Đừng là “trạm trung chuyển”
Những con số lạnh lùng tổng hợp đơn thư khiếu nại, tố cáo kiến nghị hàng tháng, hàng quý theo tỷ lệ bao nhiêu phần trăm đất đai, hành chính, tư pháp… hay bao nhiêu việc được tiếp nhận, chuyển đi, trả lời… không phản ánh rõ sự bức xúc trong dân, những việc oan khuất hay sự tha hóa của một bộ phận trong bộ máy chính quyền đã gây những oan ức cho dân, nhiễu loạn xã hội chưa bị phanh phui, trừng phạt.
Sẽ rất hình thức khi xử lý đơn thư nặng về thủ tục hành chính, lựa chọn, phân loại, xem xét nội dung vụ việc thuộc lĩnh vực nào và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét. Cách làm “vô cảm” như vậy sẽ biến nơi tiếp nhận, xử lý đơn thư thành “trạm trung chuyển”; đưa đẩy “nguyện vọng” của dân chạy lòng vòng hay khiếu kiện vượt cấp kéo dài. Nơi tiếp dân là “bộ mặt’ của chính quyền, là đầu vào của những kiến nghị, băn khoăn, khiếu nại quyền lợi bị vi phạm và tố cáo những việc làm trái pháp luật, xâm phạm lợi ích của người dân. Ở đây phải là nơi đầu tiên lắng nghe dân và tìm phương hướng giải quyết. Vì vậy, không đơn giản là cán bộ tiếp dân mà pháp luật đã quy định người có thẩm quyền, người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp phải định kỳ tiếp dân để thu nhận thông tin dân nguyện và giải quyết khiếu nại, tố cáo thực chất, kịp thời. Việc người đứng đầu một số nơi, một số cấp tỉnh, huyện, xã còn né tránh, đùn đẩy là vi phạm pháp luật, xa rời dân. Chính phủ cũng thẳng thắn thừa nhận: “Trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thủ trưởng cơ quan hành chính ở một số nơi chưa thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật. Còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, ngại va chạm, không tổ chức tiếp công dân, đối thoại với dân”. Đây thực sự là một nguyên nhân biến nơi tiếp dân thành “trạm trung chuyển”.
Khi “bộ mặt” của nhà nước giao tiếp với dân, nhận đơn thư không chỉ là việc giải quyết những oan ức trong dân, giải thích đường lối, chính sách mà còn phát hiện, sửa chữa những sai sót trong quyết định hành chính, trong vận hành bộ máy và trách nhiệm công chức. Tiếp dân “một cửa” vừa là khâu đầu, vừa là khâu cuối. Chính từ quy trình vận hành, đánh giá những lĩnh vực nổi cộm, tỷ lệ sai sót, tính chất, mức độ từng loại việc… là bài học khi ra các quyết định hành chính, những lỗ hổng của pháp luật, kẽ hở trong thực thi, đạo đức công vụ, bản lĩnh và trách nhiệm công chức nhà nước. Đây là công việc quan trọng không tách biệt với công việc hàng ngày, hàng tháng, hàng năm cần đánh giá thường xuyên. Nó cũng là “tiếng dân” phản ánh hoạt động bộ máy phục vụ dân như thế nào.
Xử lý đơn thư là cơ hội nghiên cứu về những bất cập của quy phạm pháp luật khi vào cuộc sống; nghiên cứu những thói quen, tránh nhiệm, đạo đức công vụ khi thực hành nhiệm vụ. Và quan trọng hơn là đánh giá được hiệu quả, hiệu lực, sự trong sạch của bộ máy của dân, do dân và vì dân… Những điểm như vậy rất cần rút tỉa trong quá trình xử lý đơn thư, theo đuổi các vụ việc. Công tác dân nguyện không phải và không thể xử lý hành chính đơn thuần, hình thức như một “trạm trung chuyển” mờ mịt trước nỗi đau của dân và trong mớ hỗn độn của thủ tục hành chính.
Trách nhiệm của "anh" nào, chủ trì ở Trung ương là ai, ở địa phương là ai, từng lĩnh vực một, chúng ta quy trách nhiệm rõ ràng thì khi bàn công tác dân nguyện hàng tháng mới có tác dụng thực tế. CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ |
Thanh gươm giám sát
Dân nguyện trong tay cơ quan dân cử như “thanh gươm giám sát” tìm ra những ung nhọt và chủ động tấn công, sửa chữa những sai lầm, mang lại niềm tin cho dân. Công tác dân nguyện của Quốc hội âm thầm có những đổi mạnh mẽ ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Giã từ cách báo cáo “xuân thu nhị kỳ”, hàng tháng, UBTVQH cho ý kiến vào báo cáo công tác dân nguyện với việc tổng hợp phân tích số liệu, lựa chọn vấn đề, định hướng giám sát và xem xét những vụ việc cụ thể. Đổi mới đi đôi với chuyển biến là tích cực. Theo Báo cáo công tác dân nguyện tháng 01.2022, mặc dù chưa đến thời hạn giải quyết, trả lời nhưng đã có 1.531/1.707 kiến nghị của cử tri gửi đến trước Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV đã được các bộ ngành xem xét, giải quyết, trả lời. Hiện còn 176 kiến nghị chưa được trả lời (chiếm 10,7%).
Dân nguyện không chỉ chờ đợi đơn thư, kiến nghị phản ánh mà phải có cách tiếp cận mới, cách nhìn mới từ sớm, từ xa khi những vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng và bức xúc trong đời sống người dân luôn vận động đặt ra hàng ngày. Như vậy “tiếng dân” luôn luôn rung động trong tâm mỗi đại biểu; đời sống thực tiễn đến ngay với nghị trường… |
Không chỉ là vấn đề báo cáo thường xuyên mà là vấn đề rút ra từ báo cáo đó. Đâu là vấn đề cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, đưa pháp luật vào cuộc sống? Đâu là vấn đề cần có giám sát chuyên đề? Đâu là vấn đề giám sát “nhanh”, giải trình ngay? Hay đâu là vụ việc cần đưa vào theo dõi, giải quyết dứt điểm? Thẩm quyền và trách nhiệm thuộc cơ quan, cá nhân nào?... “Trách nhiệm của anh nào, chủ trì ở Trung ương là ai, ở địa phương là ai, từng lĩnh vực một, chúng ta quy trách nhiệm rõ ràng thì công tác dân nguyện hàng tháng bàn như thế này mới có tác dụng thực tế. Đối với một số vụ việc cụ thể đã có ý kiến của UBTVQH trước đó, cơ quan nào được phân công cũng bám sát để làm đến nơi đến chốn, tránh chuyện "đánh trống bỏ dùi", nêu ra thì nhiều nhưng phương án, kế hoạch giải quyết thì ít, nêu ra trách nhiệm chung chung chứ không cá thể hóa được trách nhiệm cho tập thể, cho cá nhân nên hiệu lực của công tác này có hạn chế.”- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Dân nguyện không chỉ chờ đợi đơn thư, kiến nghị phản ánh mà phải có cách tiếp cận mới, cách nhìn mới từ sớm, từ xa khi những vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng và bức xúc trong đời sống người dân luôn vận động đặt ra hàng ngày. Ban Dân nguyện vào cuộc, phân tích, tổng hợp tình hình tham mưu cho UBTVQH và phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội giám sát… Như vậy, “tiếng dân” luôn luôn rung động trong tâm mỗi đại biểu; đời sống thực tiễn đến ngay với nghị trường và được người đại diện lắng nghe, xem xét. Ngay mới đây, qua giám sát nhanh vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã nêu 4 kiến về tăng cường công tác tuyên truyền trong phòng chống dịch: kiểm tra giám sát chống “loạn giá” mặt hàng bảo vệ sức khỏe người dân; sửa đổi quy định phòng chống dịch và cấp giấy hưởng bảo hiểm xã hội. Những kiến nghị này là sự lên tiếng sát với diễn biến “nóng” của đời sống xã hội, sự mong mỏi của người dân, của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội…; tác động mạnh mẽ lên sự trì trệ, khô cứng, hành chính hóa lúc “nước sôi lửa bỏng” của cơ quan chuyên môn, của chính quyền cơ sở, bộ ngành. Những giám sát nhanh như vậy dù chỉ ở mức độ “rung chuông thẩm quyền trách nhiệm” cũng đã tạo sự chuyển biến tích cực trong thực tiễn quản lý, đời sống xã hội và được cử tri ghi nhận, hoan nghênh. Phải chăng đây cũng là điều mà công tác dân nguyện cần đổi mới và lan tỏa?
Không "đánh trống bỏ dùi” là một yêu cầu, một thách thức trong công tác dân nguyện có nhiều vụ việc phức tạp, khó khăn liên quan hệ thống pháp luật có nhiều biến động, những quyết định có tính lịch sử hay vụ việc chồng chéo, đã giải quyết hết thẩm quyền luật định, đã thi hành... Những vụ việc như vậy cần sự chọn lọc đúng việc, đúng hướng; vượt qua định kiến, dày công nghiên cứu, tìm tòi, so sánh hệ thống pháp luật, phản biện sâu sắc và không bao giờ bỏ cuộc. Câu chuyện hai ông bà Trần Thị Xanh thương binh hạng 4/4 bị “trục xuất” ra khỏi nhà 9 năm vì bản án oan sai và khi Ủy ban Pháp luật vào cuộc kiên định với 2 tập hồ sơ gần 350 trang giải quyết đơn khiếu nại các cấp mới sáng tỏ. Chính quyền sửa sai và người thương binh được trở về ở chính ngôi nhà của mình. Điều đó cho thấy công tác dân nguyện không chỉ đòi hỏi sự tinh thông nghiệp vụ mà cả ở tấm lòng “đau nỗi đau của dân như nỗi đau của mình”.
Vất vả hơn, kỳ công hơn, nhưng “thanh gươm giám sát” một khi đã rút ra khỏi vỏ sẽ đi đến tận cùng sự việc và ánh lên niềm tin từ cử tri.