Đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc
- Trong Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 gửi đến QH tại Kỳ họp thứ Sáu, Chính phủ xác định rõ một trong những nhiệm vụ trong năm 2019 là tập trung khắc phục bằng được những yếu kém trong công tác cán bộ, kiểm tra công tác quy hoạch, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
- Bên cạnh những kết quả đã đạt, thời gian qua, công tác cán bộ đã bộc lộ những tồn tại hạn chế. Đó là tình trạng “chạy” chức, “chạy” quyền, “chạy” quy hoạch, “chạy” luân chuyển chậm được ngăn chặn, đẩy lùi. Đánh giá cán bộ vẫn được coi là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn việc đánh giá với kết quả, hiệu quả công việc cụ thể. Bên cạnh đó, công tác luân chuyển cán bộ còn bất cập, chưa đạt yêu cầu. Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc dư luận xã hội... Điều đau lòng là những người đã từng là ủy viên Trung ương Đảng, thậm chí cả ĐBQH được giới thiệu qua một quy trình chặt chẽ, nhưng vẫn có sai phạm xảy ra buộc phải xử lý.
Nhiều vụ việc bổ nhiệm thần tốc cán bộ thời gian qua được dư luận phản ánh, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc kịp thời để xử lý, chấn chỉnh. Những tiêu cực trong công tác cán bộ có lẽ không dừng lại ở những vụ việc được báo chí và dư luận phản ánh. Tại diễn đàn QH, nhiều ĐBQH cũng đã từng lên tiếng về vấn đề này. Do đó, để công tác cán bộ được công khai, minh bạch, Chính phủ xác định rà soát lại công tác cán bộ là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong năm 2019, tôi cho là rất đúng và trúng với yêu cầu thực tế đặt ra. Điều này thể hiện sự lắng nghe, cầu thị những ý kiến đóng góp của các ĐBQH, của nhân dân, dư luận của Chính phủ để kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, bất cập trong công tác cán bộ.
|
- Bước tiếp theo sau kiểm tra, rà soát việc quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ sẽ là gì, thưa ông?
- Qua kiểm tra, rà soát sẽ giúp chúng ta nhìn nhận rõ hơn đâu là những kẽ hở trong công tác cán bộ. Đâu là vướng mắc trong các quy định, đâu là vướng mắc trong thực thi công tác này.
Với những trường hợp bất chấp mọi quy định về trình tự, điều kiện và tiêu chuẩn để bổ nhiệm “thần tốc” thì cần kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng. Đồng thời, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có sai phạm.
- Bổ nhiệm nhân sự không đúng quy định cũng là một loại tham nhũng - tham nhũng trong công tác cán bộ. Loại tham nhũng này còn nguy hại hơn cả tham nhũng vật chất. Ông nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?
- Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm này. Tham nhũng trong công tác cán bộ được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó có hiện tượng “chạy” như đã nói ở trên. Hệ lụy của tham nhũng trong công tác cán bộ sẽ hình thành nên tầng lớp cán bộ cơ hội, thăng tiến chỉ lo xây dựng mối quan hệ để có lợi cho bản thân. Ngoài ra, tham nhũng trong công tác cán bộ cũng hình thành nên tình trạng “một người làm quan cả họ được nhờ”, một cơ quan mà lãnh đạo nhiều hơn nhân viên... Đồng thời, làm méo mó công tác cán bộ, những tiêu chuẩn, tín nhiệm không phản ánh đúng thực tế. Việc bổ nhiệm cán bộ trên cơ sở thân quen, vây cánh tác động tiêu cực tới hiệu quả hoạt động của bộ máy.
Như chúng ta đã biết, cán bộ là “cái gốc của mọi vấn đề”, khi “cái gốc” này thực hiện không nghiêm, để xảy ra sai phạm thì để lại hậu quả rất nặng nề, làm giảm sút uy tín của Đảng, giảm sút niềm tin của nhân dân vào công tác cán bộ.
Cấp trên làm tốt, cấp dưới sẽ không dám làm sai
- Hội nghị Trung ương 8, Khóa XII vừa qua đã thống nhất cao việc ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng. Điều này có ý nghĩa như thế nào trong công tác cán bộ của chúng ta, thưa ông?
Không chỉ tôi mà tất cả cử tri, đảng viên, nhân dân đều rất tin tưởng với quyết tâm của Trung ương Đảng khi ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Nếu từ cấp cao nhất nêu gương, nêu cao trách nhiệm thì cấp dưới sẽ không dám làm sai, chúng ta sẽ xây dựng được hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Không chỉ là quy định về trách nhiệm nêu gương, chúng ta cần luật hóa về trách nhiệm của người đứng đầu, cần có cơ chế giám sát, chế tài xử lý đi kèm. Càng cán bộ cấp cao thì càng phải gương mẫu, nếu có vi phạm thì phải xử lý thật nghiêm khắc. ĐBQH Khóa XIII Bùi Thị An (Hà Nội) |
- Vấn đề nêu gương không phải đến bây giờ mới đặt ra, Quy định về nêu gương của Hội nghị Trung ương 8 vừa qua là tiếp tục thể hiện định hướng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng vững mạnh và văn minh. Tuy nhiên, lần này, Quy định đã nhấn mạnh hơn về việc nêu gương đối với nhóm đối tượng cụ thể, ở tầm cao hơn, đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Thời gian qua, đã xảy ra không ít câu chuyện buồn về đạo đức cán bộ công chức, đảng viên, thậm chí có cả người đã từng ở vị trí của Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, người từng là ĐBQH có những vi phạm pháp luật gây thiệt hại lớn đến kinh tế đất nước, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Đảng. Vì vậy, việc Trung ương ban hành Quy định này chính là nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách đang đặt ra, nhằm sớm chấn chỉnh những sai phạm, nâng cao vị trí, uy tín của Đảng và đảng viên.
Việc tập trung “nêu gương” với một số đối tượng đặc biệt là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng là cần thiết, bởi cấp cao làm tốt thì cấp dưới sẽ không dám làm sai. Đó chính là tấm gương sáng để cho mọi người nhìn theo mà học tập, thực hiện. Tôi cho rằng, việc nêu gương lần này được thực hiện nghiêm túc sẽ góp phần chống suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đồng thời, sẽ góp phần hạn chế tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong công tác cán bộ.
- Như ông vừa nói, nêu gương tốt sẽ góp phần hạn chế tiêu cực trong công tác cán bộ. Vậy, để ngăn chặn được tham nhũng trong công tác này cần giải pháp căn cơ gì, thưa ông?
- “Cán bộ là cái gốc của mọi vấn đề”, do đó, cái gốc này phải làm cho thật tốt, cho thật vững mới có cơ hội cho sự phát triển của đất nước.
Để không xảy ra những tiêu cực, lùm xùm trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ như thời gian qua, cần nâng cao kỷ luật Đảng trong công tác cán bộ. Nêu cao tính tự giác, đặc biệt là tính nêu gương của những người có vị trí quyết định về công tác cán bộ. Thực hiện nghiêm quy định của Trung ương về quy trình trong công tác cán bộ. Tôi cho rằng, quy trình cán bộ của chúng ta rất chặt chẽ, cái lỗi lớn nhất là thực thi của chúng ta chưa nghiêm. Nhiều người đã cố tình làm méo mó quy trình để bổ nhiệm người nhà, người thân, “cánh hẩu” vì lợi ích cá nhân gây bức xúc dư luận.
Ngoài ra, để tạo được sự minh bạch trong công tác cán bộ, lựa chọn được đội ngũ cán bộ chất lượng cần có cơ chế thi tuyển công khai, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Đặc biệt, cần xử lý nghiêm những cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu có vi phạm trong công tác cán bộ. Vừa qua, với sự vào cuộc quyết liệt của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, rất nhiều trường hợp sai phạm trong công tác cán bộ đã được đưa ra ánh sáng, xử lý nghiêm minh. Tôi cho rằng, nếu chúng ta quyết tâm làm đến cùng, không có vùng cấm trong xử lý các sai phạm thì sẽ lấy lại niềm tin của nhân dân vào công tác cán bộ.
- Xin cảm ơn ông!