bầu cử đã làm sâu sắc thêm sự phân cực và đặt ra câu hỏi về tính hợp pháp của các thể chế quan trọng như ủy ban bầu cử, ngành tư pháp và chính quyền trung ương.

Năm 2024 chứng kiến sự gia tăng đáng kể các hoạt động khủng bố dọc biên giới, đặc biệt là với Afghanistan, làm trầm trọng thêm các mối lo ngại về an ninh quốc gia. Bất ổn chính trị đã ngăn cản đầu tư, cản trở quản trị và làm suy yếu triển vọng dài hạn của quốc gia này. Nhưng việc hoàn tất Thỏa thuận dự phòng của IMF và việc ký kết Cơ chế quỹ mở rộng trị giá 7 tỷ USD trong 3 năm đã cung cấp hỗ trợ kinh tế rất cần thiết. Những diễn biến này đi kèm với những cải thiện đáng kể về kinh tế vĩ mô. Lãi suất chính sách giảm từ 22% xuống 12%, lạm phát giảm từ 29,7% vào tháng 12.2023 xuống 4,1% vào tháng 12.2024 và kiều hối tăng vọt 32,8%. Điều này giúp tài khoản vãng lai đạt được thặng dư tạm thời 1,2 tỷ USD trong nửa cuối năm 2025.
Mặc dù kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng GDP từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2024 là 0,9%, chủ yếu nhờ vào nông nghiệp. Ngành công nghiệp - đóng vai trò then chốt trong tăng trưởng nhờ xuất khẩu - tiếp tục vật lộn với tình trạng tăng trưởng âm, một dấu hiệu đáng lo ngại cho một quốc gia đang nỗ lực xây dựng thặng dư xuất khẩu. Điều này khiến cho Pakistan khó có thể đạt được mức tăng trưởng GDP 3% vào năm 2025. Thêm vào đó, tình trạng nghèo đói gia tăng và thất nghiệp dai dẳng làm trầm trọng thêm những thách thức về kinh tế, xã hội. Cơ sở thuế của Pakistan vẫn còn rất hạn hẹp và thâm hụt tài chính đang làm dấy lên mối lo ngại về khả năng duy trì nợ.
Tỷ lệ nợ công trên GDP vẫn ở mức cao, bởi sự phụ thuộc ngày càng tăng vào vay nợ nước ngoài để đáp ứng các nghĩa vụ tài chính. Bất chấp những nỗ lực cải thiện niềm tin của nhà đầu tư, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực tế vào năm 2024 vẫn không đạt được như dự báo. Hội đồng Doanh thu Liên bang cũng không đạt được mục tiêu thu thuế mặc dù đã áp dụng các loại thuế nặng. Pakistan tiếp tục chậm trễ trong việc áp dụng các giải pháp kinh tế hiện đại do công nghệ thúc đẩy. Việc truy cập internet vẫn chậm và không ổn định, cản trở thương mại điện tử và đổi mới, trong khi tình trạng kém hiệu quả của khu vực công tiếp tục gây ảnh hưởng đến công tác quản lý.
Làm sao thoát khỏi chu kỳ khủng hoảng?
Với mong muốn xác định lại quỹ đạo kinh tế của đất nước trong năm nay, Chính phủ Pakistan đã đưa ra kế hoạch Uraan Pakistan - một kế hoạch kinh tế quốc gia 5 năm nhằm đưa đất nước hướng tới tăng trưởng bền vững. Thủ tướng Shehbaz Sharif cho biết, Chính phủ của ông đã thực hiện các bước để đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, tập trung vào cải cách trong mọi lĩnh vực. “Theo kế hoạch này, Pakistan sẽ tập trung vào việc phát triển ngành công nghiệp, thương mại, công nghệ thông tin, thương mại, đầu tư và tìm kiếm thị trường mới cho các sản phẩm của mình trên toàn thế giới”, ông Sharif cho biết.
Song, các chuyên gia nhận định, thành công của kế hoạch này phụ thuộc vào sự thay đổi cơ bản trong cách giải quyết các thách thức. Các sáng kiến Tầm nhìn 2025 và Tầm nhìn 2047 đã được trình bày với tham vọng tương tự nhưng thiếu sự đánh giá và theo dõi hiệu quả của Chính phủ. Có thể nhận thấy, kế hoạch Uraan Pakistan đang đi theo cùng một mô hình, không kết hợp các bài học từ những thất bại trong quá khứ, có thể dẫn tới thất bại. Do đó, Pakistan cần một hướng đi mới - một khuôn khổ dựa trên hệ thống giải quyết tính liên kết của các thách thức và vạch ra con đường hướng tới sự tiến bộ bền vững.
Một mô hình dựa trên hệ thống xem những thách thức của Pakistan như các yếu tố kết nối của một hệ sinh thái lớn hơn. Các bên liên quan như quốc hội, cơ quan thành lập, ngành tư pháp, phương tiện truyền thông, xã hội dân sự, học viện và công chúng, đều đại diện cho một nút quan trọng trong hệ thống này. Bất kỳ sự rối loạn chức năng nào chắc chắn sẽ phá vỡ toàn bộ hệ thống, điều này đã thấy rõ vào năm 2024. Việc Quốc hội không có khả năng lập pháp đã tạo ra sự bế tắc về chính sách, trong khi sự can thiệp quá mức của tư pháp làm suy yếu quyền hành pháp. Sự phóng đại của truyền thông đã thúc đẩy bất ổn xã hội và sự kém hiệu quả của bộ máy quan liêu đã làm đình trệ các cải cách.
Chuyển đổi kinh tế phải dựa trên cải cách hệ thống. Pakistan cần chuyển đổi từ mô hình phân mảnh và bị khủng hoảng thúc đẩy sang hệ sinh thái tích hợp ưu tiên đổi mới và bền vững. Việc đơn giản hóa quy định là điều cần thiết để giúp doanh nghiệp hoạt động dễ dàng hơn, trong khi cơ sở thuế phải được mở rộng để giảm thâm hụt tài chính và hướng tới cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và phát triển nguồn nhân lực. Phục hồi công nghiệp là rất quan trọng - các ưu đãi có mục tiêu và cải tiến công nghệ có thể thúc đẩy tăng trưởng do xuất khẩu dẫn đầu và đưa Pakistan vào chuỗi giá trị toàn cầu. Giới chuyên gia khẳng định, kế hoạch Uraan cần phải được hiệu chỉnh lại để phản ánh những ưu tiên này. Chuyển đổi kỹ thuật số phải đi đầu, với các khoản đầu tư vào internet tốc độ cao và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cho phép thương mại điện tử và đổi mới. Thêm vào đó, cải cách giáo dục cũng quan trọng không kém, nghiên cứu và phát triển nên được khuyến khích để thúc đẩy đổi mới.
Đặc biệt, ổn định chính trị là nhân tố cốt yếu của cải cách hệ thống. Một cuộc đối thoại quốc gia có sự tham gia của tất cả các đảng phái chính trị và xã hội dân sự là điều cần thiết để xây dựng sự đồng thuận về các cải cách quan trọng. Cần có các quy trình bầu cử minh bạch và chính quyền phải tập trung vào các mục tiêu dài hạn vượt ra ngoài ranh giới của các đảng phái. Minh bạch và trách nhiệm giải trình phải bắt đầu từ cấp cao nhất, với thủ tướng và nội các làm gương.
Giới quan sát kỳ vọng, năm 2025 Pakistan có thể thoát khỏi chu kỳ khủng hoảng đã định hình trong quá khứ. Dù đây không phải là con đường dễ dàng, nhưng là con đường duy nhất để Pakistan tiến về phía trước. Cách tiếp cận có hệ thống không chỉ là giải quyết các vấn đề, mà còn tạo ra một khuôn khổ để hạn chế rủi ro nhất có thể. Chuyển từ quản trị thụ động sang lập kế hoạch chủ động, tích hợp. Pakistan có tiềm năng trở nên mạnh mẽ hơn, nhưng điều này đòi hỏi những quyết định táo bạo, cam kết không lay chuyển và tầm nhìn chung cho tương lai.