Xét lại điều kiện đăng ký thường trú ở nội thành?
Ủy viên Ủy ban Pháp luật Phạm Văn Hòa |
- Qua làm việc với 4 quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội, ông thấy những điểm nào nổi lên trong công tác quản lý dân cư sau 5 năm thi hành Luật Thủ đô?
- Vừa qua, Ủy ban Pháp luật đã đến khảo sát ở một số quận, huyện cơ sở, để giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết Luật Thủ đô và quản lý dân cư theo Điều 19 của Luật. Qua khảo sát tại bốn quận, huyện trên địa bàn thành phố thì thấy, tăng dân số cơ học trong nội thành vẫn cao. Cơ quan công an các quận đều tuân thủ nghiêm việc quản lý dân cư theo Điều 19. Minh chứng là số lượng nhân khẩu được đăng ký thường trú ở hai quận nội thành đều không nhiều trong thời gian qua. Vấn đề ở đây là, số lượng đăng ký tạm trú, đến lưu trú ở hai quận nội thành là rất lớn, trong khi, số lượng tăng dân số cơ học ở huyện ngoại thành lại thấp hơn nhiều.
Việc đăng ký thường trú tại các quận nội thành được thực hiện chặt chẽ, theo quy định của Luật Thủ đô, song đăng ký tạm trú, lưu trú chưa được quy định chi tiết, chỉ thực hiện theo Luật Cư trú. Thường trú và tạm trú chỉ khác nhau bởi cuốn sổ hộ khẩu, nên có tình trạng người dân chấp nhận sống trong nội thành hàng chục năm trong diện đăng ký tạm trú, lưu trú. Ngoài ra, Luật Thủ đô cho phép những người ở nhà thuê cũng được đăng ký thường trú, khi đáp ứng điều kiện có diện tích ở tối thiểu 15m2/người. Những người này sau khi có hộ khẩu Thủ đô sẽ thực hiện tách hộ, mà theo quy định sẽ được nhập khẩu kèm theo với bố, mẹ, vợ, con cái. Số này cũng khiến tăng dân số cơ học lên ở các quận nội thành.
Dân số cơ học trong các quận nội thành cao, dẫn đến quá tải với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, cũng có nguyên nhân từ việc cho phép xây dựng nhà chung cư cao tầng ở đây. Để giãn dân ra khỏi nội thành đáng ra phải xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở ngoài thành, và di dời trường học, bệnh viện, cơ quan ở nội thành ra. Nhưng, trong khi chưa xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hoàn chỉnh ở ngoại thành, thì lại cho phép xây dựng thêm chung cư cao tầng ở nội thành. Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở nội thành tốt hơn thì sao động viên người dân di chuyển ra ngoại thành được?
- Vậy, có thể nói, việc đặt điều kiện cao hơn với đăng ký thường trú ở nội thành tại Điều 19, Luật Thủ đô vẫn chưa mang lại tác động như mong muốn, thưa ông?
- Các điều kiện để đăng ký thường trú tại Điều 19 không phải không có tác động, vì số lượng nhân khẩu được cấp đăng ký thường trú ở nội thành thấp. Tuy nhiên, việc siết chặt điều kiện nhập khẩu vào nội thành đang làm khó cho người dân, vì không đáp ứng đủ điều kiện sẽ chỉ được tạm trú, không được hưởng các quyền lợi cơ bản (khai sinh cho trẻ mới sinh, con em học tập ở trường công…).
Mặt khác, quy định này cũng còn làm khó cho cả cơ quan quản lý, vì yêu cầu với người đăng ký tạm trú, lưu trú khi di chuyển đến nơi ở khác rất lỏng lẻo, nên khó theo sát biến động dân cư. Nói cách khác, nếu đã cho xây dựng nhà ở tại khu vực nội thành thì nên cân nhắc việc nới lỏng điều kiện đăng ký thường trú, để quản lý dân cư hiệu quả hơn. Tất nhiên, quan trọng nhất vẫn là các cơ quan chức năng cần tiến hành tổng kết thực hiện Luật Thủ đô, rút kinh nghiệm sâu sắc, và đưa ra giải pháp để giảm “sức ép” từ các chung cư cao tầng lên hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của thành phố.
Phải có định hướng phát triển đúng cho khu vực ngoại thành
- Vấn đề ở đây có lẽ thuộc về công tác triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng chung của Thủ đô, chứ không phải từ cách thức quản lý dân cư, thưa ông?
- Đúng vậy. Để thực hiện chính sách giãn dân ra khu vực ngoại thành, hạn chế di dân vào nội thành thì cần có định hướng xây dựng đô thị, chung cư, trường học, bệnh viện và khu công nghiệp ở ngoại thành. Hạ tầng hoàn thiện mới thu hút được người dân đến sinh sống. Đến ngoại thành sinh sống là chấp nhận đi làm xa hơn nên điều kiện sinh hoạt tại nơi ở phải được bảo đảm.
Cử tri cũng phản ánh, quy hoạch xây dựng chung của Thủ đô có một số bất cập, khi một số địa bàn có điều kiện thu hút người dân đến sinh sống thì lại bị đưa vào diện dành cho phát triển nông nghiệp, nên không thể phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để thu hút người dân đến ở.
Có thể thấy, mục tiêu đầu tiên của nhà đầu tư khi xây dựng khu đô thị, khu chung cư cao tầng là lợi nhuận. Bởi lẽ, vốn đầu tư các dự án này phần nhiều dựa vào vay ngân hàng nên buộc họ phải tính toán chi li. Nhà đầu tư sẽ chỉ xây dựng chung cư cao tầng ở khu vực có nhu cầu sử dụng, sở hữu nhà ở cao, bảo đảm lợi suất đầu tư. Vì thế, vấn đề nằm ở việc đưa ra định hướng phát triển đúng đắn cho khu vực ngoại thành, chứ không thể dựa vào ý thức của nhà đầu tư.
- Quy định về quản lý dân cư ở Luật Thủ đô gần như không phát huy tác động là bởi chịu “sức ép” từ phát triển chung cư cao tầng ở nội thành. Bên cạnh nguyên nhân từ quy hoạch thì tình trạng này có nguyên nhân nào khác không, thưa ông?
- Để bảo đảm thực hiện quy hoạch xây dựng chung, Luật Thủ đô quy định, Thủ tướng Chính phủ quyết định biện pháp và lộ trình di dời một số cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi nội thành; di dời một số bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp ra khỏi nội thành hoặc xây dựng cơ sở khác của các bệnh viện, cơ sở này ở bên ngoài nội thành. Nhưng, thực tế có hiện tượng, sau khi được thành phố Hà Nội bố trí đất đẹp ở ngoại thành, các nhà máy sản xuất, cơ sở gây ô nhiễm vẫn liên doanh với doanh nghiệp khác xây dựng khu chung cư ở đất cũ, làm khu vực nội thành thêm ngột ngạt. Các đơn vị có thể làm được như vậy do một số quy định trong Luật Nhà ở, Luật Đất đai cho phép. Luật Nhà ở hiện đã được sửa đổi, nhưng đây là một bài học kinh nghiệm, đòi hỏi cơ quan thẩm tra, ĐBQH phải kỹ càng và “nhìn xa, trông rộng” hơn, để hạn chế thấp nhất lợi ích nhóm đưa vào các dự án luật.
- Xin cảm ơn ông!