Đã là kinh tế thị trường thì đều có khuyết điểm
- Quốc hội vừa kết thúc phiên họp toàn thể kéo dài 2 ngày thảo luận về KT - XH. Ở góc nhìn của một nhà lập pháp, đồng thời là một nhà nghiên cứu kinh tế vĩ mô, ông đánh giá như thế nào về phiên thảo luận?
|
Ở góc độ khác, các chỉ số về tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng kinh tế và lạm phát của năm 2018 chính là một thành công trong thực hiện Cương lĩnh xây dựng, phát triển đất nước năm 2011 của Đảng và quá trình chuyển đổi nền kinh tế, tức là, nền kinh tế đã từng bước giảm dần sự phụ thuộc vào vốn ngân hàng. Chúng ta đã có một kênh huy động khác để bù đắp cho vốn tín dụng. Công tác cơ cấu lại các tổ chức tín dụng cũng đã làm cho các tổ chức này tự có trách nhiệm với mình hơn nên các khoản vay cũng được đánh giá hiệu quả thiết thực hơn. Điều hành chính sách tiền tệ đang đúng hướng và cần tiếp tục duy trì xu hướng này, không chạy theo chỉ tiêu số lượng mà phải tập trung vào chất lượng. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên |
- Trong 2 ngày vừa qua, các ĐBQH đã đề cập, phân tích các điểm sáng của bức tranh KT - XH và nêu ra những băn khoăn, lo lắng. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng, những kết quả đạt được trong năm 2018 là tích cực. Các chỉ số đều thể hiện nền kinh tế đang vận hành đồng bộ hơn, tương đối toàn diện hơn. Tất nhiên, vẫn còn những tồn tại. Nhưng cũng cần lưu ý rằng, những tồn tại này đã bắt nguồn từ rất lâu rồi. Nếu cho rằng, trong vòng 2 - 3 năm phải xử lý hết được thì chắc là khó. Vấn đề là, trên nền tảng những kết quả của năm 2018 như vậy thì phải làm gì để duy trì được tốc độ tăng trưởng ấy và nếu có thể được thì tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa.
Chúng ta cũng phải khẳng định với nhau rằng, đã là một nền kinh tế hoạt động theo kinh tế thị trường thì phải có khuyết điểm, có tồn tại. Không có một nền kinh tế nào trong số hơn 190 nền kinh tế quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới lại không có những tồn tại, hạn chế. Và không phải cứ nêu những tồn tại, hạn chế ra thì mặc nhiên đó chính là yếu kém của Chính phủ, của bộ máy. Khi khắc phục được những tồn tại này thì trong quá trình phát triển sẽ lại phát sinh những tồn tại khác vì môi trường của chúng ta không cố định. Phải nhìn nền kinh tế ở trong trạng thái động như thế để thấy rằng, những tồn tại mà chúng ta phải đề cập, phải phân tích để xử lý vừa có tính chất ngắn hạn cho năm 2019 vừa có tính chất dài hạn để chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế trong trung hạn và dài hạn.
- Vậy theo ông, có những vấn đề nào cần lưu ý trong năm 2019 cũng như những năm còn lại của nhiệm kỳ này?
- Trước hết là chính sách tiền tệ, thị trường tiền tệ. Gần 10 tháng qua của năm 2018, tăng trưởng tín dụng mới đạt khoảng 10,4% trong khi mục tiêu đặt ra cho năm 2018 là 17%. Nhưng chỉ với mức tăng trưởng tín dụng như vậy chúng ta đã đạt được tốc độ tăng trưởng gần 7% và giữ được lạm phát ở mức 3,56%. Vậy, trong 2 tháng còn lại của năm 2018, trong điều hành chính sách tiền tệ, có nên tiếp tục “bơm” tín dụng ra để đạt mục tiêu 16 - 17% không? Với tư cách là một người làm công tác nghiên cứu, tôi khuyến cáo Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước hãy “thuận theo thị trường”, không cố “bơm” để đạt bằng được mục tiêu đề ra mà thị trường cần đến đâu thì “bơm” đến đấy.
- Nếu tách riêng FDI thì doanh nghiệp nội địa của chúng ta có gì và thực lực nền kinh tế của chúng ta như thế nào? Có ĐBQH cho rằng, một số chỉ số hiện nay của chúng ta vẫn khá “ảo”. Ông có bình luận gì về ý kiến này?
- Tôi không cho rằng các con số Chính phủ báo cáo QH là “ảo”. Nhưng tôi đồng ý quan điểm, phải tiếp tục chuyển đổi nền kinh tế, hướng điều hành của Chính phủ và các ưu tiên trong chương trình nghị sự của QH trong hai năm còn lại của kế hoạch 5 năm và trong những năm tiếp theo theo định hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng lực của khu vực kinh tế nội địa. Phải thống nhất một nguyên tắc, “ngoại” là quan trọng nhưng “nội” mới là quyết định. Thực tế cho thấy, chúng ta vẫn chưa chuyển đổi được nền kinh tế theo định hướng này. Ví dụ như với xuất khẩu, theo tôi, không nên chạy theo chỉ số số lượng xuất khẩu là bao nhiêu mà phải đi sâu hơn, đặt yêu cầu cao hơn, đó là, lượng xuất khẩu của doanh nghiệp nội địa Việt Nam tăng bao nhiêu và trong số lượng xuất khẩu của doanh nghiệp FDI thì tỷ lệ nội địa hóa là bao nhiêu? Những chỉ số như vậy mới phản ánh đúng thực lực của nền kinh tế.
Cần ban hành một đạo luật về công nghiệp hỗ trợ
- “Nội” mới là yếu tố quyết định. Nhưng như ông từng nhận xét, vẫn tồn tại tâm lý “phân biệt đối xử” giữa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân… Thế thì làm sao “cởi trói” hoàn toàn cho doanh nghiệp nội, thưa ông?
Chúng ta vô cùng vui mừng khi năm 2018 đã có khoảng 130 nghìn doanh nghiệp được thành lập với tống số vốn đăng ký khoảng 1 triệu 290 nghìn tỷ đồng. Nhưng câu hỏi đặt ra là số vốn đăng ký này trên thực tế đã giải ngân được bao nhiêu? Đừng hân hoan với số lượng 130 nghìn doanh nghiệp mới được thành lập, cũng đừng hân hoan với con số 720 nghìn doanh nghiệp đăng ký đi vào hoạt động. Vấn đề phải quan tâm là, có bao nhiêu doanh nghiệp hoạt động có lãi và nộp thuế? Đó mới là con số phản ánh thực lực của nền kinh tế. |
- Chính vì còn tâm lý đó mà tôi cho rằng, trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ này và 5 năm của nhiệm kỳ tới, có một vấn đề quan trọng mà QH và Chính phủ cần trả lời. Đó là, chúng ta quan niệm và ứng xử với các doanh nghiệp tư nhân đã trở thành tập đoàn kinh tế lớn như thế nào? Lấy ví dụ Vingroup. Họ bỏ ra một lúc gần 4 tỷ USD để đầu tư nhà máy sản xuất ô tô Vinfast. Phương thức đầu tư của họ là mua giấy phép để sản xuất, tự sản xuất động cơ trong nước, có bộ phận thiết kế để thiết kế theo nhu cầu của thị trường trong nước, tức là, tiến hơn nhiều bậc so với phương thức của đầu tư công. Vậy chúng ta có xem họ là nguồn lực quốc gia, là “doanh nghiệp Việt Nam” không hay vẫn phân biệt doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân?
- Với những kết quả và cả những vấn đề đang đặt ra trong phát triển KT - XH như vậy, ông có kiến nghị gì với QH và Chính phủ?
- Trước hết, trở lại với ví dụ Vinfast mà tôi đã nêu. Trên thực tế, định hướng phát triển ngành công nghiệp ô tô của nước ta hơn 20 năm qua đã cho thấy nhiều sai lầm. Từ những năm 2000, chúng ta bỏ ngân sách nhiều trăm triệu USD để mua nguyên một nhà máy sản xuất xe tải về nhưng không thành công. Tiếp đó, chúng ta cho rất nhiều liên doanh (14 liên doanh) để sản xuất ô tô nhưng đến nay tỷ lệ nội địa hóa cũng không được như mong muốn.
Liệu kinh nghiệm quốc tế có cho phép chúng ta hình thành một ngành công nghiệp phụ trợ cho ô tô không? Chúng ta nhìn thấy các nước phát triển coi ngành chế tạo ô tô là một động lực quan trọng cho nền kinh tế. Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản là những cường quốc về sản xuất ô tô đều làm như vậy. Do đó, tôi cho rằng, QH cần ban hành một đạo luật về công nghiệp hỗ trợ, cụ thể hơn nữa là một đạo luật về công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô hoặc công nghiệp điện tử để đến cuối năm 2019 khi Vinfast đi vào hoạt động thì có một chuỗi doanh nghiệp Việt Nam có thể đi cùng với Vinfast. Đây là vấn đề quan trọng cần xem xét cho 2 năm 2019 - 2020 và cả giai đoạn 2021 - 2026.
Thứ hai, phải đánh giá lại đóng góp của DNNN trong thu ngân sách. Hiện nay, đóng góp của doanh nghiệp nhà nước vào ngân sách qua thuế ròng là hơn 161 nghìn tỷ đồng, cùng với đó là thu từ cổ tức phần vốn nhà nước hơn 60,5 nghìn tỷ đồng nữa thì doanh nghiệp nhà nước đóng góp cho ngân sách nhiều hơn đóng góp của doanh nghiệp FDI (khoảng 189 nghìn tỷ đồng). Như vậy, việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hay thoái vốn theo cách chúng ta làm vừa qua có đúng hay không?
Tôi muốn nhấn mạnh lại quan điểm mà tôi đã từng chia sẻ trên Báo Đại biểu Nhân dân rằng, một trong những nguyên tắc phải thống nhất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là để đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp, bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước là để chuyển phần vốn đó đầu tư vào những lĩnh vực mà Nhà nước cần đi trước, mở đường, khai phá; đồng thời, phải bảo đảm nguyên tắc không làm hụt phần tài sản của Nhà nước trong nền kinh tế. Tức là khi bán vốn xong thì phải dùng phần vốn ấy để tạo ra tăng trưởng chứ không phải là lại nhập vào ngân sách để chi thường xuyên.
Thứ ba, phải nói một cách rất nghiêm túc là 3 năm vừa qua, chúng ta chưa khởi công được công trình quan trọng quốc gia nào. Thế thì nhiệm kỳ 2021 - 2026 chúng ta sẽ có những dự án quan trọng quốc gia nào đưa vào khai thác để tạo ra cú hích cho nền kinh tế? Nhiệm kỳ này chúng ta khánh thành rất nhiều công trình, dự án nhưng là những công trình, dự án được chuẩn bị từ nhiệm kỳ trước và trách nhiệm của chúng ta là phải chuẩn bị cho nhiệm kỳ tiếp theo thì chúng ta chưa làm được.
- Xin cảm ơn ông!