Trong những nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, đặc biệt là nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, giám sát chuyên đề đã trở thành hình thức giám sát quan trọng, thường xuyên, kịp thời giữa các kỳ họp, trên các lĩnh vực nóng bỏng của đời sống xã hội và mang lại chuyển biến “ngay và luôn” trong thực tiễn thi hành chính sách pháp luật.
Đổi mới hoạt động giám chuyên đề là một lựa chọn đúng đắn nhằm khắc phục tính hình thức của hoạt động này. Từ đó tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, nâng cao vị thế, vai trò thực sự của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, đồng hành cùng bộ máy chính quyền.
Nghiên cứu đổi mới hoạt động giám sát chuyên đề cần thấy rõ sự khác biệt giám sát với thanh tra, kiểm tra hay điều tra. Mục đích của giám sát là bảo đảm việc tuân theo Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết, pháp lệnh của UBTVQH; bảo đảm thực hiện chính sách pháp luật của Nhà nước. Từ đó làm rõ trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và những giải pháp khắc phục tồn tại. Mục đích công tác kiểm tra, thanh tra là hướng tới xử lý, khắc phục sai phạm hành chính hay thi hành kỷ luật hành chính, kỷ luật đảng theo thẩm quyền và chuyển cơ quan điều tra khi có dấu hiệu phạm pháp luật. Điều này lại càng khác xa với công tác điều tra, truy tố, xét xử. Mục đích của hoạt động giám sát có thể xem là điểm “cốt lõi” khi đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát nói chung và giám sát chuyên đề nói riêng.
“Đoàn giám sát phải có bản lĩnh, dám nói thẳng, nói thật.” |
Sự lúng túng lâu nay trong đánh giá hiệu quả, hiệu lực giám sát của cơ quan dân cử còn ở nhận thức “thiên lệch” mà chưa làm rõ khác biệt về mục đích, yêu cầu mỗi loại hình giám sát như: chất vấn, xem xét báo cáo hoạt động của cơ quan nhà nước, bỏ phiếu tín nhiệm và giám sát chuyên đề. Điều này gây khó khăn ít nhiều trong lựa chọn hướng đi tập trung đổi mới hoạt động giám sát trong một thời gian dài. Đánh giá hiệu quả giám sát chuyên đề đúng, sát là cơ sở cho những bước đổi mới. Hiệu quả giám sát chuyên đề “cô đọng” ở kết luận giám sát và việc đưa kết luận đó vào cuộc sống. Kết luận của đoàn giám sát như "khuyến nghị" mang tính ràng buộc pháp lý thấp. Kết luận giám sát chuyên đề cần xây dựng thành nghị quyết nhằm “luật hóa” kết quả giám sát; nâng tầm giá trị pháp lý, buộc đối tượng bị điều chỉnh phải tuân thủ. Và khi nghị quyết giám sát được đổi mới chứa đựng quy phạm pháp luật, lượng hóa nhiều mục tiêu, chỉ rõ sai phạm, trách nhiệm cá nhân, thời hạn khắc phục... thì đấy là bước đột phá bảo đảm hiệu lực thi hành pháp luật. Và giám sát chuyên đề như “thanh bảo kiếm” sắc bén vào lĩnh vực nào sáng tỏ lĩnh vực đó; làm rõ những ưu, khuyết, những lỗ hổng pháp luật, lỗ hổng trong vận hành bộ máy và chuyển biến kịp thời.
Hình thức giám sát chuyên đề hoạt động giữa 2 kỳ họp, phiên họp và đưa ra xem xét tại các kỳ họp, phiên họp được tổ chức công phu có khảo sát, nghe báo cáo, giải trình, chất vấn chuyên ngành, có kiểm tra số liệu, đi thực địa, điều tra dư luận xã hội… để đánh giá hoạt động thực thi pháp luật trên những lĩnh vực cụ thể được hoạch định trước như: đất đai, quy hoạch, văn hóa giáo dục, an sinh xã hội, bảo vệ quyền lợi công dân… Hình thức này đang tìm tòi hướng đi mới, giải pháp mới, cách tiếp cận mới, tránh cách làm hình thức, “cưỡi ngựa xem hoa”. Điều này đặt ra nhiệm vụ mới cho các cơ quan của Quốc hội, HĐND các cấp và đại biểu Quốc hội, HĐND trong công tác chuẩn bị.
“Xuống ngựa xem hoa” là cách nói ví von, là yêu cầu khi bắt tay vào đổi mới hoạt động giám sát chuyên đề không hình thức bao biện, không chung chung. Điều đó thể hiện từ việc lựa chọn vấn đề đúng và trúng; chuẩn bị kỹ lưỡng, xác định mục tiêu, mục đích rõ ràng với kế hoạch triển khai cụ thể, sát thực tế… Và quan trọng nhất là kết quả giám sát sẽ là gì? Từ kết quả giám sát có ra được nghị quyết không? Kết luận giám sát bằng một nghị quyết có giá trị như đạo luật “sửa đổi, bổ sung một số điều” điều chỉnh lĩnh vực được giám sát, buộc đối tượng bị giám sát thực thi nghiêm.
Ngay trong cuộc làm việc mới đây với đoàn giám sát tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã nhấn mạnh “Việc triển khai 4 chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này có nhiều đổi mới so với trước đây, trong đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến nhiều lần, nhiều vòng mới thống nhất được bản kế hoạch chi tiết và Đề cương giám sát của từng chuyên đề để triển khai thực hiện. Do đó trong quá trình triển khai, Đoàn giám sát phải bám sát các mốc thời gian, tiến độ, mục đích và yêu cầu đặt ra tại Kế hoạch chi tiết và Đề cương giám sát, rà soát đánh giá từng loại phần việc, ai chịu trách nhiệm, sản phẩm đến nay là gì, phải cá thể hóa trách nhiệm đến từng thành viên Đoàn giám sát và từng thành viên tổ giúp việc, chuẩn bị kỹ lưỡng, làm đến đâu chắc đến đấy để bảo đảm hiệu quả giám sát”.
“Khi nghị quyết giám sát chuyên đề được đổi mới chứa đựng quy phạm pháp luật thì đấy là bước đột phá bảo đảm hiệu quả, hiệu lực thực thi của hoạt động này. |
Chuẩn bị từ sớm, từ xa, kỹ lưỡng và đầy đủ cùng với việc huy động đội ngũ chuyên gia chuyên sâu tham gia hỗ trợ nhưng kết quả giám sát, kết luận giám sát có nói thẳng, nói thật, nói hết không? Điều quan trọng chính là dũng khí, bản lĩnh của mỗi thành viên giám sát dù vấn đề kết luận đụng chạm đến các tầng nấc, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong bộ máy nhà nước, thậm chí là cả hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương. “Giám sát phải đi đến cùng, giám sát đến nơi, đến chốn với mục tiêu cao nhất là vì sự phát triển của đất nước, vì quyền lợi của người dân và doanh nghiệp”. Từ đó thúc đẩy các giải pháp khắc phục nhanh chóng, hiệu quả trong vận hành bộ máy; bảo đảm thực thi phám luật nghiêm minh; hoàn thiện hệ thống pháp luật và xử lý kịp thời những vi phạm; lấy lại niềm tin trong nhân dân.
Giám sát chuyên đề được tổ chức tốt có năng lực mạnh mẽ như một “Ủy ban đặc biệt” xem xét chuyên sâu những vấn đề lớn, có tính hệ thống và mang lại kết quả thiết thực, khả thi cao, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật; nâng cao vai trò, vị trí của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Việc thành lập Ủy ban lâm thời (theo Khoản 5, Điều 11 và Điều 17 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân năm 2015) để thực hiện giám sát chuyên đề thường xuyên như một số ý kiến khơi gợi chỉ thực sự cần thiết ở những vấn đề cơ quan của Quốc hội cần vào cuộc điều tra.