“Được giải thích nhiều lần nhưng tôi vẫn chưa yên tâm”
- Ông tham gia và đóng góp ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) ở khá nhiều cuộc họp. Đến thời điểm này, ông có hài lòng với dự thảo Luật không?
|
- Chất lượng dự thảo Luật đã được nâng lên nhiều so với các bản dự thảo trước đây nhưng tôi vẫn còn băn khoăn. Mặc dù tôi được cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo giải thích nhiều lần nhưng cũng chưa cảm thấy yên tâm.
Ví dụ, việc giải thích khái niệm tham nhũng ở Khoản 1, Điều 3. Theo đó, hành vi tham nhũng là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn vì vụ lợi, bao gồm cả hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn. Tôi cho rằng, hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn và hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn khác nhau về bản chất. Việc dùng khái niệm khác nhau về bản chất để phủ lên một khái niệm khác là không chính xác. Hơn nữa, trong Bộ luật Hình sự có các tội phạm tham nhũng, trong đó có tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn, tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn, tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ. Giải thích như thế này, e rằng, Luật Phòng, chống tham nhũng được hiểu một kiểu, Bộ luật Hình sự lại được hiểu theo một cách khác, dẫn tới không đồng bộ trong hệ thống văn bản pháp luật. Mặt khác, chúng ta xây dựng luật bằng ngôn ngữ Việt Nam vậy tại sao không sử dụng tiếng Việt cho đúng nghĩa của nó và hẹp hòi gì khi thêm cụm từ “hoặc lạm dụng” vào trước từ “ chức vụ, quyền hạn” ở khái niệm “tham nhũng”?
- Tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách hôm 6.9, ông đã đóng góp khá nhiều ý kiến liên quan đến kỹ thuật lập pháp của dự thảo Luật. Có thể thấy là còn khá nhiều nội dung cần tiếp tục chỉnh sửa, thưa ông?
- Cũng không hoàn toàn là vấn đề kỹ thuật. Ví dụ, về đối tượng tác động, điều chỉnh, theo dự thảo Luật gồm có cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân thuộc khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước. Tuy nhiên, tại Khoản 10, Điều 3 lại quy định: “Cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước được gọi tắt là cơ quan, tổ chức, đơn vị”, sau đó bao gồm một loạt chủ thể với đặc điểm là sử dụng tài sản công hoặc tài chính công. Việc gọi cơ quan, tổ chức khu vực nhà nước bằng tên tắt lần thứ 2 là cơ quan, tổ chức, đơn vị, tôi cho là không chính xác. Vì ngoài nghĩa là khu vực công thì từ “tổ chức và doanh nghiệp” còn là chủ thể của khu vực ngoài nhà nước. Chính vì việc giải thích này không chính xác nên dẫn tới nội hàm của Điều 4 đọc không hiểu được. Việc sử dụng từ “cơ quan, tổ chức, đơn vị” từ Chương II đến Chương VI cũng gây khó hiểu trong các quy định từ Điều 84 đến Điều 87.
Hay quy định tại Điều 19 về việc xử lý vi phạm pháp luật về định mức, tiêu chuẩn, chế độ. Hành vi vi phạm theo nguyên nghĩa của điều luật này bao gồm hành vi của người sử dụng không hết tiêu chuẩn và người sử dụng quá mức tiêu chuẩn, chế độ. Hình thức xử lý gồm có hình thức quy định tại Điều 92 là thu hồi trả lại cho chủ sở hữu tịch thu, bồi thường và hình thức quy định tại Điều 19. Theo Điều 19 thì người cho phép sử dụng phải bồi thường phần giá trị mình cho phép sử dụng, người sử dụng chỉ phải liên đới bồi thường với người cho phép sử dụng. Quy định này, tôi thấy có 5 bất cập:
Một là, theo ngôn ngữ pháp lý, người không sử dụng hết tiêu chuẩn, chế độ cũng có nguy cơ vi phạm do không sử dụng hết và bị kỷ luật. Hai là, với quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 19 thì người cho phép sử dụng quá định mức, tiêu chuẩn vì động cơ vụ lợi của mình phải bồi thường 100%. Quy định này đã triệt tiêu Điểm b, Khoản 2, Điều 19 là không còn phần nào người được phép sử dụng phải bồi thường liên đới vào đó nữa. Ba là, mặc dù tên của điều luật là xử lý vi phạm pháp luật về tiêu chuẩn, chế độ, định mức mới chỉ quy định chế tài đối với hành vi vi phạm trong trường hợp được phép của người có thẩm quyền. Vậy trường hợp người vi phạm tiêu chuẩn, chế độ, định mức không được phép tức là tự họ vi phạm. Ví dụ tôi là ĐBQH, tôi sử dụng xe của QH mà tôi không xin phép Lãnh đạo Ủy ban Quốc phòng và An ninh thì xử lý như thế nào? Trong điều luật chưa thể hiện được nội dung này. Bốn là, về kỹ thuật, phần “trục lợi cho mình” được quy định tại Khoản 2, Điều 19 thuộc nội hàm của tài sản tham nhũng được khái niệm ở Điều 3. Tuy nhiên ở điều luật này không thấy quy định chế tài xử lý đối với việc này. Cuối cùnglà, trong Khoản 1 có quy định một đối tượng bị xử lý nữa đó là tổ chức vi phạm, nhưng trong nội hàm của điều luật thì không đề cập tới tổ chức vi phạm thì bị xử lý như thế nào?
Rõ ràng, nếu “chẻ nhỏ”, chi tiết hóa từng điều khoản như vậy sẽ thấy, đó không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà ảnh hưởng ngay đến tính khả thi, hiệu lực pháp lý của chính điều luật đó.
Cơ quan chuyên trách chống tham nhũng là cơ quan nào?
- Một số ý kiến cho rằng, lực lượng chống tham nhũng hiện nay khá nhiều nhưng chưa thực sự mạnh. Dự thảo Luật tại Điều 71 đã quy định về đơn vị chuyên trách phòng chống tham nhũng. Theo ông, cách thức quy định như vậy đã hợp lý chưa?
- Theo dự thảo Luật thì Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện KSNDTC có đơn vị chuyên trách phòng chống tham nhũng. Trong đó, đơn vị chuyên trách ở Viện KSNDTC do UBTVQH quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức. Đơn vị chuyên trách ở Bộ Công an và Thanh tra Chính phủ thì do Chính phủ quy định. Quan điểm cá nhân tôi cho rằng, cách thức quy định như vậy chưa ổn. Trên thực tế, Viện KSNDTC hiện đang có ít nhất 3 đơn vị có chức năng, nhiệm vụ liên quan đến phòng, chống tham nhũng là Cục Điều tra, Vụ 5 và Vụ 6. Các cục và vụ này được tổ chức và hoạt động theo Luật Tổ chức Viện KSND, Luật Tổ chức điều tra hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự. Nếu quy định như dự thảo Luật thì cần làm rõ, cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng ở Viện KSNDTC là cơ quan nào? Và nếu UBTVQH ban hành Nghị quyết hay Pháp lệnh về cơ cấu, tổ chức của đơn vị này thì có cần thiết không khi các luật khác đã phủ kín hết rồi?
Đối với Bộ Công an, đang có Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu. Theo Điều 4 Nghị định số 01/1018/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an mới được Chính phủ ban hành thì Bộ trưởng Bộ Công an quy định chức năng, nhiệm vụ của Cục này. Tương tự, theo Nghị định số 50/1018/NĐ-CP thì ở Thanh tra Chính phủ ngoài Cục Phòng, chống tham nhũng còn có 3 vụ thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo theo lĩnh vực, theo khối (kinh tế ngành; nội chính tổng hợp; văn hóa, xã hội) và 3 cục thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo được tổ chức theo 3 khu vực (khu vực 1, khu vực 2 và khu vực 3). Các cục này đều thanh tra giải quyết khiếu nại, trong đó có khiếu nại, tố cáo về tham nhũng. Vậy cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng ở Thanh tra Chính phủ là cơ quan nào? Hơn nữa, tại Điều 3 của Nghị định này cũng quy định rõ, Tổng Thanh tra Chính phủ quy định cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Cục Phòng, chống tham nhũng. Tôi cho rằng Điều 71 nếu tiếp tục để như thế là không chính xác.
- Nhiều ĐBQH đề nghị, phải thành lập một cơ quan chuyên trách, độc lập để chống tham nhũng hiệu quả hơn. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Theo tôi, không nêu hiểu cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng là cơ quan duy nhất thực hiện chức năng phòng chống tham nhũng. Bởi lẽ, việc truy tố tội phạm tham nhũng chắc chắn phải là Viện KSND; việc xét xử tội phạm tham nhũng chắc chắn phải là tòa án. Nếu có chăng thì chỉ nghiên cứu xem có nên thành lập cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng ở giai đoạn trước khi khỏi tố vụ án tham nhũng. Tuy nhiên, chủ thể tham nhũng ở nước ta không chỉ là những người có chức vụ, quyền hạn thuộc các cơ quan nhà nước mà còn có những người có chức vụ, quyền hạn thuộc các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội… Vì thế, để trả lời được câu hỏi này, rất cần phải nghiên cứu thực sự thấu đáo thể chế chính trị, cơ chế thực hiện quyền lực nhà nước và mối quan hệ pháp lý về mặt tổ chức của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị nước ta.
- Xin cảm ơn ông!