
. Từ Paris đến Tashkent: Hành trình bền bỉ vì chủ nghĩa nghị viện
. Khẳng định vị thế Uzbekistan
Bên cạnh lễ kỷ niệm trọng thể kỳ Đại hội lần thứ 150 của IPU, với bài phát biểu quan trọng của Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev, chương trình nghị sự của IPU-150 còn có những nội dung nổi bật sau đây:
40 năm Diễn đàn Nữ nghị sĩ: Phụ nữ định hình chính trị
Tại Đại hội đồng IPU năm nay, các đại biểu sẽ kỷ niệm 40 năm thành lập Diễn đàn Nữ nghị sĩ IPU. Vào năm 1985, tại Lomé, Togo, một nhóm nhỏ các nữ nghị sĩ đã tổ chức cuộc họp toàn cầu đầu tiên trong khuôn khổ Đại hội đồng IPU lần thứ 73. Sự kiện mang tính bước ngoặt này đã thành lập Diễn đàn Nữ nghị sĩ đầu tiên – một không gian để các nữ nghị sĩ nhóm họp, kết nối và thúc đẩy tiếng nói cũng như hành động của họ trong khuôn khổ IPU và nhiều tổ chức khác.
Trong bối cảnh thế giới đang hướng tới kỷ niệm 30 năm Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh; đồng thời IPU đã đặt bình đẳng giới là ưu tiên nổi bật trong chương trình nghị sự năm 2025 của mình. Diễn đàn Nữ nghị sĩ năm nay sẽ tập trung đánh giá tác động của những hành động cụ thể mà các mạng lưới nữ nghị sĩ và nữ lãnh đạo đã mang lại trong nỗ lực trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, cũng như thúc đẩy bình đẳng giới nói chung.
Một số diễn giả từ các quốc gia sẽ trình bày các câu chuyện thành công nổi bật về cách mà những mạng lưới này đã tác động cụ thể đến cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái ở địa phương; xác định các cách mà các mạng lưới nữ lãnh đạo có thể tăng cường ảnh hưởng của họ trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, bao gồm việc tận dụng sự hỗ trợ của nam giới và xây dựng quan hệ đối tác với nhiều bên liên quan; chia sẻ kiến thức và hợp tác giữa các mạng lưới nữ nghị sĩ và nữ lãnh đạo; đồng thời vạch ra những ưu tiên và dự án sắp tới của các mạng lưới nữ nghị sĩ toàn cầu và khu vực.
Mục tiêu phát triển xã hội và hành động của nghị viện
Phát triển xã hội, cùng với phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường là một trong ba trụ cột của phát triển bền vững. Đây là quá trình cải thiện phúc lợi của từng cá nhân trong xã hội, giúp họ phát huy tối đa tiềm năng của mình trong khuôn khổ một cộng đồng có những giá trị chung. “Thúc đẩy sự phát triển và công bằng xã hội” là xây dựng một xã hội công bằng và bao trùm; đảm bảo rằng tất cả mọi người đều có quyền tiếp cận bình đẳng với các cơ hội, quyền lợi và tài nguyên - hay nói cách khác là đặt phúc lợi của con người vào trung tâm của phát triển bền vững.
Vào cuối thế kỷ XX, tầm nhìn về phát triển xã hội với con người là trung tâm đã được khẳng định trong Tuyên bố Copenhagen về phát triển xã hội năm 1995, sau đó là Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Trên thực tế, thế giới sẽ không đạt được bất kỳ mục tiêu phát triển bền vững nào nếu không khắc phục tình trạng bất bình đẳng cấu trúc cũng như không đáp ứng nhu cầu của những nhóm dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.
Tuy nhiên, trong ba thập kỷ qua, kể từ Tuyên bố Cophehagen, thế giới đã chứng kiến làn sóng toàn cầu hóa và sự tự do hóa cùng với các quy tắc thương mại và thị trường. Trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả lĩnh vực xã hội, vai trò bảo vệ của chính phủ đã giảm sút, nhường chỗ cho các quy tắc của thị trường.
Đáng báo động hơn, thế giới đang bước vào kỷ nguyên mới của phát triển công nghệ, được thúc đẩy bởi chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo. Khoảng cách về tiếp cận công nghệ càng làm gia tăng khoảng cách phát triển giữa các quốc gia, cùng với đó khoảng cách về thu nhập và tài sản, cho phép một nhóm người tương đối nhỏ sở hữu phần lớn tài nguyên sản xuất toàn cầu.
Vào tháng 11.2025 tới, Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới lần thứ hai về phát triển xã hội, sẽ diễn ra tại Qatar. Đây sẽ là cơ hội để đánh giá những tiến bộ hoặc những bước lùi trong lĩnh vực phát triển xã hội kể từ Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử năm 1995; đồng thời đưa ra những định hướng cho tương lai. Với tư cách là cơ quan đại diện của người dân, các nghị viện quốc gia đóng vai trò then chốt trong quá trình này; là nơi tạo ra các nền tảng pháp lý cho tiến trình phát triển xã hội và bảo đảm công bằng cho tất cả mọi người.
Với ý nghĩa đó, tại phiên họp toàn thể của Đại hội đồng IPU-150, cùng với chủ đề “Hành động của nghị viện vì sự phát triển và công bằng xã hội" các đại biểu sẽ tập trung thảo luận các điểm chính như sau:
Về mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, các đại biểu sẽ thảo luận về quyền tiếp cận các dịch vụ thiết yếu, bao gồm chăm sóc sức khỏe, giáo dục và nhà ở; bảo vệ xã hội đối với tất cả mọi người, bắt đầu từ những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất, như người cao tuổi, người khuyết tật và trẻ em; thuế suất lũy tiến và các chính sách thuế khác giúp giảm bớt bất bình đẳng; tạo ra một môi trường kinh tế thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; tăng cường quyền tiếp cận tài chính tư nhân cho các khoản đầu tư sản xuất, đặc biệt là tín dụng vi mô.
Về việc làm và mức lương, các đại biểu sẽ thảo luận về các biện pháp nhằm thiết lập mức lương và điều kiện làm việc công bằng; tôn trọng quyền lợi của người lao động; khuyến khích khởi nghiệp, đặc biệt là đối với phụ nữ, thanh niên và các nhóm bị thiệt thòi; thúc đẩy chuyển đổi từ lao động phi chính thức sang lao động chính thức…
Về thúc đẩy hòa nhập xã hội, các đại biểu sẽ thảo luận về khả năng thông qua các luật chống phân biệt đối xử để tăng cường bình đẳng cơ hội trong giáo dục, việc làm và tiếp cận các dịch vụ công; thúc đẩy người di cư và người tị nạn hội nhập với xã hội sở tại; thúc đẩy quyền tiếp cận rộng rãi với chuyển đổi số và phát triển công nghệ; tăng cường sự tham gia của phụ nữ, thanh niên và các nhóm thiểu số vào việc ra quyết định ở mọi cấp độ.
Với tất cả những nội dung này, các nghị sĩ sẽ đặt ra câu hỏi Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới lần thứ hai sắp tới sẽ cần đưa ra những cam kết nào về phát triển và công bằng xã hội?
Cuộc họp của các cơ quan chủ chốt
Đại hội đồng cũng sẽ chứng kiến các cuộc họp của các cơ quan chủ chốt của IPU bao gồm 4 Ủy ban thường trực chuyên đề, Diễn đàn Nghị sĩ trẻ, Ủy ban Nhân quyền của Nghị sĩ, Ủy ban về các vấn đề Trung Đông và Lực lượng đặc nhiệm về giải quyết hòa bình cuộc chiến ở Ukraine.
Đặc biệt, Ủy ban Thường trực về Hòa bình và An ninh quốc tế sẽ thảo luận Dự thảo Nghị quyết về Vai trò của Nghị viện trong việc thúc đẩy giải pháp hai nhà nước ở Palestine và Dự thảo Nghị quyết về Giảm thiểu tác động của xung đột, bao gồm xung đột vũ trang, đối với phát triển bền vững.
IPU cũng ngày càng khẳng định tính phổ quát với tư cách là “nghị viện của các nghị viện” khi số lượng thành viên dự kiến sẽ tăng lên 182 với việc kết nạp Belize tại kỳ Đại hội đồng lần này.
Tại kỳ họp, IPU cũng sẽ mở đề cử cho Giải thưởng Cremer-Passy năm 2025, nhằm vinh danh các nghị sĩ có thành tích đặc biệt về bình đẳng giới, chủ đề năm 2025 của IPU.