Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật chỉ là một căn cứ phụ để xem xét cấp giấy phép môi trường. Căn cứ chính phải từ tải lượng chất thải và khả năng chịu tải của môi trường. Bởi, mục tiêu cuối cùng của giấy phép này là bảo vệ chất lượng môi trường đất, nước, không khí… Thực tế cho thấy, nếu chỉ dựa vào xem xét quy chuẩn, kỹ thuật sẽ không thể bảo đảm cho môi trường khu vực lân cận nhà máy, vì khi tải lượng thải quá lớn, vượt khả năng chịu tải của môi trường vẫn gây ảnh hưởng.
Do vậy, việc cấp giấy phép môi trường phải dựa trên tính toán khả năng chịu tải của môi trường tiếp nhận, qua đó xác định còn bao nhiêu lượng chất thải có thể đưa ra ngoài. Sau đó, quy định rõ tại giấy phép về nồng độ, lưu lượng chất thải, đưa ra chế tài về phí chất thải, nước thải để thúc đẩy giảm thêm lượng phát thải ra môi trường. Những chính sách này sẽ khuyến khích các cá nhân, đơn vị đầu tư công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường hơn.
TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam
Tiếp tục thu hẹp đối tượng đánh giá tác động môi trường
- Sau lần cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Chín, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện một bước. Ông đánh giá như thế nào về việc bổ sung một số công cụ quản lý mới tại bản dự thảo Luật mới lần này, thay vì chỉ dựa vào báo cáo đánh giá tác động như hiện nay?
- Trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã bổ sung một công cụ quản lý mới, đặc biệt là bổ sung quy định về giấy phép môi trường. Việc áp dụng giấy phép môi trường khi đã có đầy đủ hồ sơ thiết kế chi tiết sẽ giúp cơ quan chức năng quản lý hiệu quả hơn, thực tế hơn, tiệm cận dần cách quản lý tiên tiến của thế giới.
Từ năm 1993 đến nay, nước ta chỉ sử dụng báo cáo đánh giá tác động để quản lý các dự án, dù chỉ mang tính dự báo. Sử dụng một công cụ mang tính chất dự báo để quản lý suốt "vòng đời" dự án là không hợp lý, thậm chí còn tiến hành thanh tra, kiểm tra dựa trên báo cáo được lập từ nhiều năm trước. Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng cả báo cáo đánh giá tác động và giấy phép môi trường từ những năm 1970 của thế kỷ trước. Việc "trả" báo cáo đánh giá tác động về đúng vị trí của nó và bổ sung các công cụ khác phù hợp với từng giai đoạn của dự án sẽ là bước đột phá trong quản lý môi trường ở nước ta.
Tuy đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động quy định tại dự thảo Luật đã giảm so với hiện hành, nhưng vẫn cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu để tiếp tục giảm thêm. Việc để quá nhiều đối tượng phải tiến hành báo cáo đánh giá tác động vừa không cần thiết, vừa tăng gánh nặng cho doanh nghiệp. Thực tế, tại Hà Lan chỉ còn 4 ngành tiến hành đánh giá tác động môi trường (điện lực, thép, xi măng và hóa chất).
- Theo quy định tại dự thảo Luật, giấy phép môi trường được hình thành trên cơ sở tích hợp nhiều giấy phép hiện hành (7 giấy phép). Nhưng nhiều ý kiến vẫn chưa yên tâm với việc tích hợp này vì các giấy phép thuộc thẩm quyền của những bộ, ngành khác nhau… thưa ông?
- Việc cấp giấy phép môi trường không lạ so với các quốc gia trên thế giới. Để cấp giấy phép môi trường, các quốc gia đều ban hành những văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về trình tự, thủ tục, giúp mỗi người dân, doanh nghiệp chỉ cần đọc văn bản hướng dẫn đều dễ dàng thực hiện xin giấy phép. Tại Anh đã ban hành một tài liệu dưới dạng nghị định quy định cụ thể các bước xin cấp giấy phép môi trường tùy theo từng loại.
Nói cách khác, để tính tiến bộ của giấy phép này được phát huy cần tính đến việc sớm ban hành nghị định hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện. Người dân, doanh nghiệp đọc văn bản hướng dẫn sẽ biết ngay mình cần thực hiện các thủ tục, trình tự nào để xin cấp giấy phép môi trường.
- Cũng có ý kiến lo ngại về nguy cơ xung đột trách nhiệm, “quyền anh, quyền tôi” khi tích hợp 7 giấy phép hiện hành vào một giấy phép môi trường như đề xuất của Chính phủ?
- Các giấy phép được đề nghị tích hợp lại có 5 giấy phép ngành tài nguyên - môi trường đã và đang cấp, gộp thêm 2 giấy phép do ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp. Nếu giữa hai Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã thống nhất về tích hợp các giấy phép này, tôi cho rằng sẽ không có khó khăn. Tất nhiên, với những cơ sở đang vận hành cần có quy định về trình tự, thủ tục riêng và lộ trình thực hiện phù hợp để cấp giấy phép môi trường bổ sung cho các đối tượng này. Kinh nghiệm của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy, quá trình chuyển đổi sang quản lý bằng giấy phép môi trường phải mất trung bình 5 năm.
Không nên để "luật chờ nghị định"
- Qua bước đầu rà soát, tiếp thu, chỉnh lý, quy định tại dự thảo Luật về giấy phép môi trường đã được hoàn thiện một bước so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ Chín. Ông đánh giá như thế nào về những quy định mới này?
- Dự thảo Luật đã được rà soát, hoàn chỉnh hơn về kỹ thuật lập pháp, trong đó có các điều, khoản quy định về giấy phép môi trường. Nhưng cá nhân tôi - người từng làm công tác môi trường, khi đọc một số điều khoản liên quan vẫn thấy chưa rõ ràng, nhất là với những quy định dẫn chiếu quy định khác trong dự thảo Luật hoặc của luật liên quan. Mong rằng các cơ quan chức năngcần tiếp tục phối hợp hoàn chỉnh dự thảo để khi được xem xét, thông qua, người dân sẽ xác định rõ được ngay những đối tượng nào phải cấp giấy phép môi trường hoặc đăng ký môi trường; nội dung giấy phép; nội dung hồ sơ…
Bên cạnh việc hoàn thiện nội dung tại dự thảo Luật, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành tham mưu khẩn trương xây dựng nghị định hướng dẫn thi hành Luật. Thực tế, dù đã có quy định, song nhiều luật hiện hành đang rất thiếu văn bản hướng dẫn, khiến luật phải chờ nghị định để đưa các chính sách mới vào cuộc sống.
- Qua nghiên cứu, ông thấy dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) còn nội dung nào cần tiếp thu, chỉnh lý để bảo đảm tính khả thi?
- Bản dự thảo Luật mới nhất hiện có một số quy định không nên quá chi tiết về số lượng, nồng độ phát thải (Điều 115, 116…). Theo tôi, để những nội dung này ở các nghị định của Chính phủ sẽ phù hợp hơn. Đúng là quy định cụ thể số lượng và nồng độ phát thải sẽ cảnh báo ngay với mỗi hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Song thực tế, nguồn thải đó có thể nay mai sẽ phát sinh những chất độc hại khác, hay việc tăng, giảm lượng phát thải sẽ khiến chúng ta phải xem xét sửa đổi quy định của Luật. Và, một số điều khoản về báo cáo đánh giá tác động, giấy phép môi trường cần được tiếp tục chỉnh lý, bổ sung để có công cụ kiểm soát các nguồn ô nhiễm mới.
Đặc biệt, theo tôi, cần mạnh dạn chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, thay vì còn e ngại, chưa tin doanh nghiệp như hiện nay. Dự thảo Luật hiện vẫn quy định phải kiểm định, đánh giá trước với nhiều công đoạn sản xuất cụ thể của doanh nghiệp. Cách làm này sẽ vừa gây tốn kém cho doanh nghiệp, vừa khiến cơ quan quản lý khó làm xuể. Tại sao không cho doanh nghiệp nhanh chóng đưa vào vận hành dây chuyền sản xuất, sau đó mới kiểm tra gắt gao, phạt nặng nếu phát hiện vi phạm? Hay như, trong công đoạn chạy thử nghiệm vẫn yêu cầu quan trắc tổng hợp, kiểm tra các công đoạn dù chưa phát thải ra môi trường, chưa kể còn yêu cầu phải thiết kế hoàn công trước.
- Xin cảm ơn ông!