Gốc rễ vẫn là cán bộ
- Thời gian gần đây, liên tiếp những cán bộ giữ chức vụ cao của lực lượng công an, hay cựu quan chức địa phương bị bắt thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Quan điểm của ông về những vụ việc này như thế nào?
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Thanh Vân |
- Có thể thấy, những vụ việc vi phạm pháp luật bị phanh phui vừa qua không chỉ do công chức bình thường thực hiện, mà cả cán bộ giữ chức vụ cao trong cơ quan quản lý nhà nước thực hiện, đều đáng báo động. Báo động ở đây là trong công tác cán bộ, vì lựa chọn nhân sự không chính xác. Vấn đề này dư luận nói nhiều năm gần đây, được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảnh báo nhiều lần tại các hội nghị do Trung ương chủ trì. Gốc rễ vẫn là cán bộ, do các cơ quan có thẩm quyền, chức vụ có thẩm quyền và cơ quan tham mưu thực hiện.
Thật đáng báo động khi lãnh đạo cơ quan phòng, chống tội phạm cũng đồng thời là tội phạm; lãnh đạo ở cơ quan bảo vệ bí mật nhà nước để lộ bí mật nhà nước; còn người đứng đầu chính quyền địa phương lại vi phạm pháp luật quản lý đất đai. Những vụ việc được phát hiện, xử lý nghiêm thời gian gần đây gióng lên hồi chuông: Nếu không chỉnh đốn mạnh bộ máy, trước hết là công tác nhân sự, sẽ làm tha hóa hệ thống, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng, sự nghiêm minh của pháp luật, lung lay niềm tin của nhân dân.
- Quá trình bổ nhiệm cán bộ hiện nay được thực hiện thông qua quy trình chặt chẽ và do tập thể quyết định. Vậy, hạn chế trong công tác cán bộ có thể gỡ bỏ được không khi vẫn giữ phương thức bổ nhiệm qua tập thể, thưa ông?
- Trong mỗi tập thể nếu ràng buộc, minh bạch được trách nhiệm cá nhân sẽ không có những hạn chế ở công tác cán bộ đã được chỉ ra thời gian qua. Để ràng buộc trách nhiệm cá nhân khi giữ phương thức bổ nhiệm này, phải đưa ra tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ mang tính định lượng, tránh hình thức. Các tiêu chí lựa chọn cán bộ hiện nay phần nhiều mang tính hình thức, dễ vượt qua, vì có thể dùng “bằng giả” hay “mượn bằng” để bảo đảm trình độ; rồi thì mặc cả, lợi dụng lẫn nhau trong bỏ phiếu tín nhiệm.
Thay vì những tiêu chí có tính hình thức này, tại sao không đánh giá trên việc làm, lời nói của cá nhân được lựa chọn bổ nhiệm vào chức vụ? Căn cứ vào tiêu chí này sẽ hạn chế tối đa việc lựa chọn cá nhân “ăn không nên đọi, nói không nên lời”, không có ý tưởng chính sách, không có khả năng lãnh đạo... vào các chức danh lãnh đạo đơn vị. Ngoài ra, cần trị thẳng vào cán bộ đề bạt, tiến cử những cán bộ có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng vừa qua. Nếu trị thẳng vào cán bộ đề bạt, tiến cử cán bộ, chắc sẽ làm chùn bước người có ý định thực hiện hành vi sai trái.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế
- Sau cùng, vẫn là câu chuyện cơ chế. Theo ông, cần chế tài gì để ngăn chặn hiệu quả các hiện tượng tiêu cực có thể nảy sinh trong công tác bổ nhiệm cán bộ?
- Thực tế, vì nạn chạy chức, chạy quyền có xu hướng lộng hành, được chỉ thẳng trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần đưa ra yêu cầu phải tạo cơ chế để “không muốn”, “không dám” và “không thể” chạy chức, chạy quyền. Vừa rồi, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành nhiều văn bản nhằm điều chỉnh quy trình, tiêu chí bổ nhiệm, luân chuyển, kỷ luật cán bộ. Đây là những chỉ đạo rất kịp thời, sát sao, đúng và trúng. Nhưng mong muốn là phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế.
Theo tôi, để thực hiện được quan điểm, chủ trương của Đảng với nạn chạy chức, chạy quyền, cũng như chỉ đạo của người đứng đầu Đảng ta, trước hết pháp luật hình sự phải có quy định để trừng phạt cá nhân vì lòng tham, mục đích “truyền ngôi”, hay lợi ích nhóm, mà đưa những người không xứng đáng vào bộ máy. Điều này nguy hiểm ở chỗ sẽ tác động thẳng đến quá trình xây dựng cơ chế, chính sách, phá hoại đất nước, tham nhũng, hủy hoại niềm tin và hình ảnh tốt đẹp của Đảng, Nhà nước. Vì thế, pháp luật hình sự phải có quy định để trừng phạt những cá nhân này, qua đó góp phần bảo đảm sẽ không dám chạy chức, chạy quyền.
Để không thể chạy chức, chạy quyền, thì phải đặt quy định mang tính định lượng. Nhìn vào những tiêu chuẩn được đưa ra, mỗi cá nhân sẽ thấy mình có khả năng đảm đương được chức vụ đó hay không. Nếu dùng gian trá, mua chức, bán quan, bắt tay vào làm việc không hiệu quả sẽ bị cách chức, thậm chí trừng phạt.
Để không muốn chạy chức, chạy quyền, cần bỏ hết đặc quyền đặc lợi, khiến cá nhân được hưởng nhiều lợi ích vật chất, cách ly với cán bộ dưới quyền. Cách ly khỏi vật chất sẽ khiến cá nhân không có ý muốn chạy chức, chạy quyền. Cứ nói chung chung, không có thiết chế cụ thể để phòng ngừa, khiến người ta chùn bước khi nhìn vào quy định, sẽ khó tạo ra thay đổi thực chất.
- Bên cạnh việc xây dựng cơ chế để “không muốn”, “không dám” và “không thể” chạy chức, chạy quyền, có lẽ cũng cần sự vào cuộc đồng bộ từ Trung ương đến địa phương?
- Thực ra ở đây có vấn đề kỷ luật hành chính, hay nói cách khác là sau giáo dục, thuyết phục phải có biện pháp xử phạt mang tính răn đe cao. Vấn đề này đã được đưa vào văn kiện của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhưng thực tế vẫn có lúc, có thời điểm, thay vì xử lý trách nhiệm hành chính, thì lại đưa quy phạm đạo đức ra xử lý, nên còn có độ chênh, hiệu quả không cao.
- Xin cảm ơn ông!