Phê đã khó, khen đúng lại càng khó hơn. Đây không chỉ là câu chuyện khen chê trong một đơn vị mà còn là vướng mắc trong công tác thi đua khen thưởng. Khi thi đua còn hình thức thì khen thưởng sao thực chất được? Góp ý dự Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), có ý kiến cho rằng, một số phong trào thi đua phát động rầm rộ nhưng khi thực hiện thì có “phát” mà chưa có “động”. Đơn cử như việc đánh giá, tổng kết khen thưởng có chỗ còn qua loa, nặng về thành tích; bình xét khen thưởng cảm tính, cào bằng, phân chia lần này, lần khác... gây bất cập trong công tác quản lý.
Danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, cá nhân phải là người có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, có giải pháp công tác, có đề tài nghiên cứu hoặc áp dụng công nghệ mới để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác và phải được hội đồng xét duyệt công nhận. Quy định này trong Luật có chỗ không thực tế, vì các tiêu chí của “sáng kiến thực sự” thường nằm trong đề tài nghiên cứu tập thể, công phu, bài bản, có thời gian, có nguồn kinh phí hỗ trợ… do một nhóm chuyên gia thực hiện mà có khi nghiệm thu xong còn nằm trong “ngăn kéo” hàng chục năm. Và không phải ai cũng có điều kiện tham gia đề án, sáng kiến như vậy. Vì vậy, có nơi chặt chẽ “kiếm” được một chiến sĩ thi đua cơ sở “cấp bộ” khó như “lên trời”, tìm kiếm mỏi mắt như “sao buổi sớm” trong khi giới hạn số lượng 15% thì rất rộng rãi.
Khi bình xét ở đơn vị có nơi rơi vào tình huống khó xử. Người đứng đầu dẫn dắt đơn vị mà không hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì sao tập thể đó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Và vì vậy “sếp” luôn là người xứng đáng với danh hiệu khen thưởng cao nhất vì vị trí, trách nhiệm và cống hiến… Tỷ lệ còn lại phân bổ dần trên xuống như hình ảnh ví von “cuốc xẻng từ dưới phân lên; đường sữa từ trên phát xuống”.
Vấn đề khó khi đưa Luật Thi đua, khen thưởng vào cuộc sống không nằm ở các hình thức khen thưởng nào, việc mở rộng đối tượng khen thưởng ra sao và cũng không ở lĩnh vực công, tư hay phát hiện nhân tố mới… mà chính là ở cách thức lựa chọn người thực sự xứng đáng để khen thưởng như thế nào? |
Rõ ràng, vấn đề khó của dự Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và cũng chính là cái khó khi đưa luật này vào cuộc sống không nằm ở các hình thức khen thưởng nào, việc mở rộng đối tượng khen thưởng ra sao và cũng không ở lĩnh vực công, tư hay phát hiện nhân tố mới… mà chính là ở cách thức lựa chọn người thực sự xứng đáng để khen thưởng như thế nào? Và làm sao loại bỏ được hiện tượng chạy khen thưởng, chạy thành tích làm việc tư lợi, mờ ám?
Nếu chỉ loanh quanh ở các hình thức khen thưởng thì thực sự chưa có bước đột phá “gỡ rối” cho những hạn chế trong thực thi Luật Thi đua, khen thưởng thời gian qua. Cái vướng là ở thủ tục, cách thức xem xét khen thưởng vừa quá chặt, vừa quá lỏng, vừa dễ bị “vận dụng” trái với bản chất, ý nghĩa của thi đua. Đây chính là vấn đề quy trình xét, điều kiện, tiêu chí xét các hình thức khen thưởng chưa được “mổ xẻ”, xem xét đầy đủ.
Khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được; khen thưởng đột xuất; khen thưởng theo phong trào thi đua; khen thưởng theo niên hạn, khen thưởng theo cống hiến và khen thưởng đối ngoại. Đây là 6 loại hình khen thưởng trong dự Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi rất rành mạch theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Và có thể bóc tách ra được 5 vấn đề khen thưởng để hướng tới nguyên tắc “thành tích đến đâu thì khen thưởng đến đó”… Khi thiết kế dự thảo Luật theo hướng này, sẽ rất dễ để chúng ta đưa ra quy trình, thẩm quyền khen thưởng.
Khi có nhiều hình thức khen thưởng khác nhau, nhiều đối tượng ngành nghề khác nhau mà chỉ có một quy trình khen thưởng thì vướng mắc là tất yếu! |
Quy trình là vấn đề vướng mắc nhất trong thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng. Quy trình không rõ thì khen nhầm, khen sót, khen hình thức, khen cho có… dễ xảy ra và nó tác động trở lại làm suy giảm phong trào thi đua thực chất. Và cái khó của Luật Thi đua, khen thưởng là ở chỗ vừa là luật nội dung quy định các hình thức khen thưởng, đối tượng được khen thưởng; vừa là luật hình thức quy định quy trình, điều kiện xét từng loại khen thưởng đó. Và làm sao giải quyết hài hòa, thấu đáo cả hai vấn đề này cả ở khâu thi đua, cả ở khâu khen thưởng?
Khi có nhiều hình thức khen thưởng khác nhau, nhiều đối tượng ngành nghề khác nhau mà chỉ có một quy trình khen thưởng thì vướng mắc là tất yếu. Vì vậy, khi bổ sung các hình thức khen thưởng, mở rộng phạm vi thi đua khen thưởng cả “tư” lẫn “công” thì việc xây dựng quy trình thực sự quan trọng bảo đảm tính khả thi của đạo luật. Trên thực tế, việc thảo luận về quy trình trong dự luật này chưa được đề cập đúng mức, thỏa đáng. Đây còn là vấn đề kỹ thuật lập pháp đòi hỏi các nhà lập pháp và ban soạn thảo phải khảo sát đánh giá kỹ lưỡng và nghiên cứu kỹ bổ sung cho dự luật kịp thời. Như vậy, dự luật mới không mất cân đối, “khập khiễng” đủ nội dung mà khuyết quy trình khó vào cuộc sống.
Một vấn đề quan trọng nữa mà dự luật cần tập trung giải quyết là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong phát động, theo dõi, thúc đẩy phong trào thi đua và bình xét thi đua, quyết định khen thưởng. Phân cấp cho người đứng đầu đơn vị, tổ chức có thẩm quyền đầy đủ, cầm cân nảy mực sao cho việc khen thưởng đúng người, đúng việc, kịp thời như “gieo trồng và gặt hái” sẽ hướng cho công tác thi đua thực chất và liên tục.
Tin tưởng rằng việc sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng lần này sẽ khắc phục những hạn chế trong qua trình thực thi, thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước rộng khắp có sức lan tỏa sâu rộng, tạo nên động lực, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thi đua hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ cách mạng.