“Thu hẹp” phạm vi điều chỉnh là cần thiết
- Ông đánh giá như thế nào về việc Trung ương thảo luận và thống nhất cao với việc ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng?
Để Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng sau khi sớm ban hành sẽ đi vào cuộc sống đòi hỏi phải có sự chỉ đạo thực hiện gắt gao. |
- Việc Trung ương thống nhất cao việc ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trong đó nêu đích danh trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương diễn ra trong bối cảnh Đảng ta đang rất quyết tâm, quyết liệt, nỗ lực chỉnh đốn, xây dựng Đảng. Quy định tiếp tục thể hiện định hướng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng ta thật sự là đạo đức, là văn minh.
Thực tiễn cho thấy, yếu tố đạo đức luôn luôn giữ vị trí hàng đầu trong văn hóa Việt Nam. Thời gian qua, câu chuyện về đạo đức đội ngũ cán bộ, đảng viên, những người có chức, có quyền đã và đang gióng lên hồi chuông đáng báo động. Không ít cán bộ, đảng viên cao cấp, có trọng trách lớn như Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật, làm sai luân thường đạo lý, để lại những hậu quả cực kỳ lớn, gây ảnh hưởng tới uy tín của Đảng, của đất nước. Vì vậy, việc Trung ương thống nhất cao về chủ trương sớm hoàn thiện và ban hành Quy định này chính là nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách đang xảy ra trong xây dựng Đảng, nâng cao vị thế, uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng.
Điều đáng chú ý, đó là lần đầu tiên dự thảo Quy định về trách nhiệm nêu gương đã “thu hẹp hơn” đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh, đó là các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương. Đây đều là những cán bộ, đảng viên có trọng trách lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị với hàng triệu cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nếu trước đây, Trung ương đã ban hành các quy định yêu cầu về trách nhiệm nêu gương ở diện rộng là “hàng triệu” cán bộ, đảng viên, thì nay đề cập trực tiếp đến “hàng trăm” cán bộ, đảng viên cao cấp, cụ thể là các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng, không được phép lơ là trong việc soi rọi lại chính mình. Việc sớm ban hành Quy định này sẽ là cơ sở để cán bộ, đảng viên và nhân dân soi rọi, giám sát cán bộ cấp cao của Đảng. Qua theo dõi, tôi nhận thấy, cán bộ, đảng viên và nhân dân thể hiện sự đồng tình, ủng hộ và rất hoan nghênh việc ban hành Quy định này, coi đây là “cánh tay nối dài” của Đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, góp phần chống sự suy thoái, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
- Trước đó, Đảng ta đã ban hành nhiều Quy định về nêu gương, như Quy định số 101/QĐ-TW của Ban Bí thư về Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55/QĐ-TW của Bộ Chính trị về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”. Nhưng như đánh giá của Hội nghị Trung ương 8 vừa qua, thì kết quả thu được còn hạn chế…, thưa ông?
- Đúng là chúng ta không thiếu quy định về nêu gương, nhưng có lẽ cái chính là khâu thực hiện còn chưa nghiêm, từ Trung ương xuống địa phương. Ví dụ, Hội nghị Trung ương 6, Khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thì lần này, ngay tại Hội nghị Trung ương 8, Khóa XII, Trung ương đã nhất trí cao giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để QH bầu làm Chủ tịch Nước. Theo tôi, đây chính là sự gương mẫu, nêu gương của Trung ương trong việc tinh gọn bộ máy. Trung ương đã và đang gương mẫu, làm thật, triển khai những hành động cụ thể, địa phương cũng đồng lòng tuân theo. Tôi tin, Trung ương kiên quyết trong chỉ đạo và thực sự nêu gương, chắc chắn Quy định về trách nhiệm nêu gương lần này, sau khi được ban hành sẽ sớm đi vào cuộc sống.
Chỉ trúng bệnh - bốc đúng thuốc
- Trên nghị trường, cụm từ “văn hóa từ chức” đã được nhiều ĐBQH đề cập. Theo ông, trong Quy định về trách nhiệm nêu gương mà Trung ương thống nhất sẽ sớm ban hành tới đây có nên đề cập đến vấn đề này? Và nếu có thì “liều lượng” nên đến đâu?
- Văn hóa từ chức là điều rất bình thường của chính khách ở nhiều nước trên thế giới. Nhưng ở nước ta, đúng là còn hiếm gặp, có lẽ phải “đốt đèn đi tìm”.
Trước những hạn chế, yếu kém của một số ngành, lĩnh vực, dư luận đặt câu hỏi: Những cá nhân đứng đầu ngành, lĩnh vực đó có đáng phải từ chức không? Và câu trả lời, dư luận thẳng thắn nói rằng: Rất đáng! Nhưng rõ ràng có một thực tế là, nếu cán bộ, đảng viên có mắc lỗi, có làm sai, nhưng chưa đủ căn cứ, chưa có ý kiến của cấp trên thì đương nhiên… “tôi vẫn tại vị”. Tôi cho đây là những trường hợp hành động chưa đúng với lương tâm, liêm sỉ và chức phận được giao.
Rất mừng là trong quá trình thảo luận dự thảo Quy định về trách nhiệm nêu gương lần này của Trung ương được sự ủng hộ của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ở một góc độ nào đó, việc đưa ra bàn về Quy định này đã tác động đến suy nghĩ, tư tưởng, nhận thức, và khơi dậy lòng tự trọng của cán bộ, đảng viên.
- Theo ông, những trường hợp như thế nào thì nên từ chức?
- Lẽ thường, đã là cán bộ, đảng viên, tôi cho rằng, nên chủ động từ chức khi bản thân không đủ điều kiện, uy tín. Điều kiện ở đây có thể là sức khỏe yếu hay do hoàn cảnh gia đình; uy tín ở đây có thể đo lường thông qua lấy phiếu tín nhiệm, đánh giá cán bộ, đảng viên; thông qua các kênh thông tin đại chúng... Nếu uy tín quá thấp thì nên từ chức. Và nên từ chức khi để địa phương, cơ quan, đơn vị mình phụ trách không hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao; hoặc khi để xảy ra mất đoàn kết kéo dài ở cơ quan, đơn vị, hoặc để cán bộ cấp dưới thuộc quyền quản lý trực tiếp có hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng đến mức phải xử lý bằng các quy định của pháp luật.
Cán bộ, đảng viên cao cấp là người đứng đầu một bộ, ngành, một địa phương, vốn phải là trung tâm đoàn kết, điều chỉnh các mối quan hệ trong cơ quan, đơn vị, là hạt nhân sức mạnh của bộ, ngành, địa phương, là tấm gương quy tụ sức chiến đấu của đảng bộ, tổ chức cơ sở đảng, vậy mà anh để mất đoàn kết kéo dài thì đương nhiên phải từ chức. Tôi muốn nhấn mạnh từ “phải”, chứ không dùng từ “nên” từ chức trong những trường hợp này.
Đối với báo chí và nhân dân, thì việc sớm ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương Trung ương vừa thảo luận và thống nhất cao, sẽ là cơ sở để soi chiếu, giám sát hoạt động, việc thực thi nhiệm vụ chính trị cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng. Giả sử, ông X là Bí thư Tỉnh ủy, nhưng để mất đoàn kết kéo dài, người dân, truyền thông có quyền đặt câu hỏi với Trung ương: Vì sao ông X vẫn không từ chức, hoặc chưa bị xử lý? Vì thế việc sớm ban hành Quy định về nêu gương lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hoạt động giám sát, khơi dậy lòng tự trọng, liêm sỉ gắn với trách nhiệm. Nếu trường hợp cán bộ, đảng viên có chức vụ vi phạm mà vẫn không từ chức thì phải bị xử lý theo Điều lệ Đảng, quy định của pháp luật.
- Còn với câu chuyện “tư duy nhiệm kỳ”,“bệnh thành tích”, háo danh, tự cao tự đại… dư luận có nhiều ý kiến, thì có nên đề cập trong Quy định về trách nhiệm nêu gương lần này hay không, thưa ông?
- Việc sớm ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương mà Trung ương thảo luận, thống nhất cao về chủ trương tại Hội nghị lần này chính là cơ sở để điều chỉnh phong cách, lối sống của cán bộ, đảng viên, trước hết là lãnh đạo cấp cao, cán bộ chiến lược của Đảng và Nhà nước.
Dư luận cũng đặt câu hỏi: Danh cao như vậy sao còn háo danh? Chúng ta đều biết, trước đây từng có ý kiến rằng, lãnh đạo đến thăm, làm việc tại địa phương sao cứ phải “nhiệt liệt chào mừng”, đón rước nhiều thủ tục… nhưng đây đó cá biệt một số nơi vẫn chưa sửa được. Theo tôi, đây là biểu hiện của sự háo danh. Trung ương đã có quy định về vấn đề này. Vấn đề là phải thực hiện nghiêm và triệt để hơn nữa.
Hay, vấn đề “tư duy nhiệm kỳ”, tôi cho điều này gắn với chủ nghĩa cá nhân, bệnh thành tích. Đã là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, các bộ, ngành, địa phương thì tư duy phải mang tầm chiến lược, đặt ngắn hạn trong dài hạn. Nhưng thực tế một số cán bộ lãnh đạo có vẻ chỉ chăm chăm làm thế nào để mình nổi bật lên trước, nhắc đến ông A là phải nhắc đến công lao xây dựng công trình này, tượng đài kia… Những cá nhân này rõ ràng đã vì thành tích cá nhân mà phá vỡ tư duy dài hạn, tư duy chiến lược.
Với việc “chỉ trúng bệnh” trong quá trình thảo luận dự thảo Quy định về trách nhiệm nêu gương tại Hội nghị Trung ương 8 lần này, tin rằng chắc chắn chúng ta sẽ “bốc đúng thuốc”.
- Xin cảm ơn ông!