Đột phá và ấn tượng
- Sáng qua, Hội nghị Trung ương 7, Khóa XII đã bế mạc. Theo dõi hoạt động của hội nghị, ông có đánh giá như thế nào?
- Tôi có thể nói ngay rằng, Hội nghị đã thành công trên rất nhiều phương diện. Trước hết là về nội dung, 3 Đề án được Trung ương lựa chọn thảo luận và ban hành Nghị quyết lần này, từ công tác cán bộ đến chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, suy cho cùng đều liên quan đến con người, đặc biệt là con người trong hệ thống chính trị, trong tổ chức bộ máy của Nhà nước và liên quan chặt chẽ đến đời sống xã hội, gắn liền với những vấn đề đang diễn ra sôi động và nóng bỏng nhất của đất nước hiện nay, xuất phát từ đòi hỏi bức thiết của cuộc sống cũng như công tác xây dựng Đảng. Tôi đánh giá rất cao hướng tiếp cận và các giải pháp được đề ra trong các nghị quyết này, trong đó có những giải pháp tôi cho là đột phá và ấn tượng.
“Một điểm tôi rất thích trong phát biểu bế mạc Hội nghị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là: Tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan, thường xuyên đổi mới công tác cán bộ, bảo đảm tính khách quan, đúng đắn, đồng bộ và phù hợp với tình hình thực tiễn. Tôn trọng các quy luật khách quan là nguyên lý đã được đề cập từ thời kỳ cố Tổng Bí thư Trường Chinh khi chúng ta bắt đầu đổi mới đất nước, nhưng áp dụng chủ yếu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, còn trong công tác cán bộ thì có lẽ đây là lần đầu tiên được Đảng ta khẳng định rõ ràng, nhất quán như vậy. Quy luật khách quan ở đây trước hết là gì? Chính là quy luật dân chủ, dựa vào nhân dân và toàn thể cán bộ, đảng viên để lựa chọn người tài làm cán bộ. Dựa vào nhân dân để giám sát, kiểm soát cán bộ có lạm quyền, lộng quyền, tham ô, tham nhũng hay không. Đây cũng là nguyên lý được khẳng định xuyên suốt trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là nguyên lý mang tính toàn cầu”. Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Khóa XIII Lê Nam |
Tôi cũng rất ấn tượng về việc dù bàn những vấn đề nóng bỏng và từ trước đến nay thường được cho là nhạy cảm, là việc nội bộ của Đảng, nhưng đây lại là Hội nghị đầu tiên của Ban Chấp hành Trung ương “mở cửa” với báo chí. Ngày nào người dân cũng biết hôm nay Trung ương đã bàn bạc vấn đề gì và bàn bạc như thế nào. Báo chí không chỉ tường thuật mà còn đăng tải ý kiến phát biểu của các Ủy viên Trung ương giống như Kỳ họp của Quốc hội. Điều này không chỉ giúp người dân biết được hoạt động của Trung ương mà còn cho thấy sự đổi mới, công khai, dân chủ trong Ban Chấp hành Trung ương. Đổi mới này, theo tôi cũng là thông điệp mà Trung ương muốn gửi đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân: Công việc mà Trung ương đang bàn, đang quyết định không chỉ là công việc của Đảng mà còn của nhân dân, của đất nước, thể hiện sự gắn bó giữa Đảng với nhân dân, giữa trọng trách của Đảng với vận mệnh của đất nước. Tôi cho rằng, đổi mới này cũng khẳng định tiến trình đổi mới, dân chủ của Đảng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh thời gian tới để Đảng thực hiện sứ mệnh mà nhân dân đã tin tưởng trao cho.
- Những vấn đề Trung ương xem xét, quyết định lần này cũng có những nội dung từng được bàn trước đây, ví dụ công tác cán bộ, Đảng đã ban hành rất nhiều văn bản, nghị quyết. Vậy điều gì khiến ông ấn tượng đối với Nghị quyết vừa được Trung ương thông qua?
- Nghị quyết lần này đã kế thừa rất nhiều bài học kinh nghiệm về công tác cán bộ của Đảng trong 20 năm qua, nhưng đồng thời cũng có nhiều quan điểm mới, đột phá. Trước hết, Trung ương đã bàn cả về “diện” và “điểm”. Diện là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đội ngũ cán bộ nói chung. Điểm là xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược chính là đội ngũ tinh hoa của Đảng, của đất nước, gồm các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, các thành viên Chính phủ, Ủy viên UBTVQH, người đứng đầu cấp ủy đảng và chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương… Đội ngũ này tốt, trọn vẹn tài tâm, tiên phong cách mạng thì chắc chắn sự vận hành của cả tổ chức bộ máy, của cả địa phương và đất nước sẽ tốt, đúng hướng và chuyển động mạnh mẽ.
Đây là lần đầu tiên, Trung ương bàn câu chuyện xây dựng đội ngũ cán bộ tinh hoa một cách cặn kẽ như thế; đồng thời, đưa ra nhiều quan điểm, biện pháp để giải quyết các vấn đề cấp thiết với những quyết sách cụ thể. Cách thức ban hành nghị quyết và nội dung cụ thể của Nghị quyết lần này, tôi thấy rất khác. Trước đây, chúng ta thường nhấn mạnh đến quan điểm, còn nội dung, giải pháp thì chung chung, có đặt ra mục tiêu nhưng chưa đưa ra giải pháp, điểm nhấn để đạt được mục tiêu đó. Nhưng lần này, rõ ràng và cụ thể hơn rất nhiều. Có những vấn đề cũng đã bàn rất lâu, làm thí điểm ở một số nơi nhưng chưa kiên quyết, như câu chuyện bí thư, chủ tịch cấp tỉnh, huyện không phải người địa phương, thì lần này đã ấn định trong Nghị quyết, có thời gian thực hiện. Nội dung không mới nhưng lần này đã thể hiện sự lãnh đạo chính thống và nhất quán của Đảng.
Đưa ngay Nghị quyết vào công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng Khóa XIII
- Ví dụ, với câu chuyện chống chạy chức, chạy quyền, thân quen, cánh hẩu đang nóng hổi, ông đánh giá như thế nào về những giải pháp mà Trung ương đưa ra?
- Tôi cho rằng, Trung ương đã đưa ra những điểm nhấn hết sức quan trọng. Một là, kiểm soát quyền lực, trong đó có vấn đề chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, giao quyền đi liền với trách nhiệm. Hai là, đánh giá cán bộ. Trung ương không “đóng” lại nội hàm cụ thể của đánh giá cán bộ mà “mở” cho quá trình triển khai thực hiện để Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tổ chức Trung ương, các cơ quan Đảng, Nhà nước tiếp tục vận dụng sáng tạo trong thực tiễn triển khai. Đây là một hướng đi đúng đắn. Có thể là thi tuyển, bầu cử cạnh tranh công khai, minh bạch, có thể là luân chuyển cán bộ, hỏi ý kiến nhân dân, để nhân dân nhận xét, đánh giá đa tầng, đa chiều… đều là những cách có thể đánh giá được trình độ, năng lực, phẩm chất, uy tín của cán bộ. Nghị quyết cũng chọn khâu đánh giá cán bộ là then chốt, trong đó có vấn đề đánh giá dựa vào nhân dân. Điều này thể hiện tính nhất quán, tôn trọng quy luật khách quan và quy luật dân chủ của Đảng.
- Phát biểu bế mạc Hội nghị của Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh yêu cầu “làm cho Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến rõ rệt, thu được kết quả cụ thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân nhìn thấy được, cảm nhận được”. Vậy theo ông, các nghị quyết của Trung ương lần này phải được đưa vào cuộc sống như thế nào?
- Tôi có niềm tin vào việc thực hiện các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 7, Khóa XII, đặc biệt là Nghị quyết về công tác cán bộ. Đưa Nghị quyết này vào cuộc sống như thế nào? Trước hết, phải áp dụng ngay các quan điểm, giải pháp, cơ chế của Nghị quyết vào quá trình chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc Khóa XIII. Đây là vấn đề vô cùng hệ trọng.
Thực tế đã cho thấy, nếu không có cách thức, sự kiên quyết, đúng đắn trong chỉ đạo của Trung ương ngay từ quá trình chuẩn bị nhân sự cho Đại hội các cấp, thì tôi phải mạnh dạn nói rằng, người ta có thể làm “ngu quan”. Một Ban thường vụ cấp ủy ở địa phương nếu đưa vào toàn người nhà, thân quen, cánh hẩu… thì không thể bảo đảm năng lực, phẩm chất, đạo đức và uy tín để đại diện được cho Đảng, cho nhân dân trong tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước, mà thực chất đó là quyền lực được nhân dân ủy thác. Đó là chưa kể người ta muốn đưa những cán bộ không có năng lực vào bộ máy để dễ bề thao túng. Các căn cứ, điều kiện trong tuyển chọn cán bộ hiện nay vẫn lỏng lẻo, còn kẽ hở để người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương có thể lợi dụng. Chúng ta tưởng là chặt chẽ, chi chít quy trình, quy phạm, nhưng nếu người đứng đầu có lòng tham, có tà ý, không vì Đảng, vì nhân dân thì họ có thể thao túng và làm hư hỏng cả một bộ máy, không chỉ trong một nhiệm kỳ mà hệ lụy còn kéo dài trong nhiều nhiệm kỳ. Vì thế, tinh thần, giải pháp đã được Trung ương đề ra phải được áp dụng ngay trong công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội tới đây của Đảng.
- Xin cảm ơn ông!