Thời gian là vàng
Chậm trễ, dây dưa, lùi thời điểm hoàn thành theo Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quộc hội đề ra đã không còn là việc “hy hữu” nữa. Đấy là điểm “nhức nhối” về tính khả thi của pháp luật.
Mới đây, qua giám sát tổ chức thực hiện Nghị quyết 66/2013/QH13 của Quốc hội về tiến độ hoàn thành đường Hồ Chí Minh cho thấy nhiều vướng mắc. Dự án chưa đạt yêu cầu nối thông toàn tuyến, với quy mô 2 làn xe. Đối với phân kỳ đầu tư sau năm 2020, tiến độ quá chậm. Từ 2017- 2021, chỉ thực hiện được khoảng 86,1% tổng khối lượng. Còn phải giải quyết 171km đoạn: Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn; Đoan Hùng - Chợ Bến và Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận. Thế nhưng, nguồn vốn khoảng 10 nghìn 770 tỷ đồng, lại chưa biết lấy từ đâu?
Hay việc thực hiện Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Nghị quyết quy định rõ: "Chậm nhất là 60 ngày kể từ ngày nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở đơn vị hành chính mới phải hoàn thành xong việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy”. Và mãi cho đến năm 2021, cả nước sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã. Và một số địa phương vẫn chưa hoàn thành…
Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra yêu cầu đến năm 2019 phải triển khai đồng bộ thu phí dịch vụ không dừng đối với tất cả các tuyến quốc lộ được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trên cả nước. Nhưng… đến giữa tháng 8.2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành "tái chất vấn" thì Tổng cục Đường bộ mới báo cáo Bộ trưởng Giao thông, vận tải triển khai được 29 trạm với 161 làn, bằng 26%. Và cho đến thời điểm hiện tại, việc thực hiện nghị quyết này vẫn còn dang dở…
Phải chăng trong xây dựng chính sách, quyết định thời hạn còn dễ dãi, lỏng lẻo hay cơ quan “quyết” chưa biết hết, chưa tính hết nguồn lực cần có, năng lực tổ chức thực hiện của bộ máy, trách nhiệm của người thực hiện…? Hay còn “chừa đất” để điều chỉnh, hướng dẫn trong thực tiễn thi hành?! Đây là vấn đề quan trọng giữa lập pháp, lập quy và tính khả thi của pháp luật. |
Thời gian là vàng! Mọi quyết sách đều cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề thời hạn hoàn thành. Lỡ một nhịp sẽ kéo theo chi phí thực thi, chi phí cơ hội, chi phí về nguồn lực… rất lãng phí. Phải chăng trong xây dựng chính sách, quyết định thời hạn còn dễ dãi, lỏng lẻo hay cơ quan “quyết” chưa biết hết, chưa tính hết nguồn lực cần có, năng lực tổ chức thực hiện của bộ máy, trách nhiệm của người thực hiện…? Hay còn “chừa đất” để điều chỉnh, hướng dẫn trong thực tiễn thi hành?! Đây là vấn đề quan trọng giữa lập pháp, lập quy và tính khả thi của pháp luật. Lập pháp thì minh bạch nhưng thực thi lại lờ mờ. Có nơi, có chỗ thực hiện theo thói quen kiểu “làng xã” chờ đợi, kêu khó… Và thời hạn hoàn thành trong nghị quyết như một “khế ước” với cử tri trở thành câu hỏi treo lơ lửng chùng chình đi qua tháng, qua năm…
Đừng để “lệ làng” vẫn có đất tồn tại
Khi các đoàn giám sát vào cuộc thì đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm đều có lý do “chính đáng”. Nào là thiếu nguồn lực, chưa có hướng dẫn giải quyết vướng mắc phát sinh hay do điều kiện khách quan cản trở; đơn vị “trúng thầu” kêu khó nên không thể hoàn thành đúng thời hạn quy định. Nếu chỉ dừng ở bài học kinh nghiệm mà không làm rõ trách nhiệm thì pháp luật vẫn lỏng lẻo, đặt ra tiền lệ “lệ làng” vẫn có đất tồn tại. Rõ ràng với các hợp đồng ký kết với đối tác nước ngoài như “đường sắt trên cao” trong thực thi nếu chậm bị phạt, đền bù khoản phát sinh, không thì không làm nữa, thậm chí phá hợp đồng.
Tắc vì thiếu vốn! Đó cũng là cách nêu khó khăn của Bộ Giao thông, vận tải. Chính phủ đã đề nghị Quốc hội cho phép sớm sử dụng 10% nguồn vốn dự phòng, trước mắt ưu tiên 2 dự án Chợ Chu – Ngã ba Trung Sơn và Rạch Sỏi – Bến Nhất, Gò Quao – Vĩnh Thuận với tổng mức 5.570 tỉ đồng. Câu chuyện chậm tiến độ nhiều năm cùng những vướng mắc hay vấn đề phát sinh cần nhìn nhận rõ, vì chậm là giá cả vật tư leo thang, lợi nhuận, đóng góp kinh tế- xã hội theo tính toán ban đầu sút giảm… Vậy nguồn vốn thiếu hay không kịp giải ngân, cần đặt công khai lên bàn cân, để có lời giải xác đáng. Có như vậy mới rõ trách nhiệm.
Hay những nguyên nhân chủ quan thực hiện Nghị quyết 653 như: sắp xếp đơn vị hành chính lần đầu được triển khai thực hiện, chưa có kinh nghiệm nên địa phương còn nhiều lúng túng, một số nội dung phải chờ xin ý kiến hướng dẫn của Trung ương nên có lúc tiến độ còn chậm so với quy định. Thời gian xây dựng Đề án đến khi hoàn thành hồ sơ trình Bộ Nội vụ quá gấp, các địa phương gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện theo đúng tiến độ… Và rõ ràng cùng một yêu cầu có nơi làm kịp thời, hoàn thành tốt có nơi chậm trễ, chưa hoàn thành. Vày yêu cầu đối với việc giám sát lĩnh vực quan trọng này phải cụ thể, từng việc và cả trách nhiệm thời hạn hoàn thành... Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: “…biên chế giảm thì chủ yếu nằm ở tỉnh nào, tại sao địa bàn này giải quyết được vấn đề biên chế, tỉnh kia không thể thực hiện được? Qua đó, phát hiện nơi nào làm tốt thì nhân rộng, nơi nào có khuyết điểm, thiếu tinh thần trách nhiệm. Có nơi nào nóng vội, duy ý chí không?…” Đây là những câu hỏi mà Đoàn giám sát phải trả lời.
Khi mà dịch vụ thu phí không dừng quá chậm trễ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội giám sát và đưa ra kiến nghị cần thực hiện nghiêm túc thu phí tự động không dừng, bảo đảm minh bạch, hiệu quả, xây dựng lộ trình, tuyên truyền và có cơ chế, chính sách để các phương tiện thực hiện dán thẻ, sử dụng dịch vụ thu phí không dừng. Chỉ đạo cơ quan thuế phối hợp với Bộ Giao thông, vận tải để kết nối hệ thống dữ liệu, giám sát nguồn thu tương ứng với lưu lượng phương tiện giao thông qua các trạm thu phí không dừng để giám sát quá trình thu hồi vốn cũng như nghĩa vụ nộp thuế của các nhà đầu tư. Kiến nghị sau giám sát rõ ràng, tường minh nhưng mới tập trung chủ yếu ở giải pháp tháo gỡ mà thời hạn hoàn thành như quyết nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa được xem xét đến nơi đến chốn trong đó có cả “người” chậm trễ không hây hấn gì?
Kiến nghị giám sát của Ủy ban không chỉ tập trung giải pháp tháo gỡ mà cần nêu rõ thời gian chậm trễ thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội và trách nhiệm của người thực hiện trước cử tri và Nhân dân. |
Để “phép vua” không thua “lệ làng” thì ngay trong hoạt giám sát phải cụ thể, rõ ràng về những việc làm được, những việc chưa làm được và đặc biệt là việc bảo đảm tiến độ thời gian, hiệu lực của văn bản pháp luật. Đồng thời, chỉ ra được trách nhiệm cá nhân, đơn vị không đảm bảo thực hiện theo đúng tiến độ, nguyên nhân và giải pháp.
Bên cạnh đó, không dừng lại ở giám sát mà ngay trong thẩm tra xây dựng chính sách, nghị quyết phải làm rõ nguồn lực có bao nhiêu? Lấy ở đâu ra? Năng lực về vốn, công nghệ, nhân lực… của tổ chức, đơn vị được giao thực hiện? Mức độ phức tạp và kế hoạch tiến độ khả thi khi quyết định mốc thời gian, thời hạn hoàn thành? Đây chính là yếu tố góp phần bảo đảm tính khả thi, nghiêm minh của pháp luật.