5 đặc tính của bảo hiểm
- Thưa Phó Chủ tịch, Nghị quyết Trung ương 7, Khóa XII về cải cách chính sách BHXH được đánh giá là có nhiều nội dung cải cách mang tính bước ngoặt. Là một trong những người trực tiếp thảo luận và biểu quyết thông qua Nghị quyết này, Phó Chủ tịch có thể chia sẻ đôi điều?
Phương pháp của chúng ta là áp dụng công nghệ thông tin, giảm chi phí quản lý, hướng tới hệ thống chính sách BHXH bảo đảm các nguyên tắc lớn. Một là toàn dân, hai là công bằng, ba là bình đẳng, bốn là đóng - hưởng, năm là chia sẻ và có lộ trình. ___________________ Thử tưởng tượng, một đất nước với hơn 90 triệu đồng bào, và trong số đó có một bộ phận cuộc sống không ổn định, khi về già, khi ốm đau, gặp khó khăn không tự mình giải quyết nổi sẽ phức tạp như thế nào? Rất nhiều vấn đề phát sinh đòi hỏi xã hội phải giải quyết. Nếu không xử lý ngay từ bây giờ, nó sẽ liên quan đến sự ổn định của xã hội sau này. Và chỉ khi giải quyết được các vấn đề đó, chúng ta mới có được sự ổn định để phát triển. Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển |
- Nhìn nhận một cách đầy đủ, thì bảo hiểm là vấn đề không mới. Song đã là bảo hiểm nói chung thì phải lưu ý tới 5 đặc tính. Trước hết là đặc tính tự nhiên. Bất cứ một sinh vật sống nào đều có một đặc tính tự bảo hiểm khi gặp khó khăn hoặc biến đổi của môi trường sống. Đối với con người thì bảo hiểm luôn đặt ra ở mức độ cao để phòng, chống thiên tai, địch họa và những khó khăn khác thường xảy ra với con người. Cha ông ta thường có câu: “Tích cốc phòng cơ”, hoặc “Được mùa chớ phụ ngô khoai/ Đến khi thất bát lấy ai bạn cùng”. Đặc tính thứ hai là đặc tính xã hội. Đã sống trong một xã hội, cộng đồng thì cần có các mối quan hệ, trong đó có quan hệ rất quan trọng, đó là cùng nhau chia sẻ khi gặp khó khăn, cùng nhau bảo hiểm. Nói đơn giản, trong cuộc sống bất kỳ cá nhân nào có thể gặp những vấn đề không mong muốn mang tính rủi ro không thể tự mình xử lý được, mà phải có sự tương hỗ, chia sẻ của tập thể, cộng đồng. Xã hội càng phát triển thì vấn đề bảo hiểm càng nâng tầm cao hơn. Đó là đặc tính rất quan trọng.
Thứ ba là đặc tính về tài chính. Bảo hiểm là phạm trù về kinh tế - tài chính. Khi có bất cứ hoạt động nào về bảo hiểm thì đều phải hình thành các quỹ, có thể là quỹ của quốc gia, của tổ chức, gia đình… và được dự trữ bằng một lượng vật chất, lượng tiền nhất định. Khi lượng tài chính được giữ càng lớn thì thế năng và sức mạnh của quỹ càng lớn. Nếu không có đặc tính này thì không thể có bảo hiểm. Thứ tư là đặc tính về văn hóa. Trình độ dân trí càng cao thì bảo hiểm chính là sự chia sẻ khó khăn với nhau một cách rất nhân văn. Và cuối cùng là đặc tính giới.
Cho nên, khi phân tích hoặc đưa ra chính sách liên quan đến bảo hiểm, cụ thể là BHXH, phải nhìn toàn diện vào 5 đặc tính nêu trên, chứ không chỉ nhìn một hoặc một số đặc tính là chưa đầy đủ, nếu không nói là bị méo mó. Ví dụ, có ý kiến cho rằng, trong câu chuyện về BHXH chỉ đơn thuần là vấn đề đóng - hưởng, nhưng thực tế đóng - hưởng chỉ là một khía cạnh tài chính, ngoài ra nó còn liên quan đến tính tự nhiên, tính xã hội, tính văn hóa và tính giới của con người.
- Với Nghị quyết lần này, nhiều ý kiến cho rằng, đây không đơn thuần là cuộc cải cách về thể chế, chính sách. Như nhận định của Phó Chủ tịch, thì đây là bước ngoặt lớn…?
- Nhìn một cách tổng thể và lâu dài thì đây là một bước ngoặt lớn về cải cách chính sách bảo hiểm. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao phải làm cuộc cải cách lớn này?
Theo tôi, trước hết xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đang đặt ra. Nếu không giải quyết được vấn đề bảo hiểm, đặc biệt là BHXH, thì khó có thể thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Vì rằng, thực hiện tốt chính sách BHXH, giải quyết các vấn đề liên quan những người bị giảm thu nhập, hoặc không còn khả năng lao động, chính là để bảo đảm sự ổn định. Đây là nguyên tắc của bất cứ quốc gia nào, chứ không riêng Việt Nam.
- Trong những hạn chế, tồn tại được chỉ ra, thì hạn chế nào là lớn nhất cần tập trung giải quyết ngay, thưa Phó Chủ tịch?
- Đó là chúng ta thực hiện theo nguyên tắc đóng - hưởng, song thực tế nguyên tắc này đang bị phá vỡ, theo đó, chúng ta đang “đóng ít - hưởng nhiều”. Và tính chia sẻ còn kém. Hiện nay, cơ bản là anh đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, mà không chia sẻ cho ai cả. Cho nên mới có câu chuyện có người hưởng bảo hiểm đến 100 triệu đồng một tháng, nhưng có người chỉ hưởng mức 1,3 triệu một tháng. Đây rõ ràng là vấn đề phải được giải quyết thấu đáo trong quá trình cải cách chính sách BHXH lần này. Chưa kể còn có hiện trạng thời gian đóng bảo hiểm ít, nhưng thời gian thụ hưởng dài, rồi mức đóng thấp, nhưng mức hưởng cao.
Tất cả những hạn chế này dẫn tới nguy cơ mất cân đối Quỹ BHXH là rất lớn, đồng nghĩa việc duy trì sự ổn định của Quỹ trở thành gánh nặng cho ngân sách nhà nước và các thế hệ sau.
|
Tiềm năng lớn, nhưng diện bao phủ còn hẹp
- Nhìn nhận về hiện trạng BHXH ở nước ta hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, dư địa để cải cách BHXH còn rất lớn… thưa Phó Chủ tịch?
- Tiềm năng về bảo hiểm của ta hiện rất lớn, nhưng vấn đề là diện bao phủ còn rất hẹp. Trong số 52 - 53 triệu lao động trong độ tuổi hiện nay chỉ có gần 29% tham gia BHXH. Vậy còn tới hơn 71% số lao động chưa tham gia BHXH - số người này khi về hưu, ốm đau, giảm sút về thu nhập, ai sẽ chăm lo cho họ? Chưa kể yếu tố về giới, giữa nam và nữ, tuổi nghỉ hưu sẽ như thế nào? Bởi lẽ, càng ngày khoảng cách tuổi của nam và nữ có xu hướng càng thu hẹp lại, cho nên phải tính tới sức khỏe của nữ cũng như khả năng lao động của nam giới. Với những ngành nghề, lĩnh vực đặc thù sẽ có thêm một bộ phận có sức khỏe, trí tuệ để tiếp tục làm việc. Những vấn đề đang đặt ra hiện nay này, nếu không xử lý ngay từ bây giờ sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định của xã hội sau này.
Cho nên, nói Nghị quyết của Trung ương 7, Khóa XII về cải cách chính sách BHXH là một bước ngoặt lớn là vì thế. Nó sẽ thay đổi toàn bộ, từ tư duy đến cơ chế, chính sách về BHXH. Đương nhiên, cải cách phải trên cơ sở kế thừa, chứ không phải “phủ định sạch trơn”, bảo đảm vừa ổn định vừa phát triển.
- Một trong những điểm mới của Nghị quyết là xây dựng hệ thống BHXH đa tầng. Lý lẽ cho hệ thống này là gì, thưa Phó Chủ tịch?
- Chỉ khi xây dựng được hệ thống BHXH đa tầng, chúng ta mới phủ hết được các đối tượng.
Trong Nghị quyết đã nêu rất rõ, tầng đầu tiên là trợ cấp hưu trí xã hội. Hiện nay, chúng ta có khoảng 11 triệu người từ 55 - 60 tuổi trở lên, giảm sức lao động, giảm thu nhập, đối mặt với nguy cơ ốm đau và đặt ra yêu cầu Nhà nước, xã hội phải chăm lo cho họ. Thế nhưng, thực tế hiện chỉ có hơn 3 triệu người hưởng chế độ hưu trí, BHXH hàng tháng, khoảng 1,6 triệu người đang hưởng mức hộ nghèo, người có công và người 80 tuổi trở lên được hưởng 270.000 đồng/tháng; còn hơn 5 triệu người chưa được hưởng chế độ gì. Nếu số người này gặp khó khăn, chúng ta sẽ giải quyết thế nào?
Ở các nước tiên tiến, họ có chế độ gọi là “lương hưu trí xã hội” - có thể có một bộ phận nhỏ nào đó, vì lý do nào đó chưa đóng góp, nhưng đến thời điểm độ tuổi theo quy định, họ sẽ được hưởng một khoản nhất định. Nhưng trong điều kiện khả năng ngân sách còn hạn hẹp như nước ta, người đến độ tuổi nhưng chưa đóng bảo hiểm thì rất nhiều, do vậy, Nhà nước không thể lo nổi. Vì thế, phải có cơ chế để khuyến khích người dân tham gia BHXH, chứ không phải đợi đến lúc già rồi, ốm đau rồi, để hưởng trợ cấp.
Cho nên, với hơn 5 triệu người chưa tham gia để hưởng chế độ BHXH nào, tiến tới sẽ phải có sự điều chỉnh chính sách để tăng số người hưởng trợ cấp, không phải chỉ dừng ở 1,6 triệu người như hiện nay. Ví dụ, với người cao tuổi, có thể không phải đến hơn 80 tuổi nữa, mà có thể sẽ phải điều chỉnh xuống 75 tuổi hoặc 70 tuổi. Và điều chỉnh xuống mức nào phụ thuộc vào khả năng của ngân sách nhà nước. Ngân sách “khỏe” chúng ta sẽ giảm được độ tuổi và nâng mức trợ cấp.
Tuy nhiên, tất cả những chế độ dành cho người cao tuổi, người có công… đó mới nằm ở tầng đầu tiên là trợ cấp hưu trí xã hội và hoàn toàn do ngân sách nhà nước lo.
Tầng thứ hai là bảo hiểm xã hội cơ bản, bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Đây là tầng sẽ dần chiếm đa số, là tầng cơ bản và là mục đích chúng ta hướng tới, nơi người tham gia được hưởng đầy đủ chế độ theo cơ chế đóng - hưởng và có sự chia sẻ.
Tầng thứ ba là bảo hiểm hưu trí bổ sung. Đây là chế độ hưu trí tự nguyện theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm sự lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn.
Với hệ thống BHXH đa tầng như vậy, chúng ta sẽ giải quyết được các vấn đề đang đặt ra hiện nay, sự bao phủ của BHXH sẽ rộng hơn, những người già yếu, ốm đau, giảm sút thu nhập sẽ được chăm lo, giúp các đối tượng thụ hưởng ổn định cuộc sống.
- Xin cảm ơn Phó Chủ tịch!