Đánh giá nghiêm cẩn hơn các quy định hiện hành
Đảng lãnh đạo đất nước thông qua ba phương thức. Một là, hoạch định đường lối, chính sách để dẫn dắt dân tộc đi theo con đường tốt đẹp và phồn thịnh hơn. Hai là, bằng nhân sự, Đảng giới thiệu với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để bầu ra những người tài năng làm lãnh đạo, quản lý. Ba là, bằng sự kiểm tra, giám sát của Đảng với cán bộ của mình. Trong ba phương thức ấy, công tác nhân sự có ý nghĩa quyết định nhất, bởi nhân sự chính là chủ thể của cả ba phương thức lãnh đạo. Nếu Đảng không lựa chọn được đội ngũ tinh hoa xứng đáng, sẽ không có đường lối đúng đắn. Nếu Đảng không có đội ngũ thực sự công tâm, dĩ công vi thượng, sẽ không kiểm tra, giám sát được bộ máy của mình. Vì vậy, nhân sự được xác định là công việc quan trọng bậc nhất của Đảng.
Cha ông ta có câu: “Lập quốc dĩ giáo học vi tiên. Bình trị dĩ nhân tài vi bản”. Trong việc tạo lập ra Nhà nước, trước tiên phải coi giáo dục là quốc sách số một, để nâng cao dân trí. Nhưng đến lúc xây dựng đất nước, thì phải coi nhân tài là gốc rễ của kiến tạo, phát triển. Đó là nguyên lý bất di bất dịch của mọi quốc gia, từ lịch sử cổ đại, trung đại và hiện đại đều thế.
Bàn về vấn đề nhân sự Đại hội XIII lúc này không phải là mới. Thực tế đã có quá trình chuẩn bị công phu, thể hiện ngay ở việc sửa đổi, ban hành mới các quy định, hướng dẫn về nhân sự, về các bước tổ chức thực hiện nhân sự đang được triển khai ở các cấp. Nhưng, nếu không nhìn nhận vấn đề ở góc độ thực tiễn hơn, vẫn có thể không tránh được một số hậu quả mà đến bây giờ khó lường định. Bởi vậy, cần đánh giá nghiêm cẩn hơn về các quy định hiện hành và tác động của nó đến việc lựa chọn chính xác nhân sự, nhằm tránh rủi ro tối đa về sau, như đã thấy.
“Dụng nhân như dụng mộc”
Để sử dụng hiệu quả nhân tài, cần có nhận thức tiếp biến và áp dụng các nguyên lý về nhân sự, đã được cha ông ta đúc kết trong câu “dụng nhân như dụng mộc”. Việc dùng người cần giống như khi xây một ngôi nhà, gỗ lim được chọn làm cột cái, tre nứa dùng làm phên, dậu. Ngược lại, nếu lấy tre nứa làm cột trụ, ngôi nhà ắt sẽ nghiêng, đổ. Một người có khả năng làm tốt công tác phong trào chưa hẳn có thể trở thành một chính trị gia, hay một nhà lãnh đạo trong hệ thống chính trị; một doanh nghiệp giỏi về sản xuất, kinh doanh chưa hẳn trở thành một nhà quản lý, điều hành trong bộ máy hành chính; một nhà khoa học xuất sắc chưa hẳn trở thành một chính khách.
Xét từ vấn đề có tính nguyên lý nêu trên, sẽ thấy chính sách cán bộ hiện nay có một số bất cập. Đó là, dường như cứ người giỏi về chuyên môn, đạt được thành tích trong chuyên môn, thì đưa lên làm quản lý, lãnh đạo; hoặc cứ vào được cấp ủy là có thể lãnh đạo, quản lý được mọi lĩnh vực. Đó là chưa nói đến phương pháp, cách thức chọn lựa cán bộ sao cho thực đức, thực tài. Bởi vậy, theo tôi cần thay đổi nhận thức trên cơ sở xác định 6 nhóm cán bộ tương ứng với 6 lĩnh vực trụ cột trong lãnh đạo, quản lý xã hội gồm: chính trị, quản lý, điều hành, chuyên môn, khoa học - công nghệ và văn hóa - nghệ thuật.
Nhóm cán bộ thứ nhất là những người làm chính trị, hay còn gọi là cán bộ cấp chiến lược. Hiện nay, có thể nhìn thấy nhóm này trong Ban Chấp hành Trung ương và Quốc hội. Họ là chính trị gia, chính khách, là những nhân vật tham gia vào chuỗi quyết định các chủ trương, chính sách, pháp luật, nền tảng trị quốc. Họ là những người có năng lực tư duy vượt trội, khả năng khởi xướng chính sách, có tầm nhìn xa, hiểu được quy luật vận động tự nhiên để đặt ra đường đi cho dân tộc; có khả năng tổng kết thực tiễn, am hiểu thời thế; biết quy tụ nhân tâm, trọng dụng nhân tài và năng lực tổ chức các lực lượng vật chất, tinh thần; có tâm huyết, dốc lòng vì lợi ích chung với tinh thần dĩ công vi thượng, không màng đến lợi ích cá nhân; có khả năng thuyết phục muôn người trong đối nội và đối ngoại, vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Tuy nhiên, việc chọn lựa nhân sự dường như vẫn đang theo kiểu truyền thống, tuần tự thăng tiến từ dưới lên. Chẳng hạn như người giỏi chuyên môn được bổ nhiệm làm Trưởng phòng, rồi Phó Vụ trưởng, Chủ tịch huyện... Nhờ bộ máy giúp việc, họ cứ thế thăng chức cho đến vị trí cấp cao... Trong số đó, nếu những người "tài hèn, đức mỏng" mà lại nằm trong bộ máy hoạch định chính sách, vạch đường chỉ lối, thì làm sao bảo đảm chất lượng chính sách, pháp luật? Do vậy, khi đã xác định là những chính trị gia trụ cột, thì phải lượng hóa cụ thể hơn tiêu chuẩn về tài, đức của họ.
Nhóm cán bộ thứ hai là nhóm quản lý. Đặc điểm nổi trội của nhóm này là những người vận hành các ý tưởng của nhóm chính trị gia thông qua việc đặt ra các quy tắc xử sự chung, thể hiện được tầm nhìn, khuôn khổ mà các chính trị gia đã khoanh vùng, định hướng. Nhóm quản lý hiểu sâu công việc chuyển hóa giữa các ý tưởng chính sách sang các quy định của pháp luật, biết cách vận hành hệ thống thể chế đó phù hợp với mục tiêu mà các chính trị gia đặt ra. Trong nhóm này có thể kể đến cấp bộ trưởng, họ là lớp cán bộ biến các ý tưởng về mặt chính trị thành khuôn khổ pháp lý, đòi hỏi có sự lồng ghép giữa chính trị gia và nhà quản lý. Những người này có cả trong Quốc hội và Chính phủ, vì Quốc hội có chức năng lập pháp, Chính phủ được giao chức năng lập quy và lãnh đạo hệ thống hành chính.
Nhóm cán bộ thứ ba là những người điều hành, là cấp Thứ trưởng ở Trung ương và Chủ tịch, Phó Chủ tịch tỉnh, Giám đốc sở ở địa phương. Thực chất nhóm này là những người chỉ huy hệ thống, điều hành bộ máy. Cấp Thứ trưởng là công chức hành chính cao cấp, có trách nhiệm tuân thủ, thực thi chính sách, pháp luật bằng các biện pháp cụ thể. Họ đóng vai trò tổ chức, thực hiện chính sách do các chính trị gia đề ra. Họ có vai trò là vệ tinh cho việc thực thi chính sách và giúp cho quy trình vận hành bộ máy hiệu quả. Nếu gặp phải trở ngại trong quá trình điều hành, họ có quyền đề xuất với cấp chiến lược để sửa đổi, bổ sung, hay ban hành chính sách mới, chứ không có quyền quyết định chính sách.
Nhóm cán bộ này muốn trở thành chính trị gia phải có những hoạt động xã hội bộc lộ được năng lực khởi xướng và thuyết phục chính sách. Bằng cách chọn lọc chính trị gia, họ mới thay đổi được vị trí, chứ không phải cứ theo tuần tự thăng tiến như hiện nay, nghĩa là từ chuyên viên lên chính trị gia phải có quá trình thay đổi, không chỉ tư duy, tầm nhìn, phương thức hoạt động, mà còn là uy tín cá nhân trước công chúng.
Nhóm cán bộ thứ tư là những chuyên gia, người tham mưu, giúp việc. Những người này tinh thông, am hiểu sâu vấn đề chuyên môn, biết rõ quy trình thủ tục, xử lý những vấn đề vi mô, đòi hỏi sự chuyên nghiệp, chính xác cao.
Nhóm cán bộ thứ năm là những cán bộ có tay nghề vững chắc, tạm gọi là nhóm kỹ thuật công nghệ lành nghề. Họ cũng có tiêu chuẩn tương ứng như nhân viên tham mưu chính sách và đòi hỏi cao về tính chuyên nghiệp, độ chính xác trong công việc.
Nhóm cán bộ thứ sáu là những cán bộ hoạt động ở lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật. Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt chú ý đến nhân tài ở lĩnh vực khoa học kỹ thuật và nhân văn. Những tài năng đích thực nổi trội trong lĩnh vực này thường có khuynh hướng không muốn trở thành chính trị gia, nhà quản lý.
Và, trong từng nhóm thuộc 6 nhóm cán bộ nêu trên sẽ đòi hỏi phải xây dựng được tiêu chuẩn cụ thể cho từng vị trí chức danh. Qua đó, định lượng rõ tiêu chí cần thiết, để khi nhìn vào tiêu chí định lượng tiêu chuẩn, có thể hình dung ra ngay con người cụ thể cả về trí tuệ, năng lực, đạo đức, tác phong...